Từ Tòa thị chính đến Bảo tàng Đà Nẵng mới

.

Cơ sở 42 Bạch Đằng là một địa chỉ lịch sử của thành phố Đà Nẵng. Nơi đây từng là Tòa thị chính Đà Nẵng thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, sau này là trụ sở HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc tòa nhà này vào ngày 26-8-1945 khi toàn bộ chính quyền về tay nhân dân. Hơn 120 năm qua, công trình này đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử lẫn quá trình thay da đổi thịt của thành phố bên sông Hàn. Giờ đây, từ sự đầu tư của thành phố, tòa nhà mang tính biểu tượng này tiếp tục bước sang một trang mới với sứ mệnh trở thành nơi lưu giữ ký ức của thành phố.

Tòa thị chính cũ được thành phố cải tạo, nâng cấp thành Bảo tàng Đà Nẵng mới. Ảnh: X.D
Tòa thị chính cũ được thành phố cải tạo, nâng cấp thành Bảo tàng Đà Nẵng mới. Ảnh: X.D

Chứng nhân lịch sử

Theo nhiều tài liệu ghi lại, Tòa thị chính Đà Nẵng được chính quyền thực dân Pháp xây năm 1898 và hoàn thành vào năm 1900. Công trình này do người Pháp thiết kế, thi công theo phong cách tân cổ điển với hình thức đối xứng đơn giản.

Theo Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, đô thị nằm bên sông Hàn này được người Pháp đặt tên là Tourane và quy hoạch theo chức năng và mô hình của phương Tây. Lúc đó, đường Quai Courbet (nay là đường Bạch Đằng) được hình thành đầu tiên với sự hiện diện của hàng loạt công trình công quyền như: Tòa thị chính, Tòa án, Nhà dây thép, Sở Quan thuế và công quản Trung Kỳ, Phòng thương mại Đà Nẵng... Trong đó, Tòa thị chính với mặt tiền hướng ra sông Hàn là công trình có vai trò quan trọng bậc nhất về thể chế chính trị lúc bấy giờ. Đây là nơi làm việc của Đốc lý thành phố và từng là biểu tượng quyền lực của chính quyền “nhượng địa - Tourane”.

Không chỉ mang tính biểu tượng, Tòa thị chính còn là nhân chứng cho những thời lịch sử hào hùng của quân và dân Đà Nẵng. Theo tài liệu lưu tại Bảo tàng Đà Nẵng, vào tháng 2-1937, hàng nghìn người dân Đà Nẵng kéo về Tòa thị chính, gặp Godart - phái viên của Chính phủ Pháp để đưa yêu sách đòi quyền dân sinh, dân chủ. Cũng chính ở nơi đây, vào mùa thu lịch sử năm 1945, nhân dân Đà Nẵng vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Sáng 26-8-1945, tại Tòa thị chính, đồng chí Lê Văn Hiến, nhân danh Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời thành phố đã tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn của Nhật do Nguyễn Khoa Phong làm Thị trưởng. Đây là dấu mốc khẳng định mảnh đất “nhượng địa - Tourane” trở về với Tổ quốc Việt Nam độc lập. Khi quân Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ hai, Trung đoàn 96 đã ngoan cường đánh trả địch tại đây. Còn trong kháng chiến chống Mỹ, vào trưa 29-3-1975, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam  tung bay trên nóc Tòa thị chính, đánh dấu thắng lợi của quân dân Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng ngày, lúc 18 giờ 30, các đồng chí Võ Chí Công, Hồ Nghinh và các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Quảng Đà vào tiếp quản cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn.

Trong giai đoạn xây dựng và phát triển, công trình này tiếp tục được sử dụng làm trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1994, tòa nhà được tu sửa, nâng cấp nhưng vẫn giữ nguyên những giá trị thẩm mỹ của kiến trúc Pháp vốn có. Thời điểm chia tách địa giới hành chính năm 1997, tòa nhà vẫn được chọn là trụ sở của UBND thành phố Đà Nẵng. Đến tháng 6-2014, bộ máy chính quyền chuyển vào Trung tâm Hành chính thành phố, tòa nhà trở thành trụ sở của HĐND thành phố. Như vậy, dù trải qua bao biến thiên lịch sử, địa chỉ này đều được chọn là trụ sở của bộ máy chính quyền. Điều này khẳng định tầm vóc, giá trị đặc biệt của một công trình mang tính biểu tượng đối với người dân thành phố. Năm 1992, Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đưa Tòa thị chính vào danh sách di tích được đăng ký bảo vệ.

Viết tiếp trang sử mới

Cuối năm 2016, Sở Văn hóa - Thể thao thành phố đề xuất chuyển Bảo tàng Đà Nẵng (bên trong Thành Điện Hải) về trụ sở số 42 Bạch Đằng sau khi HĐND thành phố dời đi nơi khác và được Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý. Giữa năm 2020, UBND thành phố phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng với kinh phí gần 505 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, bảo tàng tại vị trí mới kết nối với quảng trường chung quanh Thành Điện Hải, Thư viện Khoa học Tổng hợp và cảnh quan bờ tây sông Hàn, tạo thành quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo. Sau khi hoàn thành công trình, Bảo tàng Đà Nẵng cũng mở rộng quy mô trưng bày, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất là nơi sưu tầm, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của thành phố và khu vực miền Trung - Tây nguyên. Từ đó, góp phần giáo dục và phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu, hưởng thụ văn hóa của đông đảo người dân cũng như du khách.

Theo NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, trong những năm trở lại đây, lãnh đạo thành phố dành sự quan tâm, đầu tư rất lớn cho văn hóa, minh chứng là việc đầu tư hơn 500 tỷ đồng để cải tạo cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng mới. Việc đầu tư, nâng cấp cơ sở này thành bảo tàng rất phù hợp, bởi bản thân tòa nhà này là một hiện vật lịch sử có giá trị của Đà Nẵng.

Đến nay, phong cách kiến trúc của công trình này vẫn chưa hề lạc hậu. Vì thế, việc chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về vị trí này không ảnh hưởng gì đến hoạt động mà còn có cơ hội phát huy vai trò giới thiệu những hiện vật, tư liệu lịch sử đến với đông đảo công chúng. Mặt khác, việc dời Bảo tàng Đà Nẵng về cơ sở 42 Bạch Đằng cũng là yếu tố quan trọng để thành phố triển khai giai đoạn 2 của dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo Thành Điện Hải. Qua đó, góp phần nâng tầm di tích quốc gia đặc biệt, trở thành điểm nhấn trong không gian văn hóa, lịch sử của thành phố.

Tòa thị chính cũ. (Ảnh tư liệu)
Tòa thị chính cũ. (Ảnh tư liệu)

Sau hơn 3 năm thực hiện, hình hài của Bảo tàng Đà Nẵng mới đang dần lộ rõ với lối kiến trúc cổ kính xen lẫn hiện đại, thể hiện sự chuyển giao giữa cái cũ và cái mới. Trong đó, phía mặt tiền đường Bạch Đằng với điểm nhấn kiến trúc của khối nhà 42 và 44 Bạch Đằng đã và đang trở thành một điểm check-in yêu thích của người dân, du khách từ nhiều tháng nay.

Ông Phan Thanh Tùng, Giám đốc điều hành dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo thành phố, các hạng mục chính của công trình đã cơ bản được hoàn thành. Hiện nay, đơn vị thi công đã hoàn thành khoảng 96% tiến độ công việc của phần xây lắp, chỉ còn chờ phần nội thất trưng bày để sơn lần cuối, đáp ứng yêu cầu về mỹ thuật.

Ngày 24-8, thành phố đã tổ chức mở thầu hạng mục xây lắp, dự kiến đến giữa tháng 9-2023 sẽ có kết quả. Khi đơn vị trúng thầu triển khai phần nội thất trưng bày, đơn vị sẽ đồng thời tiến hành chỉnh trang thẩm mỹ tòa nhà theo hình thức cuốn chiếu để kịp tiến độ khánh thành Bảo tàng Đà Nẵng, góp phần nâng tầm trải nghiệm tham quan, tìm hiểu lịch sử của người dân và du khách.

KHÔI NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.