Đầu tư công trình văn hóa xứng tầm

.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các văn bản triển khai của Thành ủy, UBND thành phố đã xác định mục tiêu xây dựng Đà Nẵng là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao của khu vực và cả nước; tạo lập thương hiệu sự kiện, dịch vụ văn hóa có uy tín trong nước và quốc tế. Do đó, việc đầu tư xây dựng công trình văn hóa xứng tầm vị thế Đà Nẵng được thành phố đặc biệt quan tâm.

Thời gian qua, những công trình văn hóa trọng điểm được thành phố đầu tư thu hút đông đảo người dân và du khách như: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Thành Điện Hải, Di tích Hải Vân quan, Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Công viên APEC... Trong ảnh: Du khách tham quan di tích Hải Vân quan.Ảnh: NGỌC HÀ
Thời gian qua, những công trình văn hóa trọng điểm được thành phố đầu tư thu hút đông đảo người dân và du khách như: Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Thành Điện Hải, Di tích Hải Vân quan, Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Công viên APEC... Trong ảnh: Du khách tham quan di tích Hải Vân quan. Ảnh: NGỌC HÀ

Theo Báo cáo số 98/BC-UBND ngày 4-5-2020 của UBND thành phố về đề xuất đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, giải trí trình Ban cán sự Đảng UBND thành phố, có thể thấy bức tranh thiết chế văn hóa Đà Nẵng đang dần hoàn chỉnh, đa dạng và hiện đại; tập trung ở 3 nhóm công trình, thực hiện thông qua hình thức đầu tư công và kêu gọi đầu tư.

Nhóm 1 gồm các dự án đã có chủ trương thực hiện, đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư hoặc đang đầu tư công trình như: Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 ở Phong Lệ, Trung tâm Văn hóa thành phố, Công viên 29-3, Công viên Thanh Niên, Công viên APEC mở rộng… Nhóm 2 gồm các dự án đã có chủ trương nghiên cứu thực hiện, đang xúc tiến các thủ tục đầu tư như: Bảo tàng Biển tại Đà Nẵng; quy hoạch và triển khai thực hiện đầu tư hệ thống tượng đài, tranh hoành tráng, tượng trang trí; bảo tàng tranh “Trận chiến 1858-1860” tại Đà Nẵng; Trường quay Đà Nẵng…

Nhóm 3 gồm các dự án đề xuất ý tưởng đầu tư hoặc đã tích hợp trong dự thảo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045 như: Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố cơ sở 2, quảng trường khu vực thành Điện Hải, sân khấu biểu diễn trên mặt nước, nhà hát lớn, khu công viên Safari, công viên Đại Dương…

Được biết, tại Thông báo số 663-TB/TU ngày 15-5-2020 của Thành ủy Đà Nẵng, Ban Thường vụ Thành ủy cơ bản thống nhất về đề xuất đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, giải trí xứng tầm với vị thế thành phố. Đồng thời, đề nghị Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng liên quan hoàn chỉnh các nội dung về vấn đề này trình HĐND thành phố cho ý kiến tại kỳ họp giữa năm 2020.

Về điều này, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố phấn khởi cho rằng, đây là tín hiệu vui đối với ngành văn hóa nói riêng và thành phố nói chung khi lĩnh vực văn hóa ngày càng được quan tâm bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng theo ông Huỳnh Văn Hùng, thời gian qua, lãnh đạo thành phố và các ngành, địa phương cùng các doanh nghiệp rất quan tâm đến công tác quy hoạch sử dụng đất, đầu tư xây dựng để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố nhằm thu hút người dân, du khách đến vui chơi, tập luyện, tham quan. Đặc biệt, các công trình, dự án lớn từng bước được đầu tư kể cả bằng nguồn vốn ngân sách và vốn xã hội hóa đã góp phần vào sự phát triển chung của thành phố như: các bảo tàng, thư viện, nhà hát, di tích, danh lam thắng cảnh…; các khu vui chơi giải trí, khu điểm du lịch quy mô như Bà Nà Hills, Công viên Châu Á, khu vui chơi Helio…

Dự án Công viên APEC mở rộng sẽ tạo nên không gian văn hóa công cộng giữa lòng thành phố. Trong ảnh: Một góc Công viên APEC. Ảnh: NGỌC HÀ
Dự án Công viên APEC mở rộng sẽ tạo nên không gian văn hóa công cộng giữa lòng thành phố. Trong ảnh: Một góc Công viên APEC. Ảnh: NGỌC HÀ

Tuy nhiên, việc đầu tư, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, giải trí trên địa bàn thành phố vẫn chưa xứng tầm với vị thế của thành phố theo định hướng chỉ đạo của Trung ương và thành phố. “Tôi cho rằng cần quan tâm bổ sung quy hoạch các công trình, dự án văn hóa trong thời gian đến. Ưu tiên dành quỹ đất của các dự án bị thanh tra, kiểm tra, thu hồi để đầu tư các công trình văn hóa trọng điểm bởi văn hóa phải đặt ở những vị trí trung tâm mới tạo được sức hút”, ông Huỳnh Văn Hùng nói.

Bà Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố cho rằng, việc đề xuất danh mục các thiết chế văn hóa để đầu tư và kêu gọi đầu tư là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi thành phố đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch, chuẩn bị cho kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025. Theo bà Trân, HĐND thành phố đang tổ chức giám sát chuyên đề về công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và sử dụng các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao trong giai đoạn 2015-2020. Báo cáo sẽ đánh giá toàn diện về vấn đề này và đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể tại kỳ họp giữa năm 2020. Đoàn giám sát cũng sẽ có kiến nghị cụ thể về việc đề xuất danh mục công trình văn hóa, giải trí xứng tầm với vị thế của thành phố để HĐND thành phố xem xét, quyết định.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” do Thành ủy tổ chức mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, Thành ủy đã có chủ trương tiếp tục dành nguồn lực thỏa đáng đầu tư cho văn hóa; đầu tư thiết chế văn hóa để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân, làm cơ sở phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội.

NGỌC HÀ
 

;
;
.
.
.
.
.