Hiểm họa từ việc lấn chiếm lối thoát hiểm trong khu dân cư

.

Việc người dân chiếm dụng lối thoát hiểm làm không gian sinh hoạt riêng là thực trạng tồn tại ở nhiều khu vực dân cư. Nhiều gia đình mặc nhiên sử dụng lối thoát hiểm để xả thải, xây nền bê-tông, chứa vật dụng sinh hoạt, thậm chí làm cửa khóa chiếm hữu.

Người dân chiếm dụng làm cửa sắt tại lối thoát hiểm phường Hòa Khê. Ảnh: Tường Vy
Người dân chiếm dụng làm cửa sắt tại lối thoát hiểm phường Hòa Khê. Ảnh: TƯỜNG VY

Của chung thành của riêng

Người dân khu dân cư dọc tuyến đường Âu Cơ và Sử Hy Nhan (tổ 78, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) phản ánh chủ nhà 879 Âu Cơ kinh doanh quán cơm xả nước thải trực tiếp ra lối thoát hiểm gây tắc dòng chảy, bốc mùi hôi tanh, thậm chí rào chắn kín lối thoát hiểm bằng tôn nhằm sử dụng riêng.

Anh Phan Kim Thu (tổ 78) cho biết: “Vài năm nay, chủ nhà 879 Âu Cơ thuê đất kinh doanh quán cơm và xả nước thải chưa qua xử lý ra lối thoát hiểm gây ô nhiễm môi trường. Chưa kể, quán ăn này chiếm dụng lối thoát hiểm 3 nhà liền kề, che tôn và đặt bồn nước để phục vụ công việc kinh doanh. Theo quy định, lối thoát hiểm là sở hữu chung của khu dân cư, tại sao chủ nhà lại ngang nhiên chiếm hữu?. Chúng tôi rất bức xúc, nhiều lần phản ánh lên các cấp chính quyền nhưng đến nay quán cơm vẫn chiếm dụng lối thoát hiểm, người dân phải chịu đựng mùi hôi tanh, ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng. Quan trọng hơn, nếu xảy ra cháy nổ thì mọi người sẽ thoát bằng cách nào và trách nhiệm thuộc về ai?”.

Sát vách nhà anh Thu, chị Nguyễn Thị Hương bức xúc nói: “Số nhà 879 Âu Cơ toàn quyền sử dụng lối thoát hiểm để xả thải dẫn đến ruồi muỗi, bùn đất, rác thải rất bẩn thỉu, đi ngược với chủ trương xây dựng khu dân cư xanh - sạch - đẹp của thành phố. Mùa mưa nước lênh láng, mùa hè mùi hôi bay khắp khu dân cư.  Nhà 879 kinh doanh quán ăn nên mỗi ngày lượng dầu mỡ, nước thải thải ra rất lớn. Tôi thậm chí không dám mở cửa thoát hiểm vì ám ảnh bởi mùi hôi. Chúng tôi mong chính quyền vào cuộc giải quyết hoặc tìm phương án phù hợp cho các hộ dân”.

Theo ghi nhận của phóng viên, lối thoát hiểm tại khu dân cư đường Sử Hy Nhan và Âu Cơ rộng 1,2 mét, không thể nhìn thấy mặt cống vì bùn đất, rác thải che lấp toàn bộ. Phía ngoài, chủ nhà 879 Âu Cơ rào chắn bằng tôn trông khá nhếch nhác.

Kiểm tra, có chế tài xử lý

Ông Hà Văn Đức, Tổ trưởng tổ 78 xác nhận số nhà 879 Âu Cơ nhiều năm qua kinh doanh quán cơm xả nước thải trực tiếp ra cống thoát hiểm gây tắc dòng chảy và ô nhiễm môi trường. Tổ dân phố đã báo chính quyền, đồng thời lập biên bản nhắc nhở, yêu cầu gỡ rào chắn lối thoát hiểm. Tuy nhiên, sau một thời gian thì mọi việc đâu lại vào đấy, chủ nhà vẫn thản nhiên lấn chiếm lối thoát hiểm phục vụ mục đích riêng. Hiện nay, tổ dân phố đã ý kiến lên phường nhờ hỗ trợ xử lý dứt điểm tình trạng này.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Đại, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc cho biết: “Chúng tôi ghi nhận phản ánh của người dân và đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu chủ nhà 879 Âu Cơ chủ động tháo dở toàn bộ vật dụng tại lối thoát hiểm; nếu không tháo dở, phường sẽ có chế tài xử lý. Vấn đề cống thoát hiểm tổ 78 bị nghẽn dòng chảy, UBND phường đã trao đổi với Phòng quản lý đô thị quận Liên Chiểu, sắp tới cho kiểm tra, nạo vét khơi thông cống để bảo đảm nhu cầu sinh hoạt của người dân”.

Tương tự, anh Phạm Hồng Vĩnh sống tại tuyến đường Trần Cừ (tổ 66, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) phản ánh nhiều hộ dân trong khu dân cư xây nền bê-tông trên lối thoát hiểm và làm cửa sắt bít hai đầu, có khóa. “Sau số nhà 20 Trần Cừ, chủ nhà xây nền bê-tông cao 20 phân bằng với nền nhà, vậy mùa mưa nước sẽ thoát đi đâu, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cơ sở hạ tầng của khu dân cư. Bức xúc hơn, gần số nhà 20 Trần Cừ, có hộ làm cửa khóa trên lối thoát hiểm, gây mất mỹ quan đô thị và chặn đường thoát hiểm của người dân nếu có bất trắc xảy ra. Tôi mong rằng người dân sẽ nâng cao ý thức sử dụng lối thoát hiểm trong khu dân cư”, anh Vĩnh cho hay.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khê cho biết sau khi tiếp nhận thông tin cống thoát hiểm ở tổ 66 bị người dân lấn chiếm, sử dụng mục đích riêng, UBND phường đã cho người xuống xử lý, tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu. “Thời gian đến, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân nhận thức được tầm quan trọng của lối thoát hiểm cũng như xây dựng lối sống xanh-sạch-đẹp”, bà Nga thông tin.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.