.
Ký sự Pháp đình

Người ngặt gặp kẻ nghèo

.

Một người bế tắc, bí bách nên nảy sinh ý định lừa đảo. Nạn nhân của phi vụ lừa đảo cũng là những người đang trong tình cảnh khốn khó. Cuối cùng, người đi lừa chẳng những không thể thoát nghèo mà còn lâm vào ngõ cụt nơi lao tù; còn người bị hại ngày càng lao đao, khánh kiệt…

Vụ án dưới đây bao trùm một chữ “nghèo” đến ám ảnh, khởi nguồn vì nghèo và kết thúc vẫn hoàn nghèo.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lừa thuê căn hộ chung cư chính sách

Trước đây, gia đình của N.T.H (SN 1970, ngụ quận Sơn Trà) phải chật vật chạy từng bữa cơm. Từ khi mẹ của H. được UBND thành phố cho thuê một căn hộ chung cư theo diện phụ nữ đơn thân, cuộc sống của gia đình H. mới vơi bớt nhọc nhằn. Yên tâm về nơi ở, H. chăm chỉ mưu sinh bằng nghề thợ may, đỡ đần kinh tế giúp mẹ. Nhưng cái nghèo vẫn chưa chịu buông tha cho họ. Ổn định cuộc sống chưa lâu, mẹ của H. bị bệnh nặng. Thời gian điều trị lâu dài của mẹ đã vét cạn đến đồng tiền còm cõi cuối cùng từ công may áo quần của H. Bí bách, H. chạy vạy vay mượn lãi suất cao với hy vọng mẹ sớm khỏi bệnh. Tiếc thay, mẹ của H. đã không qua khỏi.

Từ đó, H. cõng trên lưng số nợ ngày càng trĩu nặng khi lãi mẹ đẻ lãi con. Cùng lúc này, H. tiến hành thủ tục sang tên căn hộ được thuê của mẹ sang tên mình và nhận thấy nhiều người có nhu cầu thuê chung cư, trong đó có người thân, họ hàng. Trong lúc kiệt quệ về tài chính, H. nảy sinh ý định lừa đảo. Những nạn nhân mà H. nhắm đến là những người họ hàng, đều là lao động nghèo hoặc là bà mẹ đơn thân, đang nuôi con nhỏ, có nhu cầu bức thiết về chỗ ở.

Nghĩ là làm, H. đến nhà của các bị hại, kể chuyện tự xin được chung cư chính sách cho gia đình nên nắm rõ thủ tục và có quen biết thân thiết với những người giải quyết cấp chung cư. Đồng thời, H. hứa sẽ hỗ trợ nếu mọi người có nhu cầu. Để tạo thêm sự tin tưởng, H. mua một sim rác, gọi điện cho các bị hại và mạo nhận là cán bộ công tác tại một sở của thành phố, rồi hứa hẹn sẽ giúp đỡ xin chung cư. Thậm chí, “cán bộ dỏm” còn hứa: “Nếu không được căn này, sẽ bố trí căn khác, còn không xin được căn hộ nào thì sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận. Các cô, chú cứ yên tâm”. Tin tưởng H., từ tháng 3-2013 đến tháng 10-2016, 5 bị hại đã đưa tiền cho H. nhờ xin căn hộ chung cư theo diện khó khăn về nhà ở với số tiền gần 540 triệu đồng.

Những cuộc đời chênh vênh

Đứng sau vành móng ngựa, H. lí nhí biện minh: “Bị cáo khó khăn quá, không còn cách nào để trả nợ, mà nợ mỗi ngày lại lớn hơn nên bị cáo hoảng sợ quá mới làm liều”. Tòa hỏi: “Bị cáo nói hoàn cảnh của mình khó khăn, vậy bị cáo cũng hiểu nỗi nhọc nhằn của các bị hại. Hơn nữa, các bị hại cũng là bà con, họ hàng với bị cáo. Bây giờ, vì bị cáo, hoàn cảnh của các bị cáo vốn đã khó khăn nay càng ngặt nghèo, túng quẫn. Bị cáo nghĩ sao về điều này?”. H. nức nở: “Lúc đó, bị cáo nông nổi và dại dột, bị cáo chỉ nghĩ lừa người ngoài khó thành công nên mới…”.

Nghe H. khai, một bị hại òa khóc: “Bị cáo nói bị cáo nghèo, chúng tôi cũng khó khăn đâu kém bị cáo. Chúng tôi cũng túng quẫn, bí bách nên mới cần xin chỗ ở để thay đổi cuộc sống. Bản thân tôi, để có tiền đưa cho bị cáo, tôi phải đi vay, đi mượn khắp nơi. Bây chừ, tiền gốc để trả, tôi cũng không có mà còn phải còng lưng đóng lãi. Ngày nào, cả nhà cũng nơm nớp lo lắng chủ nợ đến hối thúc”. Một bị hại khác bức xúc: “Tôi tin tưởng bị cáo là người trong nhà chớ có ngờ đâu bị cáo đẩy chúng tôi từ những người nghèo thành những người tan nhà, nát cửa như thế này”. Những tiếng khóc vỡ òa từ dãy ghế dự khán, nơi những người đang lao đao vì nợ nần chất chồng. Bị cáo cúi gằm mặt, bàn tay đan chặt vào nhau bối rối.

TAND thành phố xử sơ thẩm tuyên phạt H. 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, buộc bị cáo bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại. Bản án thích đáng đã được tuyên nhưng số phận của những người bị hại vẫn mờ mịt khi không biết bao giờ mới nhận lại số tiền đã bị lừa.

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.