Nhìn từ các môn thi đấu SEA Games 32

.

Nước chủ nhà Campuchia chốt danh sách 37 môn thi đấu tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) 32 diễn ra từ ngày 5-5. Điều đáng chú ý là nhiều môn thể thao Olympic bị loại bỏ.

Đua thuyền là một trong những môn thể thao Olympic không có trong chương trình thi đấu tại SEA Games 32. Ảnh: P.N
Đua thuyền là một trong những môn thể thao Olympic không có trong chương trình thi đấu tại SEA Games 32. Ảnh: P.N

Danh sách 37 môn thể thao tại SEA Games 32 được Campuchia công bố, gồm: điền kinh, thể thao dưới nước, cầu lông, bóng rổ, billiards, quyền anh, cờ ok chaktrong, cricket, đua xe đạp, khiêu vũ thể thao, thể thao điện tử, đấu kiếm, floorball, bóng đá, golf, thể dục, hockey, jet ski, judo, karate, kun khmer, chạy vượt chướng ngại vật, pencak silat, bi sắt, thuyền buồm, soft tennis, cầu mây, bóng bàn, taekwondo, đua thuyền truyền thống, quần vợt, hai và ba môn phối hợp hiện đại, bóng chuyền, cử tạ, vật, bokator và wushu.

Nhìn vào danh sách này có thể thấy, những môn thể thao Olympic như: bắn súng, bắn cung, canoeing, rowing, thể dục dụng cụ, wushu, futsal, thể hình, kurash... bị nước chủ nhà loại bỏ. Thay vào đó, Campuchia đưa vào chương trình thi đấu những môn xa lạ với các nước trong khu vực như: võ bokator, kun khmer, cờ ok chaktrong. Đặc biệt, ở SEA Games 32, bokator có đến 16 nội dung thi đấu đối kháng đồng đội, 7 nội dung biểu diễn cá nhân, đồng đội và 9 nội dung thi đấu đối kháng cá nhân. Chỉ 5 quốc gia đăng ký tham dự môn thể thao này. Đây được dự đoán là “mỏ vàng” của nước chủ nhà ở SEA Games 32.

Thực tế, việc Campuchia ưu tiên các môn thế mạnh của mình không phải lần đầu tiên diễn ra ở các kỳ SEA Games. Theo Hiến chương và Quy tắc của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF), nước chủ nhà phải tổ chức tối thiểu 22 môn thể thao. Trong đó, 2 môn bắt buộc là điền kinh và thể thao dưới nước được xếp vào nhóm một, 14 môn tối thiểu trong chương trình thi đấu của Olympic và Asian Games xếp ở nhóm hai.

Nhóm ba có tối đa 8 môn thể thao đặc thù. Mỗi môn thể thao chiếm không quá 5% tổng số huy chương, ngoại trừ điền kinh, thể thao dưới nước và bắn súng. Tuy nhiên, nước chủ nhà SEA Games thường tăng số lượng nội dung thi đấu ở nhóm hai và ba, thêm một số môn đặc thù truyền thống để tăng khả năng giành huy chương. Bên cạnh đó, mỗi nội dung được tổ chức khi có tối thiểu bốn nước tranh tài, dẫn tới nhiều trường hợp chắc chắn giành huy chương dù chưa thi đấu.

Các quốc gia Đông Nam Á từng thống nhất quan điểm xây dựng một sân chơi chú trọng vào các môn thể thao trong hệ thống Olympic, ASIAD để cạnh tranh bình đẳng, đồng thời chuẩn bị lực lượng tham dự các giải thể thao quốc tế. Tuy nhiên, việc Campuchia loại bỏ các môn thể thao Olympic với lý do không có lực lượng vận động viên (VĐV) được đào tạo đầy đủ cũng như thiếu cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu tổ chức đặt ra câu hỏi về chất lượng, tính hấp dẫn ở kỳ đại hội sắp tới.

Có thể thấy, Campuchia hướng đến vị trí dẫn đầu trên bảng xếp tổng sắp huy chương bằng việc kiềm chế số lượng huy chương của những đoàn thể thao mạnh như: Việt Nam, Thái Lan. Một trong những điều lệ Campuchia công bố chỉ các VĐV chủ nhà mới được thi đấu 100% các môn thể thao đối kháng và võ thuật trong khi các quốc gia khác chỉ được đăng ký VĐV tham dự không quá 70% cũng gây ra nhiều tranh cãi.

Bệnh thành tích là một trong những nguyên nhân chính khiến các môn thể thao Olympic của các nước trong khu vực Đông Nam Á chưa thể tạo ra sức bật. Ở những kỳ ASIAD, Olympic, thành tích của các VĐV Đông Nam Á còn khiêm tốn. Xu hướng của thể thao thế giới là khoanh vùng để tập trung đầu tư đầy đủ, bài bản cho ASIAD, Olympic, tăng tính cạnh tranh ở những đấu trường lớn.

Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á, các VĐV các môn Olympic ít có cơ hội cọ xát. Ngay cả việc thi đấu ở SEA Games được tổ chức hai năm một lần cũng phập phù. Một điều đáng tiếc là sau SEA Games 32, ASIAD 19 và Olympic Pris 2024 sẽ diễn ra. Những VĐV không được thi đấu tại SEA Games 32, trong đó có nhiều VĐV Việt Nam phải “tập chay” từ sau SEA Games 31 sẽ gặp khó khăn hơn trong việc cạnh tranh huy chương.

Các môn thi đấu tại SEA Games 32 có nhiều bất cập và nghịch lý cần sớm được khắc phục để thể thao Đông Nam Á tạo nên sức bật mới, có thể làm nên chuyện ở những đấu trường lớn trong tương lai.

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.