Những "chiến binh" ở thành Điện Hải

.

Năm 2023, tròn 165 năm liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Trong trận chiến này, những khẩu thần công ở thành Điện Hải, cùng hệ thống phòng thủ cửa biển đóng vai trò quan trọng làm nên thắng lợi của quân và dân Đà Nẵng, buộc thực dân Pháp phải chuyển hướng tấn công, rút vào vùng Gia Định.

Cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu về súng thần công. Ảnh: T.D
Cán bộ Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu về súng thần công. Ảnh: T.D

Theo tài liệu được lưu tại Bảo tàng Đà Nẵng, trước nguy cơ ngoại xâm từ phương Tây, triều đình nhà Nguyễn đặc biệt quan tâm việc xây dựng hệ thống phòng thủ bằng cách tăng cường vũ khí và các bốt ven biển. Tại Đà Nẵng, năm 1813 vua Gia Long thứ 12 cho xây dựng hai pháo đài, gồm: đài Điện Hải và An Hải (nay ở An Đồn, quận Sơn Trà). Khi ấy thành Điện Hải còn gọi là đài, đắp bằng đất và ở vị trí gần cửa sông Hàn. Đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823) thì dời đến vị trí hiện nay; năm Minh Mạng thứ 15 (1834) được đổi là thành và xây kiên cố bằng gạch.

Đến năm 1847, thành được mở rộng với chiều cao hơn 5m, chu vi 556m, được bao quanh bởi các hào sâu 3m. Trong thời kỳ vương triều Nguyễn độc lập, cửa biển Đà Nẵng được xác định là cửa biển ngoại giao, ngoại thương duy nhất của đất nước. Vì vậy, triều đình đã lập rất nhiều pháo đài, đồn bảo, cửa tấn dọc bờ biển và thành Điện Hải là một trong số đó. Lúc này, thành Điện Hải được xem như tiền đồn, cửa ngõ, công sự vững chắc để kiểm soát toàn bộ khu vực biển Đà Nẵng.

Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, để tăng cường khả năng quân sự, thành Điện Hải được triều đình xây dựng 30 pháo đài bằng gạch kiên cố, có 30 ụ đại bác cỡ lớn, kho thuốc đạn và bố trí một lực lượng quân trú phòng tinh nhuệ. Thành Điện Hải được bố trí 30 súng thần công cỡ lớn nhưng tổng số súng các hạng thì có đến 107 khẩu. Tất cả những khẩu đại bác này đều quay mặt ra phía biển, sẵn sàng nghênh chiến với tàu nước ngoài đột nhập. Ngày nay, tại thành Điện Hải vẫn còn 13 khẩu súng thần công được trưng bày trong khuôn viên và không gian trưng bày của Bảo tàng Đà Nẵng. Trong đó, 2 khẩu mới đưa về từ các đồn ven sông, ven biển, còn 11 khẩu sót lại trong số 30 khẩu triều đình cấp cho thành Điện Hải, được tìm thấy trong và xung quanh khu vực thành. “Đây là những khẩu súng chiến, trực tiếp tham gia vào buổi đầu chống Pháp. Vì vậy, có thể nói những khẩu thần công ở thành Điện Hải là chứng nhân đặc biệt cho một thời kỳ lịch sử bi hùng của quân và dân Đà Nẵng”, ông Thiện chia sẻ.

Khi được tìm thấy dưới lòng đất, hầu hết các khẩu thần công ở thành Điện Hải đã bị gỉ sét, gãy phần tai hai bên và trục quay nhưng thân súng hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Các khẩu đều nặng trên 1 tấn, thân súng được đúc bằng sắt, gang hoặc đồng.

Theo Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng, những khẩu thần công ở thành Điện Hải là những hiện vật có ý nghĩa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sự kiện nhân dân Đà Nẵng kháng Pháp năm 1858; là những di vật gắn liền với Di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải. Đây là vũ khí quan trọng nhất thể hiện sức mạnh của quân đội nhà Nguyễn thời đó. Nó đã phát huy vai trò của mình là súng chiến, súng lệnh, “tướng đâu thì súng đó”.

“Những khẩu thần công ở thành Điện Hải trên mình còn chằng chịt các vết thương đã thành sẹo. Dáng vẻ bề ngoài không còn giữ được sắc thái, phong độ như những khẩu thần công đang trưng bày ở một số tỉnh, thành phố khác. Bởi lẽ, đây là những chiến binh đã từng trải qua trận mạc, có đóng góp không nhỏ trong việc chặn đứng cuộc tấn công của liên quân Pháp - Tây Ban Nha”, ông Tiếng nói.

Dưới sự chỉ đạo tài tình của danh tướng Nguyễn Tri Phương và sự yểm trợ của các khẩu súng thần công, trong hơn 18 tháng (từ ngày 1-9-1858 đến 23-3-1860), quân và dân Đà Nẵng đã đẩy lui hàng chục đợt tấn công của liên quân Pháp - Tây Ban Nha, buộc chúng phải lùi về cố thủ nhiều tháng ở bán đảo Sơn Trà, sau đó phải chuyển hướng tấn công ra Huế và mặt trận Gia Định. Tròn 165 năm trôi qua, những vết thương trên các khẩu súng thần công ở thành Điện Hải một lần nữa nhắc nhớ về quá khứ hào hùng nhưng cũng đầy đau thương với biết bao anh hùng, nghĩa sĩ, đồng bào yêu nước ngã xuống để bảo vệ quê hương. Họ đã đánh giặc không chỉ bằng chiến lũy, hầm chông, súng hỏa mai mà bằng cả những khẩu đại bác ra đời từ ý thức yêu nước sâu sắc và tinh thần chống giặc ngoại xâm ngoan cường.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, trong quyết định phê duyệt dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải giai đoạn 2, thành phố sẽ xây dựng 1 nhà để súng, đưa tất cả súng thần công vào để bảo quản, trưng bày, giới thiệu hệ thống vũ khí gắn liền với thời đại quân và dân Đà Nẵng chiến đấu chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Định hướng trong tương lai, sau khi hoàn thành tu bổ, phục hồi, tôn tạo thành Điện Hải giai đoạn 2, ngành văn hóa sẽ có công văn trình UBND thành phố xin chủ trương đưa những khẩu thần công đang trưng bày tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn về thành Điện Hải. Ngoài ra, ngành cũng đang tiếp tục củng cố hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ công nhận những khẩu thần công ở thành Điện Hải là bảo vật quốc gia.

THIÊN DUYÊN

;
;
.
.
.
.
.