Đà Nẵng cuối tuần

Bão số 9 và vòng xoáy 10 năm ở miền Trung

07:59, 10/10/2009 (GMT+7)

Hơn 34 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, miền Trung vẫn luôn là tâm điểm gánh chịu những thiên tai nặng nề, mà bão lụt là nỗi ám ảnh thường trực đe dọa cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Không có năm nào miền Trung không bị bão tàn phá; trong đó, nếu tính tần số xuất hiện và mức độ thiệt hại, thì những cơn bão mang tên số 9 theo ký hiệu từng năm xuất hiện nhiều và gây tổn thất nặng nề nhất.

Bãi biển Mỹ Khê Đà Nẵng trong bão số 9 với cấp gió 11. (Ảnh: Hồ Trung Tú)

Trong những cơn bão mang tên số 9 tác động trực tiếp đến miền Trung, ngoại trừ một số cơn bão chỉ gây ảnh hưởng trên một địa bàn hẹp (như Bão số 9 năm 1983 chỉ đổ bộ vào Ninh Thuận), hoặc gây thiệt hại ở mức độ không quá lớn về người và vật chất (như Bão số 9 năm 1978, Bão số 9 năm 2001, Bão số 9 năm 2006); thì những cơn bão số 9 rơi vào vòng xoáy 10 năm một lần ở các năm có hàng đơn vị là 9 gồm 1989, 1999, 2009 đều có mức độ tàn phá rộng lớn trên địa bàn nhiều tỉnh, gây tổn thất hết sức nghiêm trọng cả về nhân mạng và cơ sở vật chất, để lại hệ quả xấu khá lâu dài trong sản xuất, đời sống và sinh hoạt của nhân dân.

Ngày 13-10-1989, Bão số 9 đã tiếp nối theo Bão số 8 mới diễn ra trước đó 4 ngày đổ bộ vào các tỉnh Bắc miền Trung gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế; sức gió vùng tâm bão mạnh cấp 12, giật từ cấp 12 đến cấp 14, gây nên lũ lớn trên diện rộng và tàn phá hết sức nặng nề; số người chết là 63, tổng thiệt hại là 39,5 tỷ đồng.

Mười năm sau, Bão số 9 đổ bộ ngày 20-10-1999 gây ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; sức gió vùng tâm bão mạnh cấp 8 giật trên cấp 8; có 15 người chết với tổng thiệt hại 62.224 tỷ đồng.

Lại mười năm sau nữa, ngày 29-9-2009, Bão số 9 đổ bộ gây ảnh hưởng đến các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13, giật trên cấp 14; thống kê chưa đầy đủ đã có 163 người chết và thiệt hại ước tính 11.893 tỷ đồng (số liệu cập nhật đến 18 giờ ngày 4-10-2009).

Hai vòng xoáy 10 năm của những cơn bão mang tên số 9 rơi vào những năm có hàng đơn vị là 9 đều có sức phá hoại nặng nề. Tuy sự lặp lại đó chưa hẳn mang tính quy luật, song hiện tượng “trùng cửu” (bão số 9 của các năm có số lẻ là 9) lặp lại 3 lần liên tiếp, và quy mô của bão cùng mức độ thiệt hại quá lớn lao so với những cơn bão số 9 ở các năm khác, khiến chúng ta không thể không suy gẫm.

Dẫu sao đi nữa, khi nhìn vào danh sách số người chết do Bão số 9 diễn ra vào 29-9-2009 đang ngày càng dài thêm, chúng ta không khỏi giật mình khi khoa học về khí tượng-thủy văn ngày càng tiến bộ, phương tiện kỹ thuật phòng chống bão lụt ngày càng hiện đại, tri thức hiểu biết của xã hội, nhân dân ngày càng được nâng cao, thì sự tổn thất của lần sau lại càng lớn lao hơn những lần trước.

Thiệt hại của chúng ta có thể do thiên tai ngày càng dữ dội, có thể do sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật đã góp phần nuôi dưỡng sự chủ quan của xã hội, hay có thể vì nguyên nhân nào đó mà chúng ta chưa nắm bắt. Nhưng trên hết, toàn xã hội hãy luôn cảnh giác với thiên tai, để giảm thiểu những tổn thất đau lòng như những gì chúng ta đang gánh chịu trong hiện tại.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN

.