Di tích Lịch sử, văn hóa Hòa Vang: Đình Dương Lâm - Vẻ đẹp kiến trúc nhà tứ trụ của đình làng Nam Bộ

.

Nằm ở thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, đình Dương Lâm cách chợ Túy Loan về hướng đông hơn 1km, cách đường ĐT604 về hướng bắc khoảng 800m. Đình Dương Lâm tọa lạc trên một gò cao có diện tích 0,25ha, chung quanh cư dân đông đúc. Đình kiến trúc theo một kiểu duy nhất trong tất cả đình làng ở Đà Nẵng, đó là không trổ cửa theo mái trước tam gian như thông thường mà trổ cửa cùng hướng dọc theo đòn đông, bít đốc quay ra đằng trước, hai chái trở thành hai mái chính sau và trước của ngôi đình.

Đình Dương Lâm có kiểu kiến trúc giống kiểu nhà tứ trụ của đình làng Nam Bộ. Ảnh: G.H
Đình Dương Lâm có kiểu kiến trúc giống kiểu nhà tứ trụ của đình làng Nam Bộ. Ảnh: G.H

Làng Dương Lâm hình thành cách đây hơn  500 năm, vào khoảng cuối thế kỷ XIV thời Trần - Lê. Thủy thời là các vị tiền nhân của tộc Thi và tộc Phạm đến định cư, khai phá hoang sơ tạo nên điền thổ canh tác, dân làng tôn hai vị này là “lưỡng tộc đồng tiền hiền”. Trước tháng 8-1945, làng có tên là Dương Lam, thuộc xã Dương Sơn, đến triều Bảo Đại (1925-1945) mới đổi tên thành Dương Lâm. Sau năm 1975, làng tách ra 1/3 làng thành thôn Dương Lâm 1 và phần còn lại sáp nhập với làng Cư Nhơn cũ thành thôn Dương Lâm 2.

Song song với việc lập làng xã, nhân dân làng Dương Lâm lần lượt xây dựng các đình, chùa, dinh, miếu… thờ tiền hiền, thờ thần Thành Hoàng bổn xứ, thờ các thần linh được tôn vinh có công với nước được vua sắc phong. Đình làng Dương Lâm xây dựng từ năm nào không rõ, do chiến tranh mất hết giấy tờ, sắc, bằng, không còn tư liệu tham khảo và nghiên cứu. Nhưng có hai lần sửa chữa có ghi trên xà gồ và thanh trính: “Hoàng triều Tự Đức thập cửu niên, tuế thứ Bính Dần thất nguyệt sơ cát thời bổn xã thôn đồng tu tạo linh tự tùng tiền phụng sự” (Giờ tốt, tháng Bảy, năm Bính Dần triều vua Tự Đức thứ 19 (1866), bổn xã thôn cùng tu tạo ngôi chùa linh thiêng này để phụng sự như trước). Và lần nữa ghi “Duy Tân Canh Tuất niên lục nguyệt thập ngũ nhật cát thời bổn xã thôn đồng tu bổ” (Giờ tốt, ngày 15 tháng 6 năm Canh Tuất, niên hiệu Duy Tân (1910), bổn xã thôn cùng tu bổ). Như vậy, tính từ lần sửa chữa năm Tự Đức - Bính Dần đến nay là 137 năm. Song không rõ đây là lần sửa chữa thứ mấy nhưng theo các cụ bô lão thì đình này có độ tuổi xây dựng hơn 200 năm.

Năm 2007, do các cấu kiện gỗ của đình bị mục ruỗng, hư nát nên Nhà nước đầu tư kinh phí dựng lại theo đúng mô hình của ngôi đình cũ. Từ năm 2010 đến 2011, đình tiếp tục được tôn tạo các công trình ngoại vi tạo thành một không gian kiến trúc - văn hóa đẹp, uy nghiêm. Đình Dương Lâm được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố theo Quyết định số 9859/2005/QĐ-UBND ngày 23-12-2005 của UBND thành phố.

So với các đình khác trên địa bàn huyện, đình Dương Lâm không có sự chênh lệch rõ rệt về kích thước giữa các chiều ngang, dọc mà mặt bằng gần như là một hình vuông, mỗi bề khoảng 9m, không kể phần hiên. Bởi vậy, thoáng nhìn trông giống kiểu kiến trúc nhà tứ trụ rất phổ biến ở đình làng Nam Bộ. Vật liệu xây dựng đình gồm gỗ mít rừng, kiền kiền, sến…, mái lợp ngói âm dương; kiến trúc theo lối một gian hai chái với bốn cột chính cao 3m, đường kính 28cm, vì kèo nóc được liên kết theo kiểu giao nguyên đỡ đòn công. Một trụ trốn (ấp quả) ăn mộng vào thanh trính với hai lá dang ra đỡ hai vì kèo giao nguyên này. Từ cột chính, ba thanh kèo nhì, kèo đấm, kèo quyết ăn mộng vào cột này xòa hình rẻ quạt nối với cột cửa, cột đấm và cột quyết. Các đầu kèo và đầu trính đều có chạm trổ tỉ mỉ, tinh xảo với hình đầu rồng, mây cuộn, hoa lá và chữ Thọ.

Đình Dương Lâm được ghi nhận là công trình kiến trúc hơn 200 năm, nơi đây không chỉ lưu giữ những giá trị vật thể với kiến trúc truyền thống của người Việt như mái đình, các hàng cột, điêu khắc gỗ... mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể với lễ hội của dân làng diễn ra hằng năm. Lễ hội đình làng Dương Lâm là dịp hội tụ cố kết dân làng với nhiều thế hệ, nhiều tộc phái; là cơ hội để người dân xa quê tụ họp về làng, cùng thắp nén hương trầm, tưởng nhớ các bậc tiền nhân của quê hương đất nước.

GIA HUY

;
;
.
.
.
.
.