.

Nghĩ về một cuộc vận động

.
10 năm qua, toàn thành phố đã vận động được trên 500 tỷ đồng vào nguồn “Quỹ vì người nghèo” (QVNN) từ các tổ chức, cá nhân để tập trung vào chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Chặng đường tuy chưa dài, nhưng cũng đủ để khẳng định đây là một cuộc vận động giàu tính nhân văn, được đông đảo nhân dân hưởng ứng, nhằm sẻ chia bớt khó khăn trong cuộc sống của những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Mô tả ảnh.
Việc sử dụng hiệu quả nguồn Quỹ, nhiều gia đình đã có được nhà ở khá kiên cố...
Theo ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) TP. Đà Nẵng, số tiền huy động được ngày càng tăng. Nhiều thành phần xã hội đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động bằng những đóng góp thiết thực. Ông đơn cử nhiều ví dụ: Cách đây 5 năm, số tiền huy động tại phường Hòa Thuận Tây chỉ đạt trên 46 triệu đồng thì đến năm 2010, đã đạt con số 131 triệu đồng. Tương tự, qua 10 năm, phường An Hải Bắc đã thu được hơn 626 triệu đồng…

Từ cuộc vận động này, nhiều cá nhân đã thể hiện nghĩa cử cao đẹp của đạo lý “thương người như thể thương thân”. Tại nhiều nơi, những ví dụ lại được nêu lên một cách cụ thể hơn. Như phường Phước Ninh đã ra đời CLB 3 triệu tại các tổ dân phố; phong trào nuôi heo đất tại khu dân cư. Như ông Thái Phước Hiệp ở tổ 7, phường An Hải Bắc, mỗi tháng nhận đỡ đầu cho 3 hộ nghèo với mức trợ cấp 150.000 đồng/hộ. Tuy số tiền không lớn, nhưng đó lại là một hành động vô cùng ý nghĩa và cần được nhân rộng trong xã hội hiện nay.

Những món quà ý nghĩa

Ông Đặng Công Tâm, Phó Chủ tịch phụ trách Kinh tế, phường Hòa Thuận Tây chia sẻ: “Bằng việc sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ, con số 57 hộ nghèo vào cuối năm 2009 đến nay đã giảm xuống còn 18 hộ. Phường đang tập trung thúc đẩy những hộ này phát triển kinh tế, phấn đấu đến cuối năm 2010, toàn phường sẽ không còn hộ nghèo”.

Từ nguồn quỹ, hàng ngàn hộ dân được hỗ trợ phương tiện làm ăn, tư vấn, tìm được việc làm ổn định, góp phần vào mục tiêu “giảm hộ nghèo, tăng hộ giàu”.

Ở tuổi 60, sức khỏe yếu, nhưng hằng ngày bà Lê Thị Phi, tổ 30, phường Hòa Thuận Tây vẫn phải đi bán vé số để kiếm sống. Con trai bà, anh Đặng Chí Thạch không có việc làm ổn định. Gia cảnh vô cùng khó khăn. Được hỗ trợ một chiếc xe máy, anh Thạch xúc động: “Bữa cơm gia đình còn thiếu trước hụt sau. Giờ nhận được chiếc xe này, tôi sẽ cố gắng để mẹ tôi đỡ phải lo lắng trong những ngày không bán được vé số, cũng như tạo điều kiện cho con cái được đến trường”. Cũng tại phường này, vợ chồng chị Trần Thị Tuyết (tổ 8), người sửa quần áo, người bán mỳ gánh, số tiền thu được không đủ để anh chị chăm sóc bố mẹ già yếu. Cùng với chủ trương lập lại trật tự vỉa hè của thành phố, phường đã hỗ trợ gia đình chị tủ bán mỳ và mấy bộ bàn ghế, tạo điều kiện để chị buôn bán cố định.

Ở quận Sơn Trà, nhiều năm qua, mẹ con bà Lê Thị Dãy, tổ 31, phường An Hải Bắc phải mướn xe bò đi kéo hàng thuê. Số tiền công ít ỏi trong ngày của hai mẹ con đành chia năm xẻ bảy. Từ khi được UBMTTQVN phường An Hải Bắc hỗ trợ một chiếc xe bò, mẹ con bà đã chủ động trong công việc, tiết kiệm được một phần chi phí trong những ngày công hiếm hoi. Cái cảnh nghèo, dường như luôn giống nhau ở điểm: cần được sự tiếp sức, cả về đồng vốn lẫn sự tư vấn để làm ăn.

Ông Hoàng Minh Trinh, Chủ tịch UBMTTQVN quận Hải Châu bộc bạch: “Thông qua các cuộc đối thoại, chúng tôi đã nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Người cần hỗ trợ xe bò, xe máy, người cần xe nước mía, máy bơm hơi, máy vắt sổ, bộ đồ dùng sửa xe máy. Họ rất cần tiếp sức để có một cái nghề kiếm thêm thu nhập, bảo đảm cuộc sống…”. 10 năm qua, toàn quận đã có 666 hộ nghèo được giúp đỡ với tổng kinh phí 606 triệu đồng.

An cư mới lạc nghiệp

Với suy nghĩ này, ngoài vấn đề vốn để làm ăn, nguồn QVNN đã tập trung mạnh vào vấn đề có nhà ở cho người nghèo, giúp họ an tâm làm ăn, sản xuất. Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Đà Nẵng cho biết: 10 năm qua, dựa vào số tiền vận động được, thành phố đã xây dựng gần 8.000 căn nhà đại đoàn kết, sửa chữa nhà ở cho hàng ngàn hộ dân với số tiền trên dưới 10 triệu đồng/căn.

Tại các địa phương, thông qua việc sử dụng có hiệu quả nguồn quỹ vào việc xây dựng nhà đại đoàn kết, nhiều hộ dân đã an tâm sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đơn cử, tại phường An Hải Bắc, nhằm chia sẻ nỗi lo lắng thường trực của những hộ nghèo về nhà ở, những năm qua, phường đã xây dựng 62 nhà đại đoàn kết và sửa chữa 28 nhà xuống cấp cho người dân.

Cuối năm 2009, quận Ngũ Hành Sơn đã thực hiện một cách làm mới, thực hiện cuộc vận động “Ngũ Hành Sơn với chương trình an sinh xã hội” thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận với số tiền trên 15 tỷ đồng. Một phần không nhỏ từ số tiền này đã được sử dụng cho việc xây dựng hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa cho người dân. Ông Hồ Trương Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn-Đà Nẵng cho rằng: “Giúp dân nghèo xây nhà ở là điều nên làm của các doanh nghiệp có lãi suất cao. Chúng tôi rất vui khi thấy sự đóng góp của mình đang hướng đến tính bền vững”.

Mô tả ảnh.
Tuy vậy, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, vẫn còn rất nhiều ngôi nhà tạm cần phải xóa.
 
Đứng bên ngôi nhà mới, chị Nguyễn Thị Lan, tổ 28, phường Hòa Quý xúc động: “Trước đây, gia đình tôi chỉ dám mơ có một nơi để che mưa che nắng.

Chứ đâu dám nghĩ đến một ngày mình có nhà ngói, tường vôi để ở. Với ngôi nhà này, tôi sẽ bớt đi một phần lo lắng cho con cái mỗi khi trời mưa bão”. Được biết, thời gian tới, quận Ngũ Hành Sơn sẽ tập trung xây dựng thêm 60 ngôi nhà kiên cố cho bà con nghèo.

QVNN đã đi được chặng đường 10 năm và xuất hiện nhiều mô hình vận động quyên góp tích cực. Nhiều hộ dân đã nhận thấy rằng, mình không còn cô độc trên con đường thoát nghèo. Như tâm sự của ông Hoàng Đình Tâm, tổ 40, một trong những hộ nghèo được hỗ trợ tiền xây dựng nhà tại phường Hòa Thuận Tây: “Nếu chỉ một mình, chắc cả đời vợ chồng tôi không thể nào xây được nhà. Nhờ sự giúp đỡ này, chúng tôi thấy rằng mình không còn đơn độc giữa cuộc sống đầy gian khó”.

Tiểu Yến
;
.
.
.
.
.