Bóng chuyền nữ và khát vọng vươn tầm

.

Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã lên đường sang Pháp, lần đầu tham dự  giải FIVB Challenger Cup, diễn ra từ 27 đến 30-7. Đây là giải đấu dành cho các đội tuyển quốc gia do Liên đoàn Bóng chuyền thế giới tổ chức. Người hâm mộ đang rất kỳ vọng một bước ngoặt mới đối với bóng chuyền Việt Nam.

Thanh Thúy là chủ công xuất sắc nhất đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thời điểm này. Ảnh: M.M
Thanh Thúy là chủ công xuất sắc nhất đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thời điểm này. Ảnh: M.M

Trên mọi miền đất nước, chúng ta không khó bắt gặp những trận đấu bóng chuyền ở mọi mặt sân, điều đó chứng minh số người yêu và tham gia chơi bóng chuyền rất đông. Giải bóng chuyền vô địch quốc gia ra đời từ năm 2004. Có nghĩa, tiềm năng của môn thể thao này là có thực và xứng đáng được xem như một trong những môn thể thao quan trọng và hấp dẫn nhất tại Việt Nam. Thế nhưng trong gần 1 thập kỷ qua, thành tích của môn thể thao này gần như không tương xứng với kỳ vọng. Đặc biệt vào tháng 9-2022, đội tuyển bóng chuyền nữ đã bị Liên đoàn bóng chuyền quốc tế (FIVB) loại khỏi bảng xếp hạng thế giới vì gần như không thi đấu quốc tế trong thời gian dài, ngoại trừ SEA Games 31.

Một trong những lý do cơ bản khiến tiến trình hội nhập của bóng chuyền Việt Nam chậm hơn Thái Lan một khoảng cách, đó là kinh phí. Công tác xã hội hóa kinh phí, khâu vận động tài trợ hạn chế đã ngăn cản bước phát triển. Thái Lan đã đầu tư rất lớn cho bóng chuyền, với nhiều cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, các đội tuyển liên tục được tập huấn, cọ xát ở môi trường đỉnh cao. Giải vô địch quốc gia có số lượng CLB tham gia rất đông, kèm theo đó là tiền thưởng lớn.

Có thời điểm chúng ta tưởng như bắt kịp đối thủ, qua việc thường xuyên gặp nhau ở chung kết SEA Games, nhưng thực tế lại khác. SEA Games 32 gần đây, nữ Việt Nam vẫn phải ngậm ngùi về Nhì trước nữ Thái Lan. Bước ra thế giới tranh tài, người Thái vẫn cho thấy đẳng cấp ổn định và vượt trội. Trước khi lên đường sang Pháp dự giải FIVB Challenger Cup, dư luận đã lình xình khi nguy cơ các “cô gái chân dài” không đủ kinh phí dự giải. Chuyện đã qua, nhưng không vì thế mà quên đi rào cản cơ bản bóng chuyền Việt Nam đang đối diện, đó là chuyện thiếu tiền.

Về chuyên môn, rất may sau án phạt của Liên đoàn Bóng chuyền thế giới, vào tháng 5-2023, đội tuyển nữ bất ngờ “tái xuất” dưới tên gọi Sport Center I (thực chất là tuyển nữ Việt Nam) để tham dự giải các CLB nữ châu Á, tổ chức tại Vĩnh Phúc. Tham dự giải đấu là những CLB hàng đầu khu vực, Sport Center I đã đăng quang một cách thuyết phục. Đây là lần đầu tiên tuyển bóng chuyền nữ giành chiến thắng ở giải đấu cấp châu lục. Chưa dừng lại đó, Sport Center I cũng sẽ đại diện cho châu Á tham dự Giải vô địch bóng chuyền các Câu lạc bộ thế giới 2023 tại Trung Quốc vào tháng 12-2023.

Tháng 6-2023, đội tuyển nữ Việt Nam tham dự giải AVC Challenge Cup 2023 (là giải đấu trong khuôn khổ Cúp Bóng chuyền nữ châu Á) và lại đăng quang ngoạn mục. Sau chiến tích này, tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã leo lên vị trí thứ 47 với tổng cộng 74,28 điểm. Những chiến thắng liên tiếp đó của tuyển bóng chuyền nữ đã thắp lên niềm tin vào một ngày không xa, các cô gái của chúng ta sẽ tiếp cận được đẳng cấp thế giới.

Việc được tham dự vòng chung kết giải CLB bóng chuyền nữ thế giới và FIVB Challenger Cup là một điểm nhấn tuyệt vời của bóng chuyền nữ Việt Nam. Tham dự giải đấu tại Pháp lần này gồm có 8 đội tuyển là chủ nhà Pháp, Việt Nam, Croatia, Ukraine, Mexico, Thụy Điển, Colombia và Kenya. Chúng ta không có nhiều hy vọng đạt thành tích cao trước những đội bóng mạnh của thế giới, nhưng đó là cơ hội để các cô gái Việt Nam được tiếp cận với bóng chuyền đỉnh cao và học hỏi. Đây cũng là bước đầu trên đường Việt Nam đuổi theo bóng chuyền nữ Thái Lan - vốn đã vươn tầm thế giới.

Không chỉ ở cấp độ đội tuyển, Việt Nam cần đầu tư bài bản cho các lứa trẻ tham gia nhiều giải quốc tế, cần kế hoạch đầu tư lâu dài thay vì chỉ lo thành tích trước mắt. Phong trào chơi bóng chuyền trong cộng đồng, đặc biệt hệ thống trường học, cần được cổ vũ và đầu tư chiều sâu.

MỘC MIÊN

;
;
.
.
.
.
.