Cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp: Phụ huynh lo lắng

.

Sau khi Báo Đà Nẵng số ra ngày 24-9-2020 đăng bài viết “Nên hay không nên để học sinh sử dụng điện thoại trong lớp?” đề cập Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập với sự đồng ý của giáo viên, chúng tôi đã ghi nhận thêm nhiều ý kiến xung quanh nội dung này.

Nhiều phụ huynh lo lắng về việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Ảnh: KHÁNH QUYÊN
Nhiều phụ huynh lo lắng về việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Ảnh: KHÁNH QUYÊN

* Chị Phạm Thị Dung (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu): Điện thoại sẽ làm giảm khả năng vận động, giao tiếp

Tôi không đồng tình việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Bất cập đầu tiên mà chúng ta dễ dàng nhận thấy là việc sử dụng điện thoại sẽ gây khó khăn đối với những gia đình không đủ điều kiện mua sắm điện thoại cho con và đôi lúc gây ra tiêu cực là phân biệt giàu - nghèo giữa các học sinh trong lớp.

Trong một lớp học có 30-40 học sinh nhưng chỉ 1 giáo viên thì không thể giám sát hết việc sử dụng điện thoại của học sinh, trong khi hiện nay điện thoại thông minh có quá nhiều chức năng, tạo điều kiện cho học sinh không tập trung vào việc học tập. Bên cạnh đó, màn hình điện thoại quá nhỏ, việc sử dụng thường xuyên tại lớp gây ảnh hưởng đến mắt của trẻ.

Điều khiến tôi lo ngại nữa là khi được mang điện thoại lên lớp, vào giờ giải lao, thay vì vui chơi cùng các bạn trên sân trường, học sinh dễ bị “dính” vào điện thoại, làm giảm khả năng vận động, giao tiếp của các em.

* Chị Phạm Thị Kim Chi (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà): Không đồng ý việc học sinh dùng điện thoại

Thời buổi công nghệ mà không dùng điện thoại cũng không đúng. Nhưng lứa tuổi cấp 2, 3 mà được sử dụng điện thoại trong lớp để phục vụ việc học thì tôi hoàn toàn không đồng ý. Con của tôi đang học lớp 9 và chưa được ba mẹ cho phép dùng điện thoại nhưng cháu lại sử dụng điện thoại của bà và hầu như rất ít khi thấy cháu chủ động dùng điện thoại cho việc học. Hiện tại, để con hạn chế dùng điện thoại, vợ chồng tôi khuyến khích con tập luyện thể thao, buổi tối ngồi học cùng bố mẹ.

Dưới 17 tuổi, bộ não của trẻ đang trong giai đoạn hình thành và phát triển, song điện thoại sẽ tác động rất lớn đến quá trình hình thành, phát triển này. Chưa kể, trong điện thoại có rất nhiều trò chơi, mạng xã hội nên khi trong lớp, cháu nào cũng dùng điện thoại thì liệu có thiếu đi sự tương tác trực tiếp, thiếu cảm xúc, thiếu yêu thương, thiếu sự giúp đỡ? Theo tôi, học sinh cần được trang bị kỹ năng đọc, nghiên cứu, tự rèn luyện, nếu được phép sử dụng điện thoại như thế thì các con có bị phụ thuộc vào điện thoại không?

* Chị Trần Ngọc Hiệp (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ): Cần có giải pháp quản lý

Tôi nhận thấy điện thoại hỗ trợ cho con tôi rất nhiều trong việc học và cháu luôn đạt được kết quả học tập tốt nên tôi cũng yên tâm cho cháu sử dụng điện thoại. Tôi đồng tình với việc học sinh dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ việc học tập với sự cho phép của giáo viên. Tuy nhiên, tình trạng học sinh lạm dụng việc được phép dùng điện thoại để dùng vào mục đích khác là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, nhà trường nên có giải pháp quản lý chặt chẽ việc sử dụng điện thoại của học sinh trong giờ học.

* Chị Trần Ngọc Hà (phường Phước Ninh, quận Hải Châu): Dễ ỷ lại

Việc cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học thì có mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực là học sinh được dùng ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận kiến thức. Mặt tiêu cực là trên không gian mạng có rất nhiều trang web và không phải trang web nào cũng tốt cho học sinh, rồi có quá nhiều trò chơi hấp dẫn trên mạng… Liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có quản lý hết được tất cả mối nguy hiểm này?

Chưa kể, khi dùng điện thoại, học sinh dễ có tâm thế ỷ lại khi cho rằng cái gì không biết thì chỉ cần tra Google, sự thi đua học tập giữa các con cũng sẽ giảm đi. Ngay cả người lớn đôi khi cũng không kiểm soát được việc dùng điện thoại của bản thân, “nghiện” điện thoại, huống gì các con. Nhìn chung, tôi hoàn toàn không đồng tình với việc cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học.

* Cô giáo Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải (huyện Hòa Vang): Học sinh có thể lạm dụng điện thoại để chơi game

Là cán bộ quản lý, tôi có những trăn trở trước việc có nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp hay không. Tôi nghĩ, nội dung mới của Thông tư 32 đáp ứng được nhu cầu của xã hội, của thời đại công nghệ thông tin và việc học sinh sử dụng điện thoại nhằm phục vụ việc học tập là điều rất tốt. Tuy nhiên, ở lứa tuổi học sinh THCS, ý thức sử dụng điện thoại với mục đích học tập chưa cao, không tránh khỏi việc các em lạm dụng để chơi game hoặc vào một mục đích khác.

Sắp tới, Hội nghị Cha mẹ học sinh đầu năm học, trường sẽ đưa vấn đề này để trao đổi về những mặt tích cực cùng hạn chế để tìm ra cách định hướng cho các em sử dụng điện thoại đúng mục đích học tập và tham gia không gian mạng có văn hóa (trong trường hợp quy định của Thông tư 32 được áp dụng).

* Thầy giáo Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn: Gia đình khó khăn làm sao trang bị điện thoại cho con mình?

Việc cho học sinh dùng điện thoại trong giờ học để hỗ trợ việc học là rất tốt. Riêng với trường chuyên, nhu cầu này rất lớn. Nếu giáo viên triển khai tốt thì hiệu quả đạt được rất cao. Tuy nhiên, tôi có hai băn khoăn. Thứ nhất, điện thoại quá nhỏ, học sinh dùng nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt đến mắt. Thứ hai, các gia đình khó khăn, không có điều kiện để trang bị cho con điện thoại, khi giáo viên cho phép dùng điện thoại để khai thác kiến thức thì học sinh thuộc diện này sẽ không có điện thoại để khai thác...

KHÁNH QUYÊN ghi


 

;
;
.
.
.
.
.