.

Rối loạn ngửi

Rối loạn ngửi là biểu hiện của sự trục trặc các bộ phận cảm nhận mùi thơm hoặc thối của hai lỗ mũi của chúng ta. Mức độ của bệnh thay đổi tùy người: Nếu chỉ ít cảm thấy mùi gọi là ngửi kém; nếu thơm hoặc thối mà không phân biệt được gọi là mất ngửi; thậm chí có trường hợp ngửi mùi nọ nhưng lại bảo mùi kia thì gọi là ngửi nhầm mùi.

Nguyên nhân của rối loạn ngửi có thể do chấn thương vùng đầu, mặt. Các chấn thương gây rối loạn ngửi thường nghiêm trọng và kéo dài, có khi là cả đời. Các bệnh lý vùng mũi hoặc cảm cúm đôi khi gây giảm hoặc mất mùi tạm thời; sau khi khỏi bệnh cơ quan khứu giác sẽ phục hồi nhanh chóng.

Cấu tạo của cơ quan khứu giác rất tế nhị, thoạt tưởng có vẻ đơn giản nhưng hoạt động cực kỳ nhạy bén và hiệu quả. Mũi người có thể phân biệt được đến 10.000 loại mùi khác nhau. Các mùi không chỉ tác động lên bộ phận khứu giác mà còn kích thích các tuyến nước bọt hoạt động, do có sự quan hệ mật thiết giữa cơ quan khứu giác và vị giác. Vì vậy, các rối loạn khứu giác sẽ kéo theo rối loạn vị giác qua biểu hiện mất đi sự thú vị khi ăn và có thể dẫn đến bệnh trầm cảm. Hậu quả của rối loạn khứu giác, nhất là mất mùi khiến cho chúng ta không nhận ra đâu là thức ăn đã bị hôi thiu, do vậy vẫn cứ đánh chén tì tì, gây ra rối loạn tiêu hóa hay ngộ độc thức ăn, có thể dẫn đến chết người. Ngoài ra, người bị mất mùi sẽ không nhận ra mùi khét do món ăn nấu nướng bị cháy nên vụng về trong làm bếp. Gas bếp rò rỉ cũng không nhận ra, dây điện chập mạch cháy khét lẹt cũng không hề biết nên rất nguy hiểm cho bản thân.

Trừ trường hợp mất mùi do lão hóa tế bào cấu tạo cơ quan khứu giác là không thể cải thiện được, các trường hợp mất mùi do bệnh lý ở mũi hoặc do cảm cúm có thể được cải thiện nhờ các loại thuốc nhỏ mũi và thuốc uống (kháng sinh, kháng viêm, chống dị ứng…). Một số trường hợp cần được phẫu thuật (như polype mũi, khối u ở mũi, dẫn lưu các xoang bị viêm, sửa vách ngăn mũi…).

Dựa vào các nguyên nhân gây rối loạn ngửi nêu trên mà có cách đề phòng, như không để xảy ra các chấn thương vùng đầu mặt, điều trị tích cực các bệnh ở mũi. Những người đã có rối loạn ngửi, nhất là ngửi kém không nên hút thuốc lá, vì sẽ làm cho tình trạng tồi tệ thêm.

Thạc sĩ y học Mai Hữu Phước
;
.
.
.
.
.