Bóng đá trẻ Đà Nẵng và nhiệm vụ tái tạo bản sắc

.

Một thời gian dài, nguồn cầu thủ kế cận chưa đáp ứng tốt yêu cầu dẫn đến việc bóng đá Đà Nẵng dần đánh mất bản sắc. Vì thế, việc xây dựng thế hệ trẻ cho bóng đá Đà Nẵng cũng đồng thời đặt ra yêu cầu tái tạo bản sắc của bóng đá Đà Nẵng.

Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ SHB Đà Nẵng Đào Quang Hùng (bìa trái) đặt mục tiêu tái tạo bản sắc bóng đá Đà Nẵng, thông qua hiệu quả trong công tác đào tạo cầu thủ trẻ từ hôm nay. Ảnh: ANH VŨ
Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ SHB Đà Nẵng Đào Quang Hùng (bìa trái) đặt mục tiêu tái tạo bản sắc bóng đá Đà Nẵng, thông qua hiệu quả trong công tác đào tạo cầu thủ trẻ từ hôm nay. Ảnh: ANH VŨ

Sau khi nhà tài trợ chính của bóng đá Đà Nẵng là Ngân hàng TM CP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) không hỗ trợ cho việc đào tạo các tuyến U11 và U13 trong nhiều năm, công tác xây dựng lực lượng trẻ của bóng đá Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, những năm gần đây, hầu như bóng đá sông Hàn phải dựa vào các cầu thủ từ nhiều nơi khác về đầu quân do nguồn cầu thủ trẻ được đào tạo không đáp ứng yêu cầu. Không phủ nhận những đóng góp với bóng đá Đà Nẵng của các cầu thủ được tuyển chọn từ nhiều trung tâm đào tạo hoặc địa phương khác nhưng ngoài chiếc HCĐ tại V-League 2016, trong 3 mùa giải còn lại (2015, 2017 và 2018), SHB Đà Nẵng đều phải xếp hạng 9/14 chung cuộc.

Khi bóng đá Đà Nẵng bắt đầu sa sút, SHB mới chấp nhận đầu tư trở lại cho các tuyến U11, U13. Sau 4 năm đầu tư bài bản, bóng đá trẻ Đà Nẵng từng bước chuyển biến tích cực khi ngoài đội U13 giành quyền vào thi đấu vòng chung kết giải U13 quốc gia 2018, đội U17 cũng đoạt HCĐ. Trong khi đó, lứa cầu thủ U21 thi đấu giải hạng Ba và được thăng hạng Nhì, đồng thời giành HCĐ môn Bóng đá Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 8 (2018). Theo Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ SHB Đà Nẵng Đào Quang Hùng, Trung tâm không chỉ làm tốt nhiệm vụ đào tạo, trở thành nguồn cung cấp lực lượng cho CLB chuyên nghiệp SHB Đà Nẵng mà còn góp phần quan trọng vào việc tái tạo bản sắc cho bóng đá quê hương. Bởi lẽ, ngoài trách nhiệm của một cầu thủ chuyên nghiệp, những cầu thủ là người địa phương hoặc được đào tạo từ đầu tại Trung tâm còn có sự gắn bó về mặt tình cảm với nơi mình sinh ra, lớn lên và chắc chắn họ sẽ nỗ lực vượt bậc, không chỉ vì danh dự bản thân mà còn vì gia đình.

Ông Đào Quang Hùng cho biết: “Trong bóng đá chuyên nghiệp vẫn cần bổ sung nguồn cầu thủ ngoài địa phương nhưng năng lực chuyên môn phải thực sự tốt và các cầu thủ địa phương cần học tập các cầu thủ này để nâng cao trình độ. Bên cạnh đó, việc đào tạo cầu thủ trẻ sẽ đáp ứng tốt hơn mục tiêu dài hạn với chiến thuật, lối chơi được hoạch định nhất quán của bóng đá Đà Nẵng và nhất là cắt giảm đáng kể nguồn chi phí khi ký hợp đồng tuyển mộ cầu thủ từ nơi khác”.

Cũng theo ông Đào Quang Hùng, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ SHB Đà Nẵng có cơ sở vật chất đáp ứng rất tốt nhu cầu đào tạo; đồng thời, đội ngũ HLV đều là những cựu tuyển thủ Quảng Nam - Đà Nẵng hay cựu tuyển thủ Đà Nẵng như: Nguyễn Phương Trung, Bùi Thông Tân, Võ Phước, Lê Văn Hà, Huỳnh Quốc Anh, Trần Anh Khoa và đã qua các lớp đào tạo HLV do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức. Khó khăn lớn nhất với bóng đá trẻ cả nước nói chung là cơ hội để các cầu thủ được thi đấu, cọ xát quá ít. Vì thế, Trung tâm đang đề nghị CLB SHB Đà Nẵng tạo điều kiện để các cầu thủ trẻ được thi đấu thường xuyên, thông qua các trận đấu mở màn trên sân Hòa Xuân, trước những trận đấu V-League của SHB Đà Nẵng. Đó sẽ là tiền đề để bóng đá trẻ Đà Nẵng có hướng phát triển bền vững trong một tương lai không xa và giúp bóng đá Đà Nẵng tái tạo bản sắc đang ngày càng nhạt nhòa.

NGUYÊN AN

;
;
.
.
.
.
.