.

Người Sakai làm du lịch

.

Trong những ngày cùng đoàn phóng viên các nước Đông Nam Á tham dự Tuần lễ ASEAN 2013 tại thành phố Saikai (Nhật Bản), tôi có nhiều trải nghiệm thú vị về cách làm du lịch của người Sakai.

Nghi thức trà đạo là hoạt động uống trà mang tính nghệ thuật và phong cách, tình cảm riêng của người Nhật Bản.  Ảnh: THU PHƯƠNG
Nghi thức trà đạo là hoạt động uống trà mang tính nghệ thuật và phong cách, tình cảm riêng của người Nhật Bản. Ảnh: THU PHƯƠNG

Thành phố Sakai nằm bên bờ vịnh Osaka là thành phố lớn thứ 14 của Nhật Bản. Cuối thời Trung cổ, Sakai từng là một trong những thành phố giàu nhất của Nhật Bản nhờ phát triển ngoại thương qua đường biển.

Thời kỳ hiện đại, Sakai trở thành thành phố công nghiệp nổi tiếng về sản xuất dao và xe đạp.

Văn hóa là cội nguồn

Năm 2006, thành phố Sakai được Chính phủ Nhật Bản công nhận là đô thị quốc gia. Kể từ năm 2009, khi ông Osami Takeyama nhậm chức Thị trưởng, người cộng sự của ông - Tiến sĩ Kato, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa - Xã hội Nhật Bản - Đông Nam Á, đã khởi xướng ý tưởng đưa Sakai trở thành thành phố du lịch của Nhật Bản trong tương lai. Với người Nhật Bản, đây là hướng đi mới nhằm vượt khỏi nhận thức “cổ điển” của thế giới về một nước Nhật Bản chỉ có nền công nghiệp hiện đại. Để bắt đầu cuộc “trường chinh” của ngành du lịch, Sakai đã chọn “điểm bật” là lợi thế về văn hóa. Cũng bắt đầu từ đây, Tuần lễ ASEAN - Sakai được tổ chức hằng năm để giới thiệu Saikai đến với các nước Đông Nam Á - ASEAN.

Trong cuộc phỏng vấn riêng với báo chí Đà Nẵng ngày 8-11,  ông Osami Takeyama khẳng định rằng, nguồn gốc của Nhật Bản bắt nguồn từ Sakai và Sakai chính là chiếc nôi văn hóa của Nhật Bản. Từ cách chọn văn hóa làm điểm xuất phát cho ngành du lịch của thành phố Sakai, tôi nhớ đến thuật ngữ “Wakon Yousai” vào thời kỳ cải cách của Minh Trị Thiên Hoàng, có nghĩa là “tinh thần Nhật Bản, tài năng phương Tây”. Nền tảng tinh hoa của văn hóa Nhật đã đón nhận khoa học tiên tiến phương Tây tạo sự thành công rực rỡ về phát triển kinh tế - xã hội Nhật Bản vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Hiện đại mà truyền thống

Cơ sở hạ tầng giao thông và tiện nghi sinh hoạt của người Sakai có thể nhận định ở đẳng cấp rất hiện đại, nhưng bên trong những ngôi nhà, công sở, nhà hàng và khách sạn vẫn nguyên vẹn văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Người Nhật bước vào xã hội hiện đại với tinh thần truyền thống.

Trên những hành trình đưa đoàn phóng viên các nước Đông Nam Á đến khám phá Sakai, Tiến sĩ Kato đã không nói nhiều về Sakai. Ông chỉ giới thiệu rất ngắn gọn về các điểm đến và không có một tài liệu nào phát cho báo chí. Những người đón tiếp tại các điểm đến luôn khuyến khích chúng tôi đặt câu hỏi để họ trả lời. Đây không phải là cách làm du lịch chuyên nghiệp mà các phóng viên chúng tôi được biết lâu nay. Nhưng rõ ràng người Sakai muốn làm hài lòng nhu cầu của khách chứ không áp đặt khách những thông tin mà họ không muốn nghe. Lượng khách đến Sakai chỉ được thống kê qua lưu trú tại khách sạn năm 2012 là 40.000 người.

Quả thật, Sakai chỉ mới khởi động với du lịch nhưng cách làm đầy ấn tượng. Mỗi điểm dừng đều cuốn hút tất cả phóng viên báo chí một thời lượng khá dài để tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của Sakai. Từ văn hóa kịch Noh đến trà đạo hay ý thức sống khỏe và có ích của người già Nhật Bản, ý thức gìn giữ nghệ thuật đánh trống Nhật Bản, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống... đều được người Sakai  trân trọng và gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Ngay trong buổi gặp gỡ báo chí, Thị trưởng Sakai cũng chỉ có đôi lời phát biểu chào mừng ngắn gọn chưa đầy 3 phút nhưng rất ấn tượng. Ông không giới thiệu Sakai là điểm đến có cảng biển, gần sân bay quốc tế, hạ tầng giao thông hiện đại, hay có những tòa nhà cao tầng..., bởi tất cả những ai đến Sakai đều có thể dễ dàng nhận ra điều này. Điều mà ông nhắn gửi là các nhà báo hãy viết nhiều hơn nữa, kỹ hơn nữa về Sakai, không chỉ là những bài báo phản ánh mà là những bài nghiên cứu để các nước ASEAN hiểu rõ hơn về văn hóa đặc sắc, về cuộc sống của thành phố Sakai. Thị trưởng Osami Takeyama vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 vào tháng 9-2013, với quyết tâm đưa Sakai trở thành điểm đến du lịch của du khách quốc tế vì tiềm năng độc đáo và đáng tự hào: Saikai là cội nguồn của nền văn hóa Nhật Bản.

Kể từ tháng 7-2013, Chính phủ Nhật Bản cho phép công dân Thái Lan vào Nhật không cần visa trong vòng 15 ngày. Như vậy, đến nay Nhật Bản đã thông hành chào đón du khách các nước ASEAN gồm: Singapore, Thái Lan, Malaysia. Chắc chắn thời gian đến, cánh cửa Nhật Bản cũng sẽ rộng mở đối với công dân các nước khác ở khu vực Đông Nam Á. Sakai kỳ vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn đón đầu chính sách mở cửa này. Thành phố này đang khởi động ngành du lịch - được cho là xu thế phát triển kinh tế hiện đại trong thời kỳ hội nhập - với những bước đi rất thận trọng, để vừa góp phần làm đẹp thêm văn hóa truyền thống lâu đời vừa bảo vệ môi trường sinh thái.

Ở chừng mực nào đó, có thể nhận định Việt Nam khởi động làm du lịch sớm hơn Nhật Bản vì có nhiều lợi thế và tiềm năng. Nhưng việc nghiên cứu và xử lý các giải pháp truyền thống của Sakai - Nhật Bản để làm du lịch hiện nay là những bài học quý giá đối với chúng ta trong quá trình phát triển kinh tế du lịch. Sự bền vững phải được bắt đầu từ nền tảng văn hóa truyền thống và để đi tới được tương lai tươi sáng, người ta lại phải trước hết, hướng về học hỏi và làm đẹp thêm quá khứ.

THU PHƯƠNG
 

;
.
.
.
.
.