.

Một đời gánh nước thuê

.

Ông không phải là người nổi tiếng nhưng người Hội An ai cũng biết, ai cũng thấy gần gũi. Bí thư Thành ủy thành phố Hội An Nguyễn Sự lo nếu một ngày ông mất đi, phố Hội sẽ mất đi một hình ảnh thân quen, nhiều người thương nhớ.

Hình ảnh ông Đường gánh nước trở nên quen thuộc với người phố Hội.                               Ảnh: N.T.BÌNH
Hình ảnh ông Đường gánh nước trở nên quen thuộc với người phố Hội. Ảnh: N.T.BÌNH

Ông là Nguyễn Đường (83 tuổi), người gánh nước thuê cuối cùng ở phố Hội để nuôi người con trai duy nhất bị thần kinh.

Người chọn nghề

Khoảng 20 giờ, tôi tìm đến ngõ Bá Lễ trên đường Trần Hưng Đạo (phường Minh An). Khi tôi đến, ông Đường nằm dưới đất cùng vợ và con trai chừng ngoài 50 tuổi. Ở góc nhà, chiếc quạt điện bật số to nhất. Chiếc ti-vi hiệu JVC cũ mèm trên nóc tủ cũng đang mở volume cỡ lớn.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, vợ ông Đường, nhổm dậy, vỗ vào người anh con trai “có khách, có khách”. Anh Quốc lồm cồm bò dậy, lơ ngơ nhìn tôi. Bà Mỹ móm mém hàm răng: “Con trai tui đấy, tên là Nguyễn Văn Quốc. Nó đã ngoài 50 tuổi nhưng bị bệnh từ nhỏ, giờ bị thần kinh, lúc nhớ lúc quên”.

Dưới ánh đèn tù mù, câu chuyện đời của người gánh nước thuê cuối cùng phố Hội được kể lại.

Ông Đường, bà Mỹ gốc là người Hội An. Trước năm 1975, gia đình ông làm chài lưới bên dòng sông Thu Bồn. Nhưng cuộc sống khó khăn, ngày tháng lênh đênh trên sông nước, gia đình phải tản cư vào Nam. Được vài năm thì ông Đường lấy vợ, sinh con. Ông vẫn nhớ rất rõ lấy nhau được chừng một năm, bà Mỹ sinh con trai đầu lòng. Ông bà ai nấy đều mãn nguyện. Nhưng không muốn sống cảnh xa quê, ông cùng vợ con quay về Hội An.

“Tui có ý định nối lại nghề chài lưới ngày xưa. Nhưng nghèo quá, hai vợ chồng không có đồng xu dính túi. Nhà ba miệng ăn cứ lo nơm nớp từng ngày. Lúc đó lấy tiền đâu để mua sắm lưới, sắm ghe”, ông Đường kể.

Trở về Hội An, hằng ngày, bà Mỹ gánh nước ở giếng cổ Bá Lễ, còn ông Đường làm nghề bốc vác tại bến thuyền ven sông Hoài. Được một thời gian, thấy công việc bốc vác quá nặng nhọc, thu nhập bấp bênh, ông Đường quyết định chọn nghề gánh nước thuê cùng vợ.

“Hồi đó, ở Hội An nhiều người đi gánh nước thuê cho các gia đình khá giả lắm. Khi đó còn có cả hội, cả nhóm gánh nước thuê. Đông vui lắm. Tụi tui dậy từ tờ mờ sáng, đến giếng Bá Lễ kéo đầy hai thùng nước, rồi cứ theo địa chỉ khách hàng đã dặn mà đến”, ông Đường nhớ lại.

Rồi ông Đường kể: “Hồi trước, vợ chồng tui đi gánh nước, mỗi gánh chỉ được 2 hào thôi. Nhưng mỗi ngày vợ chồng tui gánh được 30-40 gánh cho các gia đình, vất vả nhưng nhờ thế có đồng ra đồng vào nuôi con”.

Người dậy sớm nhất phố Hội

4 giờ 30g, cả khu phố cổ Hội An vẫn chưa có ai mở cửa, không gian tĩnh lặng. Nhưng ông Đường đã dậy, kéo hai chiếc thùng nhôm đặt gọn dưới gậm giường mang ra cửa. Giếng Bá Lễ có hình gần vuông, một cạnh áp sát với tường của một gia đình trong ngõ. Từ cả trăm nay nay, người dân Hội An coi chiếc giếng như một báu vật, giúp cung cấp nước sạch cho cư dân phố cổ.

Đưa tôi đến bên giếng Bá Lễ, ông Đường thả gàu múc nước lên. Ông bảo tôi có thể uống ngay “vì mát và không đau bụng đâu”. Nói rồi, ông Đường cười móm mém: “Gia đình tui sống được là nhờ giếng Bá Lễ này. Nước giếng cổ luôn trong vắt, ngon như nước mưa nên ai ở phố cổ cũng ưa dùng. Bây giờ, tui chỉ còn nhận gánh cho một số gia đình mà tui đã gánh gắn bó mấy chục năm nay, hoặc những tiệm nấu cao lầu, mì Quảng… Cứ cách hai ngày tui lại gánh nước đến cho họ một lần, không ai phải gọi điện nhắc”.

Ông nhớ lịch, cứ thế gánh, bất kể ngày mưa hay giông gió. “Đó là cũng một cách giữ uy tín với người ta”, ông Đường tự hào về công việc của mình.

Hôm qua “đến cữ” có 5 gia đình cần nước giếng Bá Lễ của ông. Hôm nay chỉ có một người. Ông Đường thở dài: “Giờ ngày càng ít người thuê tui gánh nước, mà sức khỏe tui cũng yếu nhiều so với trước”.

Mấy năm trước, bà Mỹ vợ ông còn khỏe vẫn đi gánh cùng ông. Hai vợ chồng nai lưng gánh nước mới đủ tiền nuôi con. Nay bà Mỹ tuổi già, lưng còng gập, lại bị bệnh viêm khớp nên chỉ ở nhà cơm nước nấu nướng cho chồng. Anh Quốc thì khỏe, vẫn phụ giúp ông Đường gánh nước nhưng bữa được bữa không. Bị bệnh thần kinh, nên lúc nhớ lúc quên, nhiều lúc ông Đường phải đi theo “kẻo Quốc quên lấy tiền”.

Hôm nay, ông Đường gánh nước cho gia đình bà Thiện ở gần chợ Hội An. Mỗi gánh nước ông được trả 10.000 đồng. Anh Tùng, lái xe ôm gần chợ Hội An, bảo bây giờ cũng có vài người đánh xe chở hàng chục can bán nước giếng Bá Lễ, nhưng nhiều người vẫn chỉ tin tưởng đặt ông Đường gánh nước vì ông thật thà lắm, ông chưa bao giờ biết ăn gian nói dối. Thậm chí, dù đường xa mấy, dù người lạ người quen, ông cũng không “đánh tráo” nước máy thành nước giếng Bá Lễ.

Tất cả vì con

Lên 3 tuổi, cậu bé Quốc bị thần kinh sau một trận ốm nặng. Từ một đứa trẻ khôi ngô, lanh lợi, Quốc trở nên lờ đờ. Ông Đường và bà Mỹ làm việc ngày đêm để có tiền chữa trị cho con. Nhưng bệnh viện lắc đầu không chữa trị nổi, bệnh con càng nặng, đôi vai gánh nước của ông bà càng oằn lên gánh thêm những lo lắng.

Cả đời gánh nước thuê, ông Đường không nhớ nổi mình đã gánh bao nhiêu gánh nước cho bao nhiêu gia đình. Tôi sờ lên vai ông, bả vai u sần. Ông cười: “Lâu rồi tui không còn cảm giác ê vai là như thế nào nữa”.

Gánh nước vất vả là vậy nhưng gặp ai ông Đường cũng cười. Bà Mỹ cũng vậy, dù ở tuổi 80, lưng còng gập nhưng nét mặt bà vẫn rạng rỡ. Trong nhà, ông bà treo nhiều tấm ảnh do khách du lịch và các nhiếp ảnh gia gửi tặng. Nhưng trong lòng ông Đường, bà Mỹ luôn canh cánh một lỗi lo, lo cho anh con trai đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn lơ ngơ giữa cuộc đời.

Bà Mỹ giấu giọt nước mắt trên khóe mắt nhăn nheo: “Lúc vợ chồng tui nằm xuống, Quốc sẽ sống với ai, biết lấy ai nương tựa?”. Nói rồi bà Mỹ ngả người vào con trai. Anh Quốc từ nãy vẫn ngồi nép vào mẹ, ánh mắt đờ đẫn.

Rồi ông Đường kể, trước đây, Quốc mê một cô gái gánh hàng rong, nhưng cô gái mất vì bạo bệnh. Từ đó Quốc cứ thẫn thờ, mỗi khi ai đó nói chuyện lấy vợ là ghét lắm.

Tôi cứ đau đáu mãi câu hỏi ấy của ông Đường. Ông bà lo khi mình mất đi, không ai nuôi đứa con duy nhất đã có tuổi mà còn chưa nên người. Khi ấy, Hội An cũng sẽ không còn bóng dáng người gánh nước thuê cuối cùng đi về mỗi sớm tinh mơ. Chắc hẳn khi ấy rất nhiều người trở lại Hội An sẽ thấy hụt hẫng, chạnh buồn. Và tôi lại nhớ dáng ông lầm lụi đi về khi bình minh vừa rạng.

NGUYỄN THANH BÌNH

;
.
.
.
.
.