Bạn đọc

Xử lý vi phạm trật tự đô thị: Chưa kiên quyết, hiệu quả

09:55, 17/05/2019 (GMT+7)

Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố tồn tại 570 điểm vi phạm về trật tự đô thị cần giải quyết, bao gồm những vi phạm ở các lĩnh vực môi trường, du lịch, xây dựng, giao thông vận tải…; chưa kể những vi phạm mang tính chất lâu dài và khó kiểm soát như tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, tập trung vào những trường hợp đã bị xử lý vi phạm nhiều lần nhưng vẫn tái diễn…

Tình trạng lấn chiếm lòng đường làm nơi họp chợ diễn ra tại đường Lê Tấn Trung, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.
Tình trạng lấn chiếm lòng đường làm nơi họp chợ diễn ra tại đường Lê Tấn Trung, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.

Thời gian gần đây, “đường dây nóng” Báo Đà Nẵng liên tục nhận được phản ánh của người dân về những vi phạm trật tự đô thị như: tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, trông giữ xe máy, trồng cây, dừng đỗ phương tiện gây cản trở giao thông, tự ý thay đổi kết cấu gạch vỉa hè… Điều đáng nói, trong số đó có không ít địa điểm báo chí từng phản ánh, lãnh đạo địa phương cho biết sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý nhưng đến nay tình trạng này vẫn không mấy chuyển biến.

Đơn cử, tình trạng lấn chiếm khu vực kiệt 152 Phan Thanh (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) làm nơi trông giữ xe, gây ách tắc giao thông hiện vẫn diễn ra dù cơ quan chức năng nhiều lần cử lực lượng đến kiểm tra, lập biên bản xử lý. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND phường Thạc Gián cho biết, tình trạng ách tắc kéo dài bởi Trường Đại học Duy Tân hiện không bảo đảm bãi giữ xe trong sân trường nên một lượng lớn sinh viên phải đưa xe vào giữ tại hộ dân trong kiệt 152 Phan Thanh.

Mặc dù UBND phường đã nhiều lần có văn bản đề nghị Trường Đại học Duy Tân đưa bớt sinh viên sang giảng dạy ở cơ sở khác, bố trí giờ tan học lệch nhau giữa các lớp nhằm giảm ùn tắc vào các khung giờ cao điểm (9 giờ và 15 giờ) nhưng được một thời gian rồi đâu lại vào đấy. UBND phường cũng đã kiến nghị với UBND quận và UBND thành phố có biện pháp can thiệp đối với Trường Đại học Duy Tân, yêu cầu nhà trường giảm thiểu lượng sinh viên đang theo học tại cơ sở Nguyễn Văn Linh nhằm dứt điểm tình trạng ách tắc giao thông tại kiệt 152 Phan Thanh; song song với việc yêu cầu các hộ dân ký cam kết sắp xếp xe gọn gàng, tránh để xe tràn ra lòng kiệt gây mất mỹ quan, ảnh hưởng người đi đường.

Tương tự, tình trạng người dân tự ý lấp đất lên phía trên lớp gạch vỉa hè để trồng rau tại một số địa điểm thuộc phường An Hải Bắc và phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) vẫn không được chính quyền địa phương kiên quyết xử lý. Sáng 22-4, tại khu vực vỉa hè đường Phước Trường 11, phường Phước Mỹ, chúng tôi ghi nhận tình trạng người dân đổ thêm lớp đất dày lên mặt vỉa hè rồi dùng gạch chắn quanh, tạo thành vạt đất mỏng trồng rau xanh gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị vẫn tiếp tục diễn ra. Vấn đề này đã được một số hộ dân trong khu vực phản ánh với lãnh đạo phường nhưng không được xử lý dứt điểm.

Bà Nguyễn Thị Nga, một người dân sống tại khu vực này phàn nàn: “Tình trạng gỡ gạch vỉa hè hoặc lấp đất lên trên vỉa hè, ra sát bó vỉa để trồng rau diễn ra ở một số vị trí trên các tuyến đường Đông Kinh Nghĩa Thục, An Cư 7 (phường An Hải Bắc), Phước Trường 11… nhưng ít thấy cơ quan chức năng nhắc nhở, xử lý. Không chỉ gây mất mỹ quan, việc trồng cây trên vỉa hè còn dễ khiến gạch lát vỉa mục nát, hư hỏng; người dân sử dụng nước tưới, phân bón nhưng không che chắn cẩn thận khiến nước chảy ra đường, nhếch nhác, phát sinh ruồi muỗi gây ô nhiễm”.

Trong khi đó, ông Phạm Minh Hùng, Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ cho biết, tình trạng này khó xử lý dứt điểm do phần lớn các trường hợp tận dụng phần vỉa hè trước những lô đất trống để trồng rau thuộc hộ gia đình khó khăn. “Dù đã phối hợp với UBND phường An Hải Bắc tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không tự ý gỡ gạch vỉa hè để trồng rau nhưng tình trạng trên tiếp diễn tại một số lô đất trống. Mặt khác, đây là địa bàn giáp ranh, có thể người dân cư trú ở phường này nhưng lại canh tác trên những lô đất trống của phường khác khiến công tác xử lý gặp khó khăn, thiếu kiên quyết”, ông Hùng nói.

Thực tế, không ít địa phương đang “giơ cao đánh khẽ”, chủ yếu dùng biện pháp nhắc nhở, lập biên bản cam kết là xong. Ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, trong năm 2018, đơn vị đã phối hợp với các địa phương phát hiện 459 trường hợp vi phạm, trong đó buộc tháo dỡ 122 công trình vi phạm nghiêm trọng. “Trong quá trình xử lý những vi phạm về trật tự đô thị, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, phá vỡ cấu trúc vỉa hè…, cơ quan chức năng tại một số địa phương vẫn còn xuê xoa, thiếu kiên quyết”, ông Trung nói.

Tháng 2-2019, Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng có công văn yêu cầu lực lượng các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự công cộng, trật tự đô thị, ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
 
Công văn yêu cầu các đơn vị công an tập trung rà soát, lập danh sách thống kê các khu vực, tuyến, địa điểm diễn ra vi phạm theo lĩnh vực được phân công, phân cấp địa bàn quản lý; yêu cầu công an các quận, huyện phối hợp với Phòng Quản lý đô thị và các đơn vị liên quan tham mưu UBND các quận, huyện chỉ đạo, triển khai các biện pháp tăng cường quản lý, xử lý các vi phạm về trật tự đô thị trên địa bàn. 

Bài và ảnh: HUỲNH LÊ

.