Siết chặt thông tin rác

.

Thời gian qua, không ít chủ thuê bao, người có tài khoản gmail liên tục nhận tin nhắn chào mời mua đất, vay vốn, quay số trúng thưởng, quảng cáo… từ số điện thoại, địa chỉ lạ. Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14-8-2020 (Nghị định 91) về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 1-10 hy vọng sẽ dẹp bỏ được tình trạng này.

Nghị định số 91/2020/NĐ-CP đưa ra mức xử phạt đối với thư điện tử rác.  Trong ảnh: Một người nhận thư điện tử chào mời mua đất nền dự án. Ảnh: H.L
Nghị định số 91/2020/NĐ-CP đưa ra mức xử phạt đối với thư điện tử rác. TRONG ẢNH: Một người nhận thư điện tử chào mời mua đất nền dự án. Ảnh: H.L

Nhận thông tin không mong muốn

Đang ngủ trưa, anh H.V.T (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) giật mình vì chuông điện thoại reo. Thấy số lạ nhưng anh vẫn lịch sự bắt máy, đầu dây bên kia là giọng nam thanh niên mời mua đất nền. Đây không phải lần đầu tiên anh T. nhận cuộc gọi mời mua đất nền, đất dự án hoặc các chương trình khuyến mãi từ số máy lạ.

Tương tự, có con độ tuổi tiểu học, chị N.T.T.A (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) thường xuyên nhận tin nhắn qua zalo hoặc cuộc gọi từ các trung tâm Anh ngữ. Thời gian đầu chị T.A lịch sự trả lời con chị đã học ổn định tại trung tâm khác, nhưng tư vấn viên vẫn kỳ kèo nói cứ cho bé tới trung tâm học thử vài buổi rồi quyết định.

Nhiều chủ thuê bao nói rằng, phần lớn tin nhắn rác đều xuất phát từ các sim rác hoặc chủ thuê bao ảo. Với mức giá đại trà trên dưới 300 đồng/tin, nhiều doanh nghiệp hoặc tư vấn viên sử dụng sim rác để tiếp cận khách hàng.

Một cán bộ công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đà Nẵng (đề nghị không nêu tên) chia sẻ, việc mua sim rác ở Việt Nam khá dễ dàng, giá mỗi sim chỉ từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng. “Chính giá thành và kẻ hở trong quản lý đã tạo điều kiện cho các đối tượng có nhu cầu phát tán tin nhắn rác đến người dùng”, người này nói.

Phạt đến 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm

Lâu nay, quy trình xử lý tin nhắn, cuộc gọi rác phụ thuộc khá nhiều vào người dùng, như chuyển tiếp tin nhắn rác tới đầu số 456 do Bộ TT&TT xây dựng, vận hành; chuyển tiếp thư điện tử rác, bản ghi âm cuộc gọi rác tới hệ thống phản ánh thư điện tử rác, cuộc gọi rác hoặc phản ánh đến tổng đài chăm sóc khách hàng của các nhà mạng… Sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ TT&TT sẽ điều phối ngăn chặn, xử lý.

Ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu thị trường và Phát triển dịch vụ thuộc Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông - VNPT VinaPhone cho biết, từ năm 2019, VNPT xây dựng phần mềm đăng ký thông tin thuê bao hỗ trợ nhận diện dựa theo chứng minh nhân dân, so sánh hình ảnh chụp trực tiếp người làm hợp đồng với hình trên chứng minh nhân dân nhằm bảo đảm tính chính xác thông tin thuê bao. Ngoài ra, thông qua hệ thống chăm sóc khách hàng, VNPT đã chặn gần 10 triệu tin nhắn rác, khống chế thuê bao gửi nhiều tin nhắn trong cùng một thời điểm…

Nghị định 91 vừa được Chính phủ ban hành đưa ra mức xử phạt cụ thể, tạo cơ chế cho người dùng tự bảo vệ mình trước tin nhắn rác, cuộc gọi rác hoặc mail rác. Điểm mới tại Nghị định 91 là mọi phản ánh về thông tin rác sẽ thông qua đầu số 5656 do Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ TT&TT) vận hành. Cơ quan này cũng được giao quản lý danh sách không quảng cáo (tập hợp số điện thoại mà người dùng không đồng ý nhận bất kỳ thông tin rác nào - PV), qua đó có thể giám sát tốt hơn hoạt động gửi quảng cáo theo quy định pháp luật, đồng thời hạn chế cuộc gọi rác, tin nhắn rác. Ngoài ra, thư điện tử rác được đưa vào nghị định và có khung xử lý riêng.

Từ ngày 18-8, Bộ TT&TT lên danh sách các địa chỉ thường xuyên phát tán thư điện tử rác từ các nguồn phi thương mại và thương mại, giúp hệ thống máy chủ tăng cường khả năng chặn, lọc thư điện tử rác, hạn chế rủi ro từ virus nếu người dùng vô tình kích mở thư.

Được biết, quy định xử phạt theo Nghị định 91 đối với tin nhắn rác, thư rác, cuộc gọi rác sẽ được áp dụng rộng rãi từ ngày 1-10-2020, đối với việc xử lý liên quan đến tên định danh (đăng ký thuê bao rõ ràng) sẽ được áp dụng từ ngày 1-3-2021. Ông Lê Sơn Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết, đơn vị đang nghiên cứu nội dung nghị định, đồng thời xây dựng nội dung tuyên truyền trong thời gian tới. Theo ông Phong, trong trường hợp quảng cáo các dịch vụ có thu cước thì người quảng cáo phải cung cấp thông tin giá cước.

Trường hợp người sử dụng từ chối, phải chấm dứt ngay. Nghị định 91 ra đời không chỉ bảo vệ người dùng trước thông tin rác, cuộc gọi rác, mà còn tạo cơ sở cho tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các cuộc gọi quảng cáo đúng pháp luật, thúc đẩy kinh tế phát triển. Sau khi nghị định được triển khai, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, internet và người quảng cáo có trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác, thư điện tử và cuộc gọi rác theo quy định của Bộ TT&TT.

Phạt nặng thuê bao rác và nhà cung cấp dịch vụ

Nghị định 91 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác bổ sung hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm. Cụ thể, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm trong việc nhắn tin, gọi điện, gửi thư điện tử rác; mức phạt đến 100 triệu đồng được áp dụng với hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo, đồng thời thu hồi số điện thoại thực hiện hành vi vi phạm.

Đối với doanh nghiệp viễn thông, Internet, mức phạt tiền cao nhất lên tới 170 triệu đồng nếu không thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tin nhắn, cuộc gọi rác, thư điện tử rác theo yêu cầu; không hỗ trợ người dùng ngăn chặn tình trạng trên…

HUỲNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.