.
Chuyện xưa xứ Quảng

Mấy nét Quảng Nam xưa qua tập sách cũ

.
“Quảng Nam phủ tập ký sự” là một bản sách xưa được sao đi chép lại nhiều lần. Qua các chi tiết trong sách, người vùng Quảng Nam - Quảng Ngãi ngày nay có thể tìm thấy phần nào diện mạo của địa phương mình vào cuối nửa thế kỷ XVI.

Mô tả ảnh.
Ảnh chụp tờ 1a (bản chữ Hán) của “Quảng Nam phủ tập ký sự". (Ảnh: PB)
Thiên ký sự bằng chữ Hán này được một thư lại ở Phiên ty Quảng Ngãi xưa là Lê Đăng Hiển sao lục lại vào tháng 5 năm Minh Mạng thứ năm (1824) từ một bản sách do một người họ Mai (Mai thị*) biên soạn vào khoảng niên hiệu Chánh Trị đời Lê Trung hưng (1558-1571). Vào năm Duy Tân thứ tám (1914), người cháu 4 đời của ông Đăng Hiển là Lê Viết Hòa đã “phụng chép” để lưu hậu.

Năm 1996, Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Quảng Ngãi xuất bản bản dịch thiên ký sự này. Xét riêng phạm vi giới hạn tương ứng với vùng Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay, có thể tìm thấy nhiều chi tiết bổ ích.

Trước hết là địa danh. Sách kể về cuộc hành binh tái chiếm vùng Quảng Nam xưa [trước đó do quân nhà Mạc chiếm giữ] của Đô đốc Bùi Tá Hán (1496-1568), một võ tướng thời Lê Trung hưng. Năm 1545, ông xuất quân từ cửa biển Hội Thống [Thanh Hóa (cửa Hội Triều)?; Nghệ An (cửa Hội)?] vào đến vùng biển Quảng Nam - Quảng Ngãi, chia quân làm 2 cánh, trong đó có một cánh đổ bộ vào bãi biển Sơn Trà rồi phân làm 2 chi: “Một chi phối hợp với quân đội ở đồn điền Phú Ninh chốt giữ đò Bến Ván”; “một chi phối hợp với quân binh đồn điền Tân Phước, dùng sức mạnh đánh chiếm huyện lỵ Bình Sơn, chốt giữ bến đò Châu Ổ”. Trước đó, sách cũng kể: “Ngày bảy tháng tám [năm Ất Tỵ 1545] các đồn điền Phú Ninh, Liên Chiểu, Tài Lương đều dựng cờ khởi nghĩa, còn các đồn điền gần trấn thành thì vẫn an nhiên không động đậy” [tờ 3b, bản chữ Hán].

Các địa danh nêu trên gần như trùng khớp với các địa danh xưa ở vùng Quảng Nam - Đà Nẵng. Liên Chiểu là tên một quận ở Đà Nẵng ngày nay; Phú Ninh vốn tên gốc là Tân Ninh, thuộc vùng nguồn Chiên Đàn xưa, sau đổi thành Phú Ninh do kiêng húy vua Lê Hoằng Định (Duy Tân); Tân Phước có khả năng là tên xưa của vùng Tiên Phước khi chưa đổi vì kiêng húy; Tài Lương có khả năng là Tài Đa (tên một làng cổ trù phú vùng hạ nguồn Chiên Đàn - nay thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước), chữ Đa và chữ Lương viết tháu, khi bị mờ, rất dễ nhận dạng nhầm; Bến Ván tên xưa là Bản Tân nay thuộc thị trấn An Tân – huyện Núi Thành.

Thứ đến là tình hình khai thác đất đai một cách đặc biệt ở vùng Nam - Ngãi khi quân của Đô đốc Bùi Tá Hán vào: Đó là việc sắp xếp lại các đồn điền do quân đội cai quản vốn có từ trước đó. Các ruộng đất do đồn điền này khai vỡ đều xếp vào loại ruộng công (công điền), được cấp cho quân lính thuộc đồn điền “muốn giải ngũ nhập tịch với xã sở tại” “để họ làm ăn sinh sống” hoặc “giao cho các thôn xã sở tại phân cấp cho quân dân cày cấy chịu tô thuế”.

Thứ ba là việc di dân từ Hải Dương, Thanh Nghệ vào. Sách chép: “Từ sau ngày miền đất Quảng Nam được vỗ yên, nông dân nghèo ở các xứ Thanh Ba (Thanh Hóa – NV), Nghệ An, Hải Dương lũ lượt kéo nhau vào đây để vỡ ruộng lập làng”. Một số gia phả các họ tộc tiền hiền vùng nam Quảng Nam (hiện còn) đã xác nhận rất rõ việc này.

Điểm đặc biệt nhất mà sách cung cấp cho người Quảng thời nay là biết về các quy định do ông Bùi đề ra đã là nguồn gốc một số tập quán đặc trưng của vùng miền như: “làm nhà kiểu tám cột ba gian lợp bốn tấm rui vuông bốn góc”; “mỗi xóm đào một cái giếng lấy nước trong sạch để ăn uống”; “phụ nữ không dùng quần không đáy; đồng loạt dùng quần như nam giới, nhuộm đà hoặc chàm để phân biệt nam, nữ”; “cày bừa đều dùng ách mắc 2 trâu kéo; trên mỏ cày có thêm trạnh phụ”; “ngăn sông làm bờ xe nước để đưa nước vào ruộng”; “làm thuyền nan trét dầu rái để thay thuyền ván”; “mỗi xã thôn mời một thầy thuốc để chữa trị cho dân”; “xã thôn nào hộ khẩu tăng nhiều… rước một ông đồ, lập nghĩa thục để dạy lễ nghĩa và văn học cho con em”…

Ngoài ra, sách còn cung cấp cho các nhà nghiên cứu địa phương biết thời điểm lập đường thiên lý: “Từ huyện Hy Giang (Duy Xuyên ngày nay – NV) đến huyện Tuy Viễn (nay thuộc tỉnh Bình Định – NV) cần đắp một con đường thiên lý rộng hai trượng rưỡi, làm cầu cống, nếu qua sông lớn thì dùng thuyền đò, cứ 17 lý đặt một dịch trạm để lính giao dịch chuyển đệ công văn”. Hoặc biết lai lịch về quy định đo đạc và phân hạng ruộng đất: “khám đạc ruộng đất công cũng như tư, phân định các hạng để tiện việc thu thuế. Nên định mỗi sào mười lăm thước; ruộng (điền) chia làm ba hạng, đất (thổ) chia làm ba hạng”.

Đó là chưa kể các chính sách đối với biên cương (biên cương sách) và các vùng đất xa (nhu viễn sách) rất đáng được người thời nay tham khảo.

Phú Bình

(*) Theo một số nhà nghiên cứu, tác giả tập ký sự này có thể là ông Mai Đình Dõng (Dũng) từng lĩnh chức Trấn thủ Quảng Nam [khoảng sau năm 1570 đến 1602] vào thời chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa.
;
.
.
.
.
.