.

Chập chững làm thị dân

.

Quá trình mở rộng đô thị đã kéo theo sự dịch chuyển đơn vị hành chính từ làng xã lên đô thị, giúp một bộ phận nông dân đổi đời. Những người nông dân quen cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đang phải từng ngày tự thay đổi để hợp với cách sống mới: làm thị dân.

Hơi thở nông dân giữa phố

 

Mô tả ảnh.
Để những người nông dân như bà Nguyễn Thị Tư (vợ ông Nguyễn Ngọc Quý) có lối sống như một người dân thành thị là một câu chuyện dài trước mắt.

Ngồi trong căn nhà ngói khang trang, ông Huỳnh Văn Châu (71 tuổi), tổ trưởng tổ 8, phường An Hải Tây nhớ lại, hơn 10 năm trước, khi dự án đường Bạch Đằng Đông chuẩn bị khởi công, chính ông là người thường xuyên đi vận động người dân hiến đất. Khi ấy, những người nông dân như ông còn rất mơ hồ với chính sách, chủ trương mới của thành phố. Bởi, An Hải Tây là một trong những phường đầu tiên ở quận Sơn Trà triển khai việc di dời, giải tỏa để xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Bây giờ, tận trong thâm tâm, ông vẫn nhớ về 5,2 sào đất nông nghiệp chuyên trồng hoa màu ngày trước của gia đình. Ông bảo, thời ấy cơ cực, hai vợ chồng, cộng với 6 đứa con, dựa vào phần đất ấy mà sống, nghề nông cực đấy, nhưng mỗi khi đến mùa thu hoạch, nhìn mảnh vườn rau xanh tốt, cây trái sum suê lại có cảm giác bình yên, hạnh phúc. Không còn làm nông, 6 người con của ông Châu mỗi đứa một nghề, nào sửa xe, may vá, buôn bán nhỏ… tuy chưa khá giả, nhưng tất cả đều đã có cuộc sống ổn định.

 

Tương tự, trước khi về tái định cư tại tổ 55, phường Mỹ An, vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Quý có khoảng 8 sào đất nông nghiệp. Về nơi ở mới, điều đầu tiên ông làm là đi tìm đất Nhà nước đã quy hoạch nhưng chưa xây dựng để… trồng rau. Hằng ngày, hai vợ chồng cần mẫn trên 2,5 sào đất dọc tuyến đường An Dương Vương, chuyên trồng các loại rau như húng, ngò, cải xanh, xà lách… Đến nay, đó vẫn là nguồn thu nhập chính của gia đình. Điều làm ông bà lo lắng, là dự án đang trong giai đoạn san ủi mặt bằng, có thể nay mai, người ta lấy lại đất, ông bà sẽ không còn nơi nào để tiếp tục là… nông dân.

Khi ký ức về một thời láng giềng chung nhau cái sân rộng hay lần chạy qua nhà hàng xóm mượn tạm lon gạo về nấu ăn, sẻ chia cho nhau bát cơm ngon, canh ngọt đã không còn, những người nông dân như ông Châu, ông Quý không khỏi luyến tiếc. Ông Quý thực lòng: “Trước ra đường, xỏ đôi dép lào, mặc quần áo thùng thình cũng không sao. Nay thì phải ý tứ mang giày, quần tây áo sơ-mi. Sống trong ngôi nhà mới lót gạch hoa, tôi không thể luộm thuộm như hồi còn ở nhà đất. Rồi còn bao nhiêu thứ phải ý tứ như chuyện đổ rác, đi vệ sinh, cùng cộng đồng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, vì dù gì mình cũng là dân đô thị loại 1”. Nhưng, ông thú thật: Sự thay đổi này chỉ ở một phần, chứ để thay đổi suy nghĩ, cách sống của người nông dân vốn đã ăn sâu bao đời nay thì khó lắm, chỉ hy vọng thế hệ con cháu mình sẽ khác”.

Hòa nhập với nhịp sống mới

Đô thị hóa là quá trình phát triển tất yếu của các khu vực ven đô. Trên những mảnh ruộng, khu vườn ngày nào, bây giờ là nhà cửa, quán xá. Trong sự thay đổi ấy, những thị dân mới đang phải đối mặt với bước ngoặt đầy thách thức. Giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống trở thành vấn đề bức thiết hiện nay.

Đồng hành với thanh niên thành phố lập thân, lập nghiệp, trong những năm qua, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) thành phố đã phối hợp với Thành Đoàn tổ chức tư vấn, hướng dẫn thanh niên lập các dự án vay vốn làm kinh tế gia đình, mở rộng sản xuất từ nguồn vốn “Xóa đói giảm nghèo”, vốn vay giải quyết việc làm 120 của Trung ương Đoàn và các nguồn vốn khác, như mô hình “Góp vốn xoay vòng”, “Tiết kiệm tích lũy”, “Vần đổi công”, “Mua cây giống-con giống trả chậm”… trị giá gần 30 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn thanh niên. Theo bà Trần Thị Sáu, Chánh Văn phòng Hội LHTN thành phố, hằng năm Hội đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 10.000 thanh niên. Trong đó, khoảng 6.700 thanh niên đã có việc làm. Từ tháng 9-2005 đến nay đã tổ chức thành công 17 khóa đào tạo nghề cho hơn 2.000 thanh niên, với 4 ngành nghề: Bán hàng và chăm sóc khách hàng, phục vụ nhà hàng khách sạn, đồ họa trên máy vi tính, buồng phòng khách sạn. Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 5 tỷ đồng. Tỷ lệ giải quyết việc làm mỗi khóa đạt 95%.

Để giúp đỡ người dân chuyển đổi ngành nghề trong bối cảnh mới, mỗi năm Hội Nông dân thành phố đã tổ chức hàng chục lớp dạy nghề trồng nấm, hoa và cây cảnh cho nông dân nghèo và trong diện di dời, giải tỏa. Theo đó, các lớp dạy nghề tổ chức tại cộng đồng dân cư và người dân được hướng dẫn thực hành ngay tại vườn nhà mình. Mỗi lớp học trong 3 tháng với khoảng 30-32 học viên. Phần lớn những lớp học này đã thu hút sự quan tâm của người nông dân. Đơn cử, sau khi mở lớp dạy nghề trồng hoa-cây cảnh tại phường Hòa Cường Bắc, 26 hội viên nông dân đã trồng thành công một số loại hoa cao cấp như hộ ông Nguyễn Quang Quý (tổ 52) đã trồng được cây hoa ly-ly có giá bán từ 100.000-150.000 đồng/chậu. Ông Nguyễn Văn Hoàng (tổ 60) chia sẻ, trước đây gia đình ông thường trồng hoa cúc, vạn thọ, nay được hỗ trợ kỹ thuật trồng hoa tulip nên thu nhập cũng khá ổn định hơn.

Ông Nguyễn Phú Ban, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết, để bảo đảm hiệu quả, trước khi mở lớp dạy nghề, cán bộ của Thành Hội sẽ phối hợp với cơ sở tiến hành khảo sát thực tế và chọn địa điểm mở lớp ngay tại nhà học viên. Mỗi lớp học được Hội Nông dân thành phố đầu tư nguyên liệu sản xuất, giống, phụ liệu và các vật liệu để làm trại sản xuất ban đầu, tạo điều kiện cho người dân bước đầu làm quen với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Có thể thấy, đó là những nỗ lực của thành phố trước thực trạng giải quyết việc làm, tiến đến ổn định đời sống cho người nông dân. Đó cũng là cách để những người nông dân chân lấm tay bùn có thể hòa nhập vào nhịp sống mới giữa thị thành.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.