Bạn đọc

Mất quyền lợi vì tài sản bị con đem thế chấp?

10:34, 17/05/2019 (GMT+7)

Báo Đà Nẵng nhận được đơn kêu cứu của ông Đoàn Ngọc Sơn (65 tuổi, trú quận Thanh Khê) về việc nhà và đất của ông bị con trai đem thế chấp để vay tiền ngân hàng, nay phải bán để trả nợ nhưng ông không nhận được quyền lợi liên quan nào. Ông Sơn cho rằng, bản giám đốc thẩm của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chưa chính xác.

Theo đơn trình bày của ông Sơn, năm 2008, vợ ông là bà Nguyễn Thị Hương lập doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hoàng Anh Tuấn nhưng làm ăn thua lỗ nên phải thế chấp nhà, đất ở 65 Lê Thị Tính (quận Thanh Khê) cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (gọi tắt là ngân hàng) để bảo đảm (bảo lãnh bên thứ 3) cho khoản vay 870 triệu đồng.

Nhà, đất này do anh Đoàn Ngọc Thạch (con trai ông Sơn và bà Hương) đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngân hàng khởi kiện buộc bà trả nợ hơn 1,68 tỷ đồng (gốc và lãi). Tháng 8-2016, TAND quận Thanh Khê xét xử sơ thẩm, buộc bà Hương trả số tiền trên nhưng tuyên bố hợp đồng bảo lãnh bên thứ 3 vô hiệu. Do đó, ngân hàng kháng cáo.

Tháng 1-2017, TAND thành phố xét xử phúc thẩm, buộc DNTN Hoàng Tuấn Anh trả 1,68 tỷ đồng, nếu không trả thì xử lý tài sản thế chấp bên thứ 3 để trả nợ. Tháng 5-2018, Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Khê kê biên cưỡng chế nhà, đất bán đấu giá để trả nợ ngân hàng. Sau đó, ngân hàng cho bên thứ 3 bảo lãnh tự bán nhà để trả nợ, nay đã bán và trả nợ xong.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, nhà và đất là tài sản chung của gia đình, bên thứ 3 bán mà không được đồng ý của ông nên việc xử lý này chưa đúng. Ông Sơn có đơn đề nghị Giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm nêu trên.

Theo TAND Cấp cao tại Đà Nẵng, quá trình giải quyết vụ án, tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Sơn là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ xác định diện tích đất ông mua cho vợ chồng con trai là anh Đoàn Ngọc Thạch. Thông báo số 22/TB-TA ngày 17-7-2018 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho hay, tại phiên tòa sơ thẩm, khi đại diện Viện KSND hỏi về giấy xác nhận được lập năm 2006, trong đó anh Thạch ghi đứng tên sở hữu nhà và đất giùm cha mẹ, ông Sơn nói rằng giấy xác nhận chỉ để làm thủ tục hợp đồng ủy quyền vào năm 2008 chứ không phải sự thật. Như vậy, chính ông đã khẳng định nhà, đất thuộc sở hữu của vợ chồng anh Thạch.

Lời khai của vợ anh Thạch cũng xác nhận nhà, đất đứng tên anh Thạch nên anh Thạch đã thế chấp hợp pháp cho ngân hàng. “Việc ông Sơn khiếu nại rằng anh Thạch đứng tên giùm cha mẹ nên diện tích đất số 65 Lê Thị Tính là tài sản của vợ chồng ông nhưng tòa án chưa xem xét quyền lợi của ông là không có căn cứ. Do đó, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”, thông báo nêu rõ.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án này, Luật sư Đỗ Thành Nhân, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Thành Nhân (quận Thanh Khê) cho biết, vụ việc đã được TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử ở cấp giám đốc thẩm và đã có thông báo không có căn cứ để kháng nghị. Do đó, nếu gia đình ông Sơn cho rằng bản giám đốc thẩm này vẫn chưa chính xác, chưa khách quan thì có thể gửi “Đơn đề nghị xem xét lại bản án giám đốc thẩm” đến Chánh án TAND Tối cao và ông Viện trưởng Viện KSND Tối cao, kèm theo các tài liệu liên quan để được xem xét, giải quyết.

ĐẮC MẠNH

.