.

Mùa nắng nóng: Phòng, chống dịch bệnh cho trẻ em

.

Mùa  hè, nắng nóng kéo dài khiến cho thực phẩm dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn do bụi bẩn là những nguy cơ gây ra ngộ độc thức ăn và bệnh tiêu chảy cấp cho mọi người, nhất là trẻ em. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng đưa ra cảnh báo về các dịch bệnh như tay-chân-miệng và sốt phát ban do rubella liên tục xuất hiện ở trẻ em trong điều kiện thời tiết oi bức.

Ngộ độc, tiêu chảy

Có rất nhiều trường hợp nhiễm bệnh của trẻ trong thời điểm nắng nóng hiện nay. Như trường hợp chị Dung, trú ở tổ 52, phường Hòa Cường Bắc nửa đêm phải tất tả bồng đứa con 3 tuổi đến Trung tâm Phụ sản - Nhi thành phố cấp cứu do cháu bé tiêu chảy liên tục kèm theo mất nước. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân dẫn đến ngộ độc của cháu T. là do uống bình sữa đã bị ôi thiu. Chị Dung cho biết, thường thì chị pha sữa và cho con uống ngay. Nhưng hôm đó, đứa bé ngủ say nên chị để 5 giờ sau mới uống. “May mà các bác sĩ can thiệp kịp thời, nếu không cháu sẽ nguy hiểm tính mạng” - chị Dung tâm sự…

 

Mô tả ảnh.
Trẻ em mắc bệnh tay-chân-miệng điều trị tại Trung tâm Phụ sản-Nhi Đà Nẵng.


Tại Khu cấp cứu nhi thuộc Trung tâm Phụ sản-Nhi, trung bình một ngày tiếp nhận khám, điều trị 8 đến 10 trường hợp trẻ em mắc bệnh tiêu chảy, ngộ độc thức ăn. Hầu hết các em ăn phải thức ăn không bảo đảm an toàn thực phẩm, có khi ở lớp học, khi thì ở nhà. Bác sĩ Nguyễn Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Phụ sản-Nhi thành phố cảnh báo: Khi chế biến thức ăn, không những phải bảo đảm nguồn thực phẩm có nguồn gốc an toàn mà các loại dụng cụ chế biến, nhất là chén bát không được để ruồi nhặng đậu vào, để bảo đảm trẻ không mắc bệnh về đường ruột. Nhiều trường hợp khi đưa đến bệnh viện, bệnh nhân rất yếu do mất nước nặng. Nguyên nhân gây bệnh một phần do các em không được bố mẹ cho uống vắc-xin ngừa vi-rút Rota gây bệnh đường ruột khi trẻ hai tuổi.

 

Bệnh tay-chân-miệng rình rập

Khác với những năm trước, năm nay dịch bệnh tay-chân-miệng đang tăng cao với gần 280 trường hợp trẻ em mắc bệnh tại Đà Nẵng, khiến cho các bậc phụ huynh lo lắng. Điều nguy hiểm là nguy cơ dễ mắc bệnh và sự lây lan đối với bệnh tay-chân-miệng cho đến nay vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do vậy, khi một trẻ em đi học mắc bệnh mà không được phát hiện, cách ly và điều trị kịp thời thì rất dễ lây lan sang nhiều trẻ em khác cùng lớp, do tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng chung đồ chơi trong lớp học. Qua kiểm tra thực tế của cán bộ dịch tễ, nhiều nhóm trẻ gia đình vẫn thiếu kiến thức về phòng bệnh hiệu quả.

Mặc dù số bệnh nhân tay-chân-miệng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đến Trung tâm Phụ sản-Nhi Đà Nẵng điều trị đang giảm, tuy nhiên các bác sĩ cảnh báo tình trạng “lây nhiễm chéo” do có sự tiếp xúc giữa bệnh nhân mang vi-rút EV 71 và Cocsackie 16. Bởi trên thực tế, nhiều phụ huynh thường hay bế con ra ngoài phòng bệnh để chơi đùa ở khu hành lang của bệnh viện, do đó nguy cơ lây bệnh và phát tán bệnh giữa các bệnh nhi khá cao. Bác sĩ Nguyễn Sơn cho biết, nếu trẻ em “lây nhiễm chéo” hai loại vi-rút cùng một lúc thì nguy cơ biến chứng gây tử vong rất cao, do độc lực từ vi-rút phát tán mạnh, khó kiểm soát và chẩn đoán theo dõi điều trị. Với những trường hợp này thì chi phí điều trị hàng triệu đồng/ngày nhưng chưa chắc bệnh mau lành. 

Thạc sĩ-bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, công tác giám sát và phát hiện chủng vi-rút bệnh tay-chân-miệng trên địa bàn thành phố được tổ chức hằng ngày. Ngoài ra, cán bộ dịch tễ mở rộng giám sát bệnh sốt phát ban nghi rubella và thủy đậu tại các cơ sở điều trị và khu dân cư xuất hiện bệnh nhân. Hiện tại, số bệnh nhân mắc sốt phát ban nghi rubella tại thành phố là 1.050 trường hợp và 1.324 trường hợp mắc bệnh thủy đậu tính từ đầu năm đến nay. Tuy vậy, chưa có báo cáo về tử vong ở trẻ em do hai căn bệnh này gây ra.

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.