.
KỶ NIỆM 36 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG ĐÀ NẴNG (29-3)

Ngọn đèn đứng gác

.

1. “Con thắp cái đèn rồi đem ra để ngoài bệ xi-măng trước hiên cho mẹ. Nhớ coi chừng đừng cho nó tắt nghe”. Đêm đó trời trở gió, thôn Hồng Phước, xã Hòa Khánh, vắng ngắt. Thị hiểu ý mẹ, lôi cái đèn bão dưới góc bàn ra, lau sơ lại bốn mặt kính đã ám khói rồi châm lửa…

 

Mô tả ảnh.
9 giờ 30 ngày 29-3-1975, cờ Giải phóng đã tung bay trên trụ cờ của cơ quan Hội đồng xã Hòa Khánh, UBND phường Hòa Khánh Nam ngày nay.

 

 

Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt
Như những tâm hồn không bao giờ biết tắt...
(Chính Hữu)

Lúc trời quang mây tạnh, Thị thay cái đèn bão bằng cái đèn tự chế từ lon sữa bò, có tim hơi cao để ánh sáng tràn đầy từ hiên ra sân nhà. Ở cái tuổi còn học trường làng, Thị để ý có bữa mới chập choạng tối mà mẹ đã hối thắp đèn, có bữa trời tối mịt rồi mà vẫn không nghe bà nhắc chuyện đèn đóm chi hết. Mà cũng lạ, Thị để ý thấy y như rằng mỗi lần thắp đèn là có nhiều người về nhà mình chuyện trò rôm rả lắm. Mỗi lần như thế, mẹ bảo Thị ra chơi trước nhà, hễ có ai vô là kêu mẹ thiệt to.

 

Hôm đó có một người tên là Phan Văn Bảy, về sau Thị biết ông này là Phó ban An ninh quận Nhì Đà Nẵng, về công tác ở lại nhà mình. Thị gọi bằng chú, dần dần thân mật như người nhà. Có lần, hai chú cháu ôm nhau, bất đồ súng bị cướp cò, viên đạn trúng chân ông Bảy, phải đi cấp cứu.

2. Thị, trong ký ức của Trung tá Hồ Phúc Ngôn, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 87 Đặc công, là thằng bé dũng cảm, không sợ chết. Cha mẹ Thị là gia đình cốt cán cách mạng từ năm 1960 nên Thị có điều kiện tham gia sớm. Thị thường mặc quần đùi chạy lon ton lên nổng cát cảnh giới địch. Cả thôn Hồng Phước lúc đó ai cũng làm cách mạng, nhà nào cũng có hầm bí mật. Ông còn nhớ, nhà bà Phạm Thị Dĩ (mẹ của Thị) có 4 hầm, nhà bà Miên (dì của Thị, em dâu ông Ngôn) cách đó không xa có 7 hầm. Các đời Bí thư quận Nhì lúc đó đều về nấp hầm bí mật ở nhà bà Dĩ. Mỗi khi có địch, Thị đến gần miệng hầm phát ra ám hiệu đã thống nhất với mọi người từ trước để báo động.

 

Mô tả ảnh.
Bà Phạm Thị Dĩ và ông Hồ Phúc Ngôn (trái) ôn lại chuyện xưa thắp đèn dầu báo hiệu.

 

Lần nọ, khi cán bộ đang họp thì lính Mỹ đến bao vây. Ông Bảy chạy ra, bị địch bắn, hy sinh bên bờ hồ gần nhà bà Liên, gần Bàu Sậy. Sáng ra, theo chỉ thị, Thị dắt trâu qua chỗ bàu, thấy lính Mỹ vẫn còn lảng vảng quanh đó. Ông Bảy trên mình bị nhiều vết đạn, máu đông cứng thành từng vạt trên áo ka-ki. Thị về báo lại, đến khi Mỹ rút thì mọi người tìm cách đưa thi hài ông Bảy về.

Bà Nguyễn Thị Đá (còn gọi là Liên) năm nay 94 tuổi, Bí thư đầu tiên ở Hòa Khánh, vẫn còn nhắc chuyện từng đưa cái nắp hầm bí mật bằng gỗ cho cậu bé Thị ngày nào, bảo cất kỹ đi để sau dùng lại. Thị lúc đầu mang ra vùi dưới bùn trong đám ruộng trước nhà, mấy ngày sau nó nổi lên, phải đem chôn dưới đất.

3. Anh ruột ông Bảy là Phan Văn Tải, lúc đó là Quận ủy viên, Quận đội phó quận Nhì. Năm 1971, Thị mười hai tuổi, được ông Tải chính thức giao nhiệm vụ giao liên, theo dõi bám địch, cảnh giới để cán bộ hội họp…
Ông Nguyễn Bá Siêu, cán bộ phụ trách quận Nhì giao cho Thị vẽ sơ đồ trạm gác của kho gạo Hòa Khánh (nay là Nhà máy Bia Larue Đà Nẵng). Thị dắt trâu tới cột gần đó rồi đi loanh quanh quan sát, ghi nhớ nơi đặt các trạm gác, rào dây thép gai, chất bao tải cát... về, vẽ lại toàn bộ rồi đưa cho ông Siêu. Nhờ đó, bộ đội đặc công đánh kho gạo dễ dàng.

Những năm 1973 – 1974, tình hình căng thẳng, lính ngụy canh gác rất nghiêm ngặt, việc liên lạc đối với “người mình” rất gay go. Thị cùng với người dì và cơ sở đóng vai đi củi qua Hố Chuối (địa bàn phường Hòa Hiệp Bắc ngày nay) để đem thư cho ông Lê Thành Don lúc đó là xã đội trưởng Hòa Hiệp (ông này lúc đầu sinh nghi, “thằng mô nhỏ xíu mà lọt vô đây?”). Lúc đó, qua cầu Nam Ô bị khám xét rất kỹ, thư được giấu trong ruột một cây giữa hàng trăm cây củi nên chỉ có... tài thánh mới tìm ra.

Bàu Sậy cũng là nơi Thị nhiều lần trực tiếp đưa cán bộ đi họp. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, lúc đó là mũi trưởng biệt động quận Nhì, mỗi lần xuống vùng địch kiểm soát để tiếp xúc cơ sở gặp muôn vàn hiểm nguy.  Hai anh em, ông Tuấn và Thị, bàn nhau đóng vai đi đánh cá để che mắt địch. Thị cầm chèo, ông Tuấn cầm lưới, cả hai đàng hoàng đẩy ghe chèo ra Bàu Sậy. Mọi việc êm xuôi. Tối, ông Tuấn về lại nhà Thị, họp với cơ sở bàn bạc, hội ý cách đánh nội thành để giải phóng Đà Nẵng.

 

Mô tả ảnh.
Ông Phan Văn Tải (thứ hai, trái sang) và đồng đội về thăm lại vùng đất đã từng che giấu, nuôi dưỡng mình trong kháng chiến chống Mỹ.

 

4. Cuối tháng 3 năm 1975, cả Đà Nẵng chộn rộn tin quân cách mạng giải phóng Tây Nguyên, Quảng Trị, rồi đến Huế. Ở xã Hòa Khánh, tuy địch còn đông nhưng đã mất hết tinh thần; ở các thôn Hồng Phước và Đa Phước, cán bộ, bộ đội cải trang đi lại giữa ban ngày. Thị lúc này 16 tuổi, được ông Phan Văn Tải phân công cùng với ông Phạm Đình Khôi, phụ trách đội công tác xã Hòa Khánh, chuẩn bị đi treo cờ.

8 giờ sáng ngày 29-3, bộ đội chủ lực tiến về Đà Nẵng theo hai hướng: Từ đèo Hải Vân kéo vào, từ Hòa Bắc kéo xuống. Nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng ở Hòa Khánh xuống đường chào đón và dẫn đường cho quân chủ lực tiến vào giải phóng Đà Nẵng.

Khoảng 8 giờ 30, ông Khôi đưa cho Thị cây súng ngắn, hai anh em chạy xe máy xuống cơ quan Hội đồng xã Hòa Khánh của chế độ Sài Gòn (cũ). Cả hai hạ cờ ba que xuống, kéo cờ Giải phóng lên cột cờ. Lúc đó là 9 giờ 30, quê nhà Hòa Khánh đã được giải phóng. Chỉ tích tắc sau, bộ đội đến tiếp quản. Lính nghĩa quân, cảnh sát chế độ cũ bỏ chạy, đồ đạc để lại còn nóng hổi trên võng...

5. Thế là đã 36 năm. Hôm rồi, anh Dương Thành Thị, hiện là Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, đưa ông Ngôn, ông Tải và những người lính đặc công năm xưa về thăm lại nhà mẹ mình, cùng nhau ôn lại chuyện xưa. Qua điện thoại, ông Nguyễn Thanh Tuấn, hiện là Thiếu tướng Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng Cục Chính trị, nói vui với anh Thị: Nếu hồi đó mà địch phát hiện thì nó bắn cả hai, chứ chẳng lẽ bắn anh mà “tha” cho em.

Không còn ngọn đèn dầu trước hiên nhà xưa, nhưng trong ký ức của anh Thị, nó như vẫn cháy sáng để báo hiệu cho cán bộ ở các vùng Trung Sơn, Xóm Nà yên tâm về Hồng Phước hoạt động. Nao nao kỷ niệm xưa, bất giác một người trong đoàn khẽ hát “Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt/ Như những tâm hồn không bao giờ biết tắt...”. Thật vậy, “Ngọn đèn đứng gác” trong thơ của Chính Hữu được Hoàng Hiệp phổ nhạc vẫn chưa bao giờ “tắt” trong lòng họ...

Ký của VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.