.

Những kỷ niệm về sách

Thư viện Trường Đại học Obirin (Tokyo) đề nghị GS Trần Văn Thọ viết một bài về sách để đăng trên đặc san của viện. Bài viết này viết bằng tiếng Nhật, sau đó được dịch ra tiếng Việt và đăng trên Tuổi trẻ Chủ nhật (3-1998). Sách với mỗi người không chỉ là những hoài niệm đẹp mà còn sự thôi thúc cho sáng tạo. “Thời gian cho ta kinh nghiệm, sách cho ta kiến thức” (V. Hugo). Xin giới thiệu lại bài viết này của GS Trần Văn Thọ, một cộng tác viên thân thuộc của ĐNCT.

Thư trung hữu nữ nhan như ngọc

Trong sách có người con gái mặt đẹp như ngọc. Đây là một trong những câu thơ Đường mà tôi ưa thích từ hồi còn học trung học. Gần đây, nhờ một giáo sư chuyên về Đường thi ở Đại học Obirin, tôi mới biết nội dung toàn bài thơ và tên tác giả của nó. Thuở thiếu thời tôi tự giải thích ý nghĩa của câu thơ đó theo suy nghĩ như sau: khi đọc sách có thể gặp được người đẹp, trong sách thường mở ra cho ta những thế giới mộng mơ và thỉnh thoảng qua sách vở ta có thể bắt gặp được người con gái lý tưởng. Cách giải thích này rất phù hợp với tuổi thanh xuân mơ mộng và trên thực tế, tiểu thuyết nhiều khi cũng vẽ ra những nhân vật phụ nữ hợp với mẫu người con gái lý tưởng của người con trai mới lớn.

Không hiểu câu thơ Đường nói trên có ảnh hưởng đến tập quán và suy nghĩ của tôi đối với sách hay không, nhưng có thể nói tôi là một trong những học sinh rất ham mê sách. Lớn lên tại một vùng nông thôn miền Trung Việt Nam, cũng như nhiều học sinh khác, tôi không có tiền để mua sách, thường chỉ có vài cuốn. Có lẽ số sách sở hữu chỉ chiếm độ một, hai phần trăm trong số sách đã đọc. Sự khan hiếm này làm cho tôi càng thấy quí mến, trân trọng và gắn bó với sách hơn.

Trong những năm cuối bậc tiểu học, sách đọc nhiều nhất là những truyện ký và tiểu thuyết lịch sử, nhất là truyện Tàu. Ngoài những tác phẩm mà ở Nhật cũng phổ biến rộng rãi như Tam quốc chí, Tây du ký, Thủy hử... tôi còn đọc say mê các truyện ký về việc các vua Văn Vương, Võ Vương khai nghiệp nhà Chu (Phong Thần), với thời Xuân thu - Chiến quốc (Đông Chu liệt quốc, Phong kiếm Xuân thu), sự nghiệp diệt Tần và tranh chấp nhau giữa Lưu Bang và Hạng Vũ (Hán Sở tranh hùng), sự tích xây dựng nhà Đường (Thuyết Đường), nhà Tống (Phi Long), nhà Minh (Đại Minh hồng võ)... Các bộ trường thiên tiểu thuyết này thường có nhiều cuốn, mỗi cuốn dày đặc số trang. Có bộ gồm tới tám, chín cuốn như truyện Thủy hử chẳng hạn. Thời tiểu học và năm đầu thời trung học, tôi bù đầu vào những cuốn sách thế này. Thời đó, các loại tiểu thuyết này được dịch ra tiếng Việt và lưu hành rộng rãi, đông đảo các tầng lớp dân chúng cũng thích đọc. Tuy nhiên, đa số độc giả đều là những người không có tiền nên ít ai mua được nhiều sách và số lượng phát hành cũng hạn chế. Những người đọc sách nhiệt tình như tôi đều phải tìm mọi cách mượn sách đọc. Nơi trao đổi sách phổ biến nhất hồi đó là các tiệm hớt tóc. Tôi cũng vậy, mỗi chiều khi đi học về, tôi ghé lại tiệm hớt tóc của dượng tôi và xem dượng có mượn thêm cuốn sách nào mới không. Nếu có cuốn tôi chưa đọc là tôi nài nỉ dượng cho mượn lại, chỉ một hai ngày thôi.

Vào trung học đệ nhất cấp (Trường Nguyễn Duy Hiệu ở Điện Bàn, Quảng Nam) tức cấp II bây giờ, một vài năm đầu tôi cũng còn đọc truyện Tàu, nhưng qua một thời gian ngắn là đã đọc hầu hết các sách đã có thời đó. Thay vào đó tôi bắt đầu đọc các sách về lịch sử và văn học Việt Nam, đặc biệt rất thích đọc những sách về văn học tiền chiến, nhất là những tiểu thuyết lãng mạn hoặc phê phán hiện thực. Tôi say mê những tiểu thuyết lãng mạn ca tụng tình yêu, tình bạn, tình yêu thiên nhiên, được diễn tả bằng lối hành văn bình dị nhưng trong sáng và tinh tế. Có lẽ trong bối cảnh đó tôi đã đọc được câu thơ Đường “trong sách có người con gái mặt đẹp như ngọc” và giải thích theo nội dung nói trên. Trong thời gian tôi học trung học đệ nhất cấp, những tiểu thuyết “tiền chiến” dần dần được tái bản. Hầu như ngày nào tôi cũng rủ một vài bạn ghé lại một tiệm sách lớn tại một phố nhỏ huyện lỵ (tiệm sách Vĩnh Hòa ở Vĩnh Điện) xem thử có cuốn nào tái bản không. (Tôi còn nhớ thời đó Nhà xuất bản Phượng Giang thường tái bản sách của Tự Lực văn đoàn). Tuy nhiên, chúng tôi không có khả năng mua hết các sách tái bản, mỗi lần mỗi người mua một cuốn là đã mừng lắm rồi. Dù vậy, sau khi học xong trung học đệ nhất cấp, tôi đã đọc hầu hết các tiểu thuyết “tiền chiến”. Được như vậy là nhờ chúng tôi tìm mọi cách để có sách đọc. Chẳng hạn mỗi lần mỗi người mua một cuốn sách khác nhau và trao đổi đọc chung. Nhưng có một kỷ niệm đáng nhớ là hồi học năm đệ ngũ (lớp 8 bây giờ), thầy giáo chủ nhiệm (thầy Nguyễn Phú Long, hiện đang sống ở TP. Hồ Chí Minh) đã có ý sáng lập một phòng đọc sách cộng đồng, học sinh và thầy giáo mỗi người góp một vài cuốn sách vào thư viện và mỗi lần có thể mượn được số sách bằng số lượng mình đóng góp.

Vào trung học đệ nhị cấp (Trường Trần Quí Cáp, Hội An) tức cấp III bây giờ, phạm vi đọc sách mở rộng ra nhiều lĩnh vực nhưng vẫn thích nhất là sách trong lĩnh vực tiểu thuyết và thi ca, kể cả thơ văn các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp. Tôi vẫn còn giữ những cảm giác rung động, êm ái khi đọc các tiểu thuyết của Anatole France, Chateaubriand, Saint-Exupéry... Xong tú tài, tôi vào Sài Gòn học ở Đại học Văn khoa với hy vọng sẽ vào Đại học Sư phạm để trong tương lai trở thành giáo viên dạy văn ở một trường trung học đệ nhị cấp. Tuy nhiên, mới được nửa năm tôi trúng tuyển trong kỳ thi lãnh học bổng sang Nhật du học. Sang Nhật, tôi chuyển sang ngành kinh tế học, nhưng cái duyên với thi ca và văn chương sẽ không bao giờ dứt. Tôi không là người sản xuất ra các tác phẩm văn học, nhưng mãi mãi sẽ là người tiêu thụ các tác phẩm đó.

Mấy năm gần đây tôi về Việt Nam thường xuyên, lần nào về cũng đến các tiệm sách lớn ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội mua hết các sách mà tôi đã đọc thời nhỏ. Lòng bồi hồi cảm động khi cầm lại trên tay mỗi cuốn sách này. Toàn là những sách đã đọc, nhưng ngày xưa những sách đó chưa bao giờ nằm trong tay tôi quá hai, ba ngày. Bây giờ các cuốn sách đó nằm vĩnh viễn trong phòng làm việc của tôi tại Tokyo. Tôi cảm thấy hạnh phúc tràn đầy, một thứ hạnh phúc của người được gặp lại bạn tri âm sau gần một phần tư thế kỷ, và bây giờ thì người bạn đó luôn ở cạnh mình muốn gặp lúc nào cũng được.

Trần Văn Thọ

;
.
.
.
.
.