Văn hóa - Giải trí

DI TÍCH DANH THẮNG HÒA VANG

Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang: Nơi lưu dấu hàng ngàn cán bộ cách mạng

09:10, 24/11/2020 (GMT+7)

Chúng tôi về thăm Khu căn cứ (KCC) Huyện ủy Hòa Vang trong những ngày kỷ niệm thành lập Đảng bộ huyện (20-11), giữa bạt ngàn màu xanh của núi đồi. Nơi đây từng là căn cứ cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có giá trị lịch sử quý giá.

Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng của dân tộc cho các thế hệ trẻ huyện Hòa Vang.  Ảnh: TÂM NHƯ
Khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang là nơi giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng của dân tộc cho các thế hệ trẻ huyện Hòa Vang. Ảnh: TÂM NHƯ

Theo một bài viết của ông Trần Văn Trường, nguyên Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, đăng trên trang thông tin điện tử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (dangbodanang.vn), nhận thấy rõ tầm quan trọng tại vùng núi phía tây và tây bắc của huyện Hòa Vang rất thích hợp cho việc xây dựng các KCC cách mạng, làm nơi đứng chân của các cơ quan đầu não và lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân ta, vào những năm 1947-1949, căn cứ Đồng Xanh - Đồng Nghệ (nay thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) được thành lập và đặt cơ quan lãnh đạo huyện ở đây để tiện việc chỉ đạo, liên hệ giữa cánh tây và tây bắc Hòa Vang.

Năm 1955, Tỉnh ủy Quảng Đà quyết định xây dựng KCC chung của tỉnh, gọi là KCC cánh Tây Hòa Vang (lấy mật danh là B1). Cánh Tây Hòa Vang trở thành cái nôi chung của phong trào cách mạng các huyện phía bắc và tây bắc của tỉnh, là địa bàn đứng chân của các cấp lãnh đạo trong những năm khó khăn, gian khổ nhất. Tên gọi “Hòn đá Đà Nẵng” và “Hòn đá Non Nước” ở KCC xuất hiện từ đó, được coi là biểu tượng thiêng liêng cho lòng yêu nước và sự quật cường.

Cũng theo bài viết nói trên, tháng 2-1960, tam giác Phú Túc - Ô Rây - Tống Cói được chọn làm căn cứ địa kháng chiến của huyện Hòa Vang, là một trong những KCC cách mạng có lịch sử hình thành và tồn tại lâu dài, là trung tâm đầu não, nơi ẩn náu, hoạt động của các lãnh đạo Huyện ủy Hòa Vang như các đồng chí Mai Đăng Chơn, Trần Văn Đán, Trần Văn Hoa, Đào Ngọc Chua... Chính nhờ vùng rừng núi hiểm trở nơi đây đã chở che cho các đồng chí thoát được các cuộc càn quét, lùng sục, bắt bớ trong chiến dịch “tố cộng - diệt cộng” đẫm máu của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Từ tháng 3-1965, đế quốc Mỹ bắt đầu đổ quân ồ ạt vào chiến trường miền Nam, bắt tay ngay vào thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” hòng tiêu diệt cách mạng miền Nam. Cùng với cả nước, Hòa Vang quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang chứng kiến những bước chuyển gấp gáp của lịch sử đấu tranh cách mạng huyện nhà. Nhiều hội nghị, đại hội của các cơ quan Huyện cũng như các đợt học tập, bồi dưỡng về quân sự, chính trị cho cán bộ chiến sĩ diễn ra tại KCC, nhất là trong các năm 1965-1966. Như đợt học tập chủ trương và huấn luyện phương pháp đánh Mỹ của lực lượng vũ trang do Huyện đội tổ chức vào tháng 4-1965, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hòa Vang lần thứ IV (tháng 3-1965) tổ chức tại Trường Đảng huyện với 50 đại biểu, Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ V (tháng 6-1966) với 250 đại biểu, Đại hội còn vinh dự được đón đồng chí Trần Thận, thay mặt Tỉnh ủy về dự và chỉ đạo.

Tháng 10-1967, Đặc Khu ủy Quảng Đà quyết định chia Hòa Vang thành 3 khu (Khu I, Khu II, Khu III) thuộc Đặc khu Quảng Đà. Lúc này, lãnh đạo cùng các cơ quan của Khu I và Khu III rời căn cứ về địa bàn phụ trách dưới đồng bằng. Khu ủy II (Hòa Vang) quyết định lấy Khu căn cứ Phú Túc làm căn cứ địa hoạt động, các đồng chí: Lê Tích, Nguyễn Bá Tùng, Nguyễn Thái, Nguyễn Văn Chi tiếp tục làm việc, hoạt động tại KCC từ những năm 1967-1968 và những năm tiếp theo.

Có thể khẳng định, vùng tam giác núi Phú Túc - Ô Rây - Tống Cói là căn cứ địa kháng chiến của Huyện ủy Hòa Vang trong gần suốt hai thời kỳ kháng chiến. Mặc dù trong quá trình hình thành và tồn tại, ở từng thời điểm, từng giai đoạn lịch sử, vai trò và chức năng có những thay đổi, nhưng nơi đây vẫn chính là căn cứ địa cách mạng quan trọng bậc nhất của huyện. Đây là nơi đã diễn ra biết bao sự kiện lịch sử quan trọng, lưu dấu biết bao bước chân của hàng trăm hàng ngàn cán bộ cách mạng, trong đó có nhiều đồng chí là cán bộ cao cấp của Tỉnh ủy và Khu ủy Khu 5 như Hồ Nghinh, Trần Thận...

Với tầm quan trọng của KCC Huyện ủy Hòa Vang, năm 2003, thành phố khởi công xây dựng Nhà trưng bày KCC cách mạng Huyện ủy Hòa Vang với tổng vốn đầu tư 3,345 tỷ đồng và hoàn thành vào năm 2004. KCC Huyện ủy Hòa Vang được hoàn thiện gồm nhà trưng bày, xây các bậc tam cấp để đi lên bia di tích, Hòn đá Đà Nẵng và Hòn đá Non Nước.

Ngày 7-6-2018, thành phố tổ chức hội thảo khoa học về “Vị trí, vai trò của khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang”. Với gần 10 tham luận của các nhân chứng từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ trên quê hương Hòa Vang và các nhà nghiên cứu, hội thảo đã tập trung 3 nội dung: cung cấp những chi tiết mới về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển khu căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang; phân tích mối quan hệ giữa KCC cách mạng Huyện ủy Hòa Vang với các huyện, xã lân cận với chiến khu Trung Mang và các căn cứ lõm ở đồng bằng; đồng thời đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của KCC cách mạng Huyện ủy Hòa Vang.

Vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án KCC cách mạng Huyện ủy Hòa Vang với tổng mức đầu tư 11,7 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách thành phố do UBND huyện Hòa Vang làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án (năm 2019 -2021). Sau khi hoàn thành, KCC cách mạng Huyện ủy Hòa Vang sẽ là nơi tổ chức các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ, phát huy các giá trị của di tích và nâng cao hiệu quả tuyên truyền, quảng bá đến du khách, giáo dục cho các thế hệ mai sau về truyền thống đấu tranh cách mạng anh dũng của dân tộc.

TÂM NHƯ

.