Chiếm dụng lối thoát hiểm

.

Khi cấp phép xây dựng trong khu dân cư (KDC), cơ quan chức năng đều dành lại một lối đi nhỏ cho việc thoát hiểm; phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi có cháy nổ, bão, lũ xảy ra. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều lối thoát hiểm trong KDC bị các hộ dân tự ý rào chắn, chiếm dụng, làm nơi sinh hoạt của gia đình…

Người dân làm cửa sắt khóa lối thoát hiểm bên cạnh số nhà 276 Cù Chính Lan.
Người dân làm cửa sắt khóa lối thoát hiểm bên cạnh số nhà 276 Cù Chính Lan.

Tại khu vực phường An Khê (quận Thanh Khê), nhiều lối thoát hiểm trong KDC bị người dân chiếm dụng, rào chắn để nuôi gà, trồng rau hoặc “biến” thành kho vật liệu xây dựng, vật dụng gia đình. Thậm chí, có một số trường hợp lối thoát hiểm bị bịt kín hai đầu bằng cửa sắt, có khóa. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại phường này có gần 20 lối thoát hiểm nằm rải rác trong các KDC. Mỗi lối thoát hiểm có chiều rộng từ 1,5-2m, trong số đó có khá nhiều địa chỉ bị lấn chiếm và sử dụng sai mục đích.

Đơn cử, lối thoát hiểm bên cạnh số nhà 276 Cù Chính Lan đã bị chủ nhà này rào chắn. Bức xúc nên ông Trần Dần sống gần đó chụp ảnh và phản ánh lên “Cổng góp ý” thuộc Hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, gần nửa tháng qua, ông Dần vẫn chưa nhận được sự phản hồi của cơ quan chức năng, trong khi lối thoát hiểm nói trên vẫn “cửa đóng then cài”. “Lối thoát hiểm là không gian chung của KDC, vậy mà người ta làm cổng, khóa trái lại. Chúng tôi đã phản ánh nhiều lần lên đại diện tổ dân phố nhưng tình hình vẫn không thay đổi”, ông Dần chia sẻ.

Cách đó không xa, một lối thoát hiểm trên tuyến đường Điện Biên Phủ tại tổ 72, phường An Khê cũng bị một hộ dân rào chắn làm nơi nuôi gà. Theo ghi nhận của chúng tôi, đường luồng này rộng hơn 1 mét, bị người dân chiếm dụng nuôi gà, để vật dụng không sử dụng lâu năm nên trông khá nhếch nhác. Tương tự, lối thoát hiểm tại 104 Nguyễn Tư Giản (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) bị gia đình ông Lê Hữu Phúc chiếm dụng để mở rộng xưởng đúc chậu xi-măng và tượng. Ngoài ra, xưởng này còn đặt chậu, tượng tràn lan lên phần diện tích vỉa hè và lô đất trống đối diện khiến khu vực này mất vệ sinh, không bảo đảm cảnh quan đô thị.

Ông Nguyễn Đức Phương, cán bộ kiểm tra quy tắc đô thị phường Mỹ An cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh từ người dân liên quan việc ông Lê Hữu Phúc chiếm dụng lối thoát hiểm bên số nhà 104 Nguyễn Tư Giản để sử dụng vào việc sản xuất, kinh doanh của gia đình, lực lượng kiểm tra quy tắc đô thị phường đã đến kiểm tra, lập biên bản yêu cầu ông nhanh chóng di dời toàn bộ vật dụng đi nơi khác, trả lại lối thoát hiểm như hiện trạng ban đầu. Nếu ông Phúc không thực hiện theo nội dung biên bản thì sẽ bị xử lý theo quy định.

Việc lấn chiếm lối thoát hiểm không chỉ cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, biến “của chung” thành “của riêng”, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó Giám đốc Công an thành phố cho rằng, địa phương cần yêu cầu người dân có ý thức hơn trong việc giữ thông thoáng các lối thoát hiểm ở KDC để phòng tình huống bất trắc xảy ra.

Địa phương cần tổ chức những đợt kiểm tra về lối thoát hiểm; đối với lối thoát hiểm nào bị người dân chiếm dụng, cần yêu cầu tháo dỡ, thu dọn các vật dụng đặt không đúng nơi quy định, cản trở lối đi. Cũng theo Đại tá Lê Ngọc Hai, các địa phương cần nghiêm túc giám sát các lối thoát hiểm trong khu vực, bởi lối thoát hiểm bị chiếm dụng sẽ gây khó khăn trong việc lên phương án cũng như quá trình cứu hộ, cứu nạn. Khi đó, thiệt hại về người và tài sản là rất lớn.

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ
 

;
;
.
.
.
.
.