Khoa học - Công nghệ

Nỗi lo từ cây mai dương

07:46, 14/06/2010 (GMT+7)

Trong khi chưa hết đau đầu vì dây leo bìm bìm đang hoành hành ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, nhiều người không khỏi lo lắng trước cảnh cây mai dương (còn gọi là cây mắt mèo, trinh nữ nâu) vừa mới xuất hiện đã mọc dày, vươn cao tươi tốt, trổ hoa, kết trái dọc hai bên bờ sông Cẩm Lệ và tràn ra các khu dân cư mới.
 

Không chỉ mọc dày ven sông Tuyên Sơn, Cẩm Lệ, cây mai dương cũng đang tấn công nhà dân ở các khu dân cư lân cận.  

Theo các tài liệu mà chúng tôi thu thập được, cây mai dương có tên khoa học là Mimosa Pigra (Mimosaceae), có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ, thuộc loài cây bụi họ đậu, thân nhiều gai cứng, sống được trên cạn lẫn dưới nước. Cây sinh trưởng nhanh, sau 6 tháng tuổi sẽ ra hoa, kết trái; có khả năng tái sinh, lan rộng cực kỳ lớn theo hàm mũ cơ số 2 (1 ha nếu không được kiểm soát, sau 10 năm cây có thể phát triển thành 1.024 ha) tại các vùng đất ngập nước, đồng bằng châu thổ, ven hồ, dọc kênh mương, đất bỏ hoang miền núi, ven rừng tự nhiên và cả khu dân cư... Cây mai dương làm cho đất nghèo chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng xấu và nguy cơ hủy diệt hệ thực vật, động vật trong vùng, do chứa chất mimosin - loại axít amin có thể gây độc với nhiều loài. Thân cây mai dương khi chết sẽ phân hủy tạo ra chất độc gây ô nhiễm nguồn nước…

Từ năm 2000, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế đã xếp cây mai dương là một trong 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng nhất trên thế giới. Cây mai dương xâm nhập vào nước ta từ năm 1979, đến nay, đã xâm lấn hàng vạn héc-ta đất tại 45 tỉnh, thành phố. Ngày 1-6-2006, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, lập đề án nghiên cứu và xử lý cây mai dương ở nhiều tỉnh, thành. Nhưng cũng như dây leo bìm bìm, việc ngăn chặn sự phát triển và diệt trừ cây mai dương hoàn toàn không dễ chút nào. Nhiều tỉnh đã huy động mọi lực lượng tiến hành chặt sát gốc cây, thế rồi chỉ sau vài tháng cây lại mọc dày.

Đặc biệt, hạt cây mai dương dễ dàng trôi theo dòng nước (sông) đến mọc ở những vùng đất khác. Nhiều đề tài khoa học đã được nghiên cứu, nhưng việc diệt trừ cây mai dương vẫn dừng lại ở kinh nghiệm rất khó nhọc: chặt sát gốc cây, đào rễ, phơi khô, sau đó đem đốt và được tiến hành tốt nhất khi cây chưa đến kỳ ra hoa, kết trái và ra quân thường xuyên, liên tục… Một số loại thuốc trừ cỏ hóa học (Roudup 480SC, Mentsulfuron Methyl, Glyphosate) đã được sử dụng có khả năng diệt được cây mai dương, làm rụng lá, nhưng không có khả năng diệt trừ rễ, nên cây vẫn tái sinh trở lại dễ dàng.

Tại huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, việc diệt trừ loại cây này chưa đạt hiệu quả vì hằng năm trong mùa mưa lũ, sông Thu Bồn, sông Yên lại mang hàng triệu hạt mai dương ở thượng lưu sông tràn vào các cánh đồng lúa, hoa màu, các bờ kênh. Còn tại tỉnh Thừa Thiên-Huế lân cận, cây mai dương đã lan rộng, mới đây, tỉnh đã có chỉ thị xây dựng kế hoạch ngăn chặn sự phát triển và tổ chức diệt trừ cây mai dương cho từng vùng, từng giai đoạn trong thời gian 5 năm (2010-2015), phấn đấu đến năm 2015 cây mai dương cơ bản được diệt trừ trên toàn tỉnh. 

Tại thành phố Đà Nẵng, qua khảo sát dọc tuyến đường ven sông Cẩm Lệ đến Hòa Nhơn, chúng tôi đã thấy cây mai dương mọc dày hai bên bờ sông và xâm lấn mạnh vào các khu dân cư, đặc biệt đã xuất hiện nhiều tại Khu C - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ. Đã có rất nhiều bụi cây mai dương cao quá đầu người với thân cây to hơn ngón chân cái, trổ hoa, kết trái rất nhiều…
 
Theo kinh nghiệm của nhân dân ở các địa phương, để hạn chế sự phát triển của loại cây này phải triệt phá cây mai dương con; chặt sát gốc, đào lấy rễ, phơi khô rồi đốt để diệt hạt và các bộ phận của cây mai dương; việc diệt trừ loại cây này cần tiến hành ở vụ hè thu, đốt sạch trước mùa mưa để tránh hạt phát tán, lây lan phát triển… Qua đây, mong các ngành chức năng, chính quyền các địa phương sớm tổ chức phát động diệt trừ cây mai dương.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

.