Pháp luật

Ngăn chặn giới trẻ sử dụng chất kích thích

14:45, 14/05/2019 (GMT+7)

Đi làm về, chị D. T. L (ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) phát hoảng  khi thấy khói bốc lên mù mịt ở phòng con trai. Chị càng hoảng hốt hơn khi phát hiện con trai lờ đờ, có biểu hiện khác thường. Sau khi gặng hỏi, cậu học trò lớp 9 mới rụt rè mở lời: “Con hút thử shisha thôi, không phải chất gây nghiện chi mô”.

Chị vào mạng tìm hiểu thì được biết shisha còn có tên gọi là thuốc lào Ả rập - một chất có chứa nicotine, tạo cảm giác hưng phấn và gây nghiện. May mắn, chị L. phát hiện con sử dụng shisha sớm nên can thiệp kịp thời. Ngược lại, khá nhiều phụ huynh biết chuyện trễ, trẻ đã nghiện nicotine có trong shisha.

Một phụ huynh phát biểu tại buổi gặp mặt gia đình có người nghiện với lãnh đạo Cơ sở xã hội Bầu Bàng.
Một phụ huynh phát biểu tại buổi gặp mặt gia đình có người nghiện với lãnh đạo Cơ sở xã hội Bầu Bàng.

Điều đáng lo ngại không dừng lại ở việc học sinh, những người trẻ tuổi sử dụng shisha mà nguy hiểm ở chỗ nhiều người đã trộn shisha cùng chất kích thích khác để tạo thêm sự hưng phấn. Mới đây, sáng 17-4, Công an phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) phát hiện 5 người đang “phê thuốc” tại chân cầu Nguyễn Văn Trỗi, hiện trường có 4 gói cỏ Mỹ.

Qua test nhanh, 1 đối tượng dương tính với ma túy. Trước đó, vào ngày 14-4, công an phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) đã bắt quả tang 2 đối tượng thuê khách sạn trên đường Nguyễn Tất Thành để phê ma túy…

Đáng báo động là đối tượng sử dụng các chất gây nghiện như shisha, cỏ Mỹ, ma túy đang có xu hướng “trẻ hóa”; đặc biệt là nhiều học sinh bậc THCS cũng trở thành nạn nhân của các chất gây nghiện này. Kịch bản chung là ban đầu, các em học sinh tò mò mua và sử dụng các chất gây nghiện nhẹ như shisha, bồ đà rồi dần chuyển sang sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp.

Theo báo cáo của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố, năm 2018, 119 em sử dụng chất kích thích được cảm hóa, giáo dục và 84 em được xác định là có tiến bộ. Trong số các em nghiện chất kích thích này, 14 em đi học nghề, 71 em có việc làm và 39 em chưa tìm được việc làm. Đây là kết quả đáng ghi nhận của các cơ quan chức năng lẫn chính quyền địa phương nơi có trẻ em bị nghiện.

Tuy nhiên, những người đang đảm nhận công tác này ở cơ sở đánh giá kết quả vẫn còn khá khiêm tốn khi số trẻ em sử dụng chất kích thích bị phát hiện vẫn còn thấp hơn so với thực tế. Bên cạnh đó, kết quả đạt được cũng thiếu tính bền vững vì với tuổi đời còn khá trẻ, các em rất khó tránh xa những cạm bẫy giăng ra với chính mình.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch cảm hóa, giáo dục trẻ em sử dụng trái phép chất ma túy năm 2019 diễn ra gần đây, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trần Công Nguyên cũng đã chỉ ra những tồn tại trong công tác cảm hóa, giáo dục trẻ em nghiện chất kích thích là tình trạng người được phân công trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ trẻ em bị nghiện còn thiếu kỹ năng tiếp cận, chưa thấu hiểu hết tâm lý của các em; do đó, cần những kỹ năng chuyên sâu, có lòng vị tha, yêu thương con trẻ và đặc biệt là sự kiên nhẫn.

Không chỉ tạo điều kiện để các em học nghề, tạo việc làm cho các em sau cai nghiện là giải pháp tốt mang tính bền vững thì thành phố cũng gặp khó khăn do kinh phí còn thấp, dẫn đến việc các em có việc làm để tránh xa cám dỗ cũng không đạt kết quả như mong đợi.

Để công tác cảm hóa, giáo dục đạt kết quả lâu dài, cần rà soát, đánh giá từng trường hợp một cách cụ thể. Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng cần quan tâm đó là chính gia đình các em. Thực tế hầu hết các em lỡ lầm đều có hoàn cảnh gia đình không hòa thuận, bố mẹ ly dị hoặc bận rộn mưu sinh không chăm sóc được con. Những trường hợp này rất cần sự sâu sát của cán bộ cơ sở, đặc biệt là cán bộ tổ dân phố, cán bộ phụ nữ và công an khu vực để có những giải pháp phù hợp cùng gia đình cảm hóa, giáo dục các em.

Bài và ảnh: Thanh Vân

.