Văn hóa - Giải trí

Truyền thông dân số cho học sinh

09:06, 30/11/2020 (GMT+7)

Để truyền đi thông điệp, kiến thức cơ bản về dân số - kế hoạch hóa gia đình một cách dễ hiểu, dễ nhớ nhất, thời gian qua, thầy cô và các em học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đã xây dựng những tác phẩm kịch, tiểu phẩm do chính các học sinh của nhà trường vào vai, tham gia viết kịch, lời thoại.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương đóng kịch tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Ảnh: THANH TÌNH
Học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương đóng kịch tuyên truyền về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Ảnh: THANH TÌNH

Vừa tham gia diễn xong vở kịch với tên gọi “Xóa nạn tảo hôn, đem cái chữ về làng”, Bùi Thị Khánh Huyền (lớp 7/2, Trường THCS Nguyễn Tri Phương) hào hứng: “Em được thầy cô chọn đóng vai một học sinh người đồng bào bị bố mẹ buộc thôi học để lấy chồng. Là một học sinh lớp 7, việc thể hiện các cảm xúc nhân vật với em khá khó, tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ, động viên, hướng dẫn của các thầy cô, em đã hoàn thành vai diễn của mình”.

Trần Thành Nhân (lớp 9/2, Trường THCS Nguyễn Tri Phương) cũng chia sẻ: “Em khá bất ngờ khi được giao vai diễn là người bố cổ hủ, khăng khăng buộc con gái nghỉ học lấy chồng. Dẫu vậy, em cũng cố gắng diễn một cách tự nhiên và thể hiện đúng nội tâm nhân vật nhất. Qua vai diễn, em muốn truyền tải đến mọi người, đặc biệt là người đồng bào vùng miền núi nhận thức đầy đủ hơn hơn về nạn tảo hôn”.

Nội dung của vở kịch “Xóa nạn tảo hôn, đem cái chữ về làng” xoay quanh câu chuyện của một học sinh người đồng bào đang học lớp 9 tại một trường THCS miền núi thuộc huyện Hòa Vang. Em học sinh học giỏi, chăm chỉ nhưng vì gia đình khó khăn nên đang trong độ tuổi đến trường, cha mẹ vẫn buộc em nghỉ ngang để đi lấy chồng. Nhờ sự vào cuộc của các thầy cô giáo, sự động viên, phân tích của các cán bộ dân số và chính quyền địa phương, cha mẹ em đã nhận thức được việc ép con lấy chồng sớm là hành vi tảo hôn, vi phạm Luật Hôn nhân - Gia đình và có thể bị xử phạt tùy trường hợp, mức độ, vì vậy nhân vật chính đã tiếp tục được đến trường, nối dài những ước mơ, hoài bão, dự định tương lai.

Thầy Trần Ngọc Thành, Giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Nguyễn Tri Phương cho biết, Trường THCS Nguyễn Tri Phương có 235 học sinh trên địa bàn theo học. Là trường miền núi đóng chân trên địa bàn xã Hòa Bắc, người dân địa phương chủ yếu làm nông, lâm nghiệp, nhận thức chưa đầy đủ nên theo các thầy cô, việc truyền thông các kiến thức về dân số, kế hoạch hóa gia đình thông qua các vở kịch, tiểu phẩm là cách làm mới, sinh động. Các em không chỉ được tham gia vào viết kịch bản, lời thoại mà còn hiểu hơn về quyền, trách nhiệm của mình thông qua việc đóng vai trong chính các tiểu phẩm đó.

Thầy Lương Mạnh Cư, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương chia sẻ: “Những buổi tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa đã mang lại hiệu quả rõ rệt bằng việc truyền tải đến người xem những thông điệp về kiến thức sinh sản vị thành niên, thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì, kỹ năng sống,… Qua đó, các em thấy được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, biết cách xử lý các vấn đề trong các tình huống thực tế, cách xây dựng quan hệ tình bạn, tình yêu học đường đúng đắn,…”. Ngoài ra, theo thầy Cư, không chỉ tuyên truyền thông qua các hình thức sân khấu hóa, những năm gần đây nhà trường cũng đẩy mạnh việc lồng ghép tuyên truyền công tác dân số, sức khỏe sinh sản, phòng chống xâm hại tình dục… trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa để chung tay ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mang thai, nạo phá thai ở tuổi vị thành niên.

Phó Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội Đồng đội huyện Hòa Vang Nguyễn Lê Giang cho rằng, việc xây dựng các vở kịch, tiểu phẩm như Trường THCS Nguyễn Tri Phương là mô hình mới góp phần giúp việc tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình trở nên sinh động, gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ hơn. “Vị thành niên là lứa tuổi thường dễ nảy sinh các vấn đề tâm lý, sinh lý, mặc dù trong các chương trình chính khóa đã có các môn học dạy về vấn đề này như Giáo dục công dân, Sinh học nhưng các buổi tuyên truyền ngoại khóa vẫn rất cần thiết. Ở đó, học sinh được hướng dẫn, trang bị các kỹ năng cần thiết trong vấn đề sức khỏe sinh sản, xâm hại tình dục. Nhiều học sinh đã trở thành các tuyên truyền viên nhí tuyên truyền lại cho bạn bè hoặc người thân về các cách phòng tránh, tự bảo vệ bản thân”.

THANH TÌNH

.