.

Bình yên trong những yêu thương

.

Nằm khiêm tốn trong một ngôi làng ở ngoại ô thành phố Đà Nẵng, khác với sự thanh tịnh vốn có của các ngôi chùa, chùa Quang Châu (thôn Quan Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói và cả tiếng khóc của trẻ thơ.

Mô tả ảnh.
Sư cô Minh Tịnh bên đàn “con” của mình.

Nặng lòng với những kiếp người

Sư cô Thích Nữ Minh Tịnh trụ trì chùa Quang Châu ngày đêm miệt mài bên kinh kệ và những mảnh đời thiếu may mắn đang nương nhờ cửa Phật. Chúng tôi đến thăm chùa vào một buổi chiều mưa, nhìn lũ trẻ ngồi học ê a bên trang sách, mắt sư cô tư lự: “Mới đó mà cũng gần 20 năm rồi, kể từ cái ngày đầu có gia đình đem con đến gửi nhà chùa nuôi giúp do hoàn cảnh khó khăn. Và giờ thì tiếng trẻ đã bi bô đầy nhà”. Cũng từ cái ngày đầu tiên không nỡ từ chối ấy để rồi đến bây giờ sư cô cũng không đành lòng khước từ những sinh linh bé bỏng, những cuộc đời không may.

Chùa Quang Châu trước kia là một ngôi nhà cấp 4 hoang sơ, năm 1997 sau khi học xong ở chùa Phổ Đà, sư cô Minh Tịnh về làm trụ trì. Nhờ sự đóng góp của đông đảo phật tử và nhân dân, chùa được xây dựng đến năm 2000 thì hoàn thành. Cũng từ đó, những số phận đến nương nhờ cửa Phật có chỗ để che mưa che nắng. Trong những ngày đầu mới về chùa, ngoài đứa trẻ được bố mẹ gửi nhờ nuôi, còn có những người phụ nữ nghèo khổ bị chồng ruồng bỏ, hay bị góa chồng từ các tỉnh lân cận tìm đến chùa xin làm công quả và nhờ chùa cưu mang con cái họ.

Số người nương nhờ cửa Phật ngày một thêm đông. Đến năm 2008 thì con số đã lên tới 20 người. Đấy cũng là lúc, sư cô cảm thấy quá sức mình, bởi gia tài của nhà chùa chỉ với hai sào ruộng cộng với công quả của bà con. Nhận nuôi bọn trẻ, đâu phải chỉ lo cho chúng cái ăn mà sư cô còn phải tự tay mình lo cái mặc, rồi thuốc thang khi đau ốm, rồi làm sao để bọn trẻ được đến trường… Cuối năm 2008, sư cô đành quyết định không nhận thêm người. Nhưng chỉ ít hôm sau lại nghe chuyện có đứa trẻ mới sinh bị bỏ ở thùng rác, khi được phát hiện, đứa bé vẫn còn cựa quậy một lúc mới chết... lòng dạ sư cô lại rối bời. Chùa quyết định mở cửa đón các trẻ bị bỏ rơi. Đến giờ,  đã là 42 cháu bị bỏ rơi đang được đùm bọc trong vòng tay của nhà chùa. Hằng ngày, sư cô và các sãi ở trong chùa đi nấu cơm chay, cháo chay, đồ ăn chay mang đi bán kiếm thêm nguồn sống cho lũ trẻ. Bà con, phật tử cùng xúm tay giúp đỡ nên việc bán đồ chay cũng thuận lợi. Có những người như chị Trần Thị Lộc (thôn Quan Châu) còn trông nom giúp 3 trẻ bé nhất ở chùa.

Ý nghĩa của những cái tên

Hai năm trước, khi sư cô Minh Tịnh đang làm lễ Phật buổi sớm thì nghe tiếng khóc thét của trẻ con. Một đứa trẻ đỏ hỏn đã bị người ta mang đến bỏ dưới gốc đa. Sư cô vội vàng bọc em bé lại rồi gọi xe đi cấp cứu. Đứa trẻ mới được sinh cách đó vài giờ, dây rốn vẫn còn dính máu. Tưởng chừng không sống được, vậy mà bây giờ bé đã được hơn 2 tuổi, xinh xắn và đáng yêu như bao đứa trẻ khác. Đứa trẻ ấy được sư cô đặt tên là Nguyễn Phước Thuận, tiếp sau những cái tên như Phước Hiền, Phước Huy, Phước Thảo, Phước Hương, Phước Thương…

Hầu hết các cháu khi vào chùa đều còn rất nhỏ, các cháu lớn lên không có chút gì hồi ức về gia đình mình. Những cái tên cũng là do sư cô nghĩ và đặt cho các cháu với mong muốn các cháu sẽ sớm khôn lớn, có phước và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống, mong muốn các cháu sống có ích cho đời. “Các cháu như bông hoa, bị người ta bỏ đi thì mình lượm về sửa sang lại cho nó đẹp hơn, tỏa hương hơn”. Sư cô Minh Tịnh chia sẻ.

Dù gánh nặng học phí, đồ dùng học tập của bọn trẻ luôn canh cánh trong lòng nhưng niềm vui luôn ánh lên trong mắt sư cô bởi các cháu trong chùa đều được đến trường, hiện chùa đã có 3 em đang học đại học, 6 em đang học THPT, 9 em học tiểu học và THCS, gần 10 em đang học mầm non. Sư cô cũng mong muốn khi có điều kiện sẽ đi tìm nguồn gốc, lai lịch cho những đứa trẻ trong chùa. Với sự chở che bao bọc từ tấm lòng từ bi nhân ái của sư cô Minh Tịnh và lòng hảo tâm của bà con, phật tử, những đứa trẻ ở đây sẽ lớn lên và có cuộc sống bình yên, may mắn.

Thu Hà

;
.
.
.
.
.