Nghệ thuật bài chòi vào trường học

.

Thời gian qua, tổ chức dạy hô hát bài chòi cho giáo viên, học sinh trên địa bàn thành phố đang được xem là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật dân gian này.

Một buổi học bài chòi tại Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, quận Ngũ Hành Sơn.
Một buổi học bài chòi tại Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, quận Ngũ Hành Sơn.

Những ngày hè này, tại một số trường THCS trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn như: Huỳnh Bá Chánh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Lợi, Trần Đại Nghĩa… đều đặn 2 ngày/tuần, các học sinh yêu thích loại hình bài chòi tham gia lớp học do các nghệ sĩ thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu thành phố hướng dẫn. Ở lớp học này, các em được truyền đạt kiến thức về lịch sử, nguồn gốc bài chòi; cách thể hiện các làn điệu lý: Xàng xê, Xuân nữ, Nam xuân, Hò Quảng; hò, vè, lía…

Em Hà Bùi Tiểu Nguyệt, lớp 8/1 Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, phường Hòa Hải, chia sẻ: “Em rất yêu thích bài chòi nên khi nhà trường thông báo có lớp học bài chòi miễn phí vào dịp hè, em liền xin ba mẹ tham gia lớp học. Được hát cùng các cô chú nghệ sĩ, trong tiết tấu đều đặn của tiếng gõ nhịp song loan, em thấy thú vị vô cùng, càng thêm yêu nghệ thuật giàu tính truyền thống của xứ Quảng”.

Lớp học không chỉ đơn giản là những buổi truyền thụ kiến thức mà còn kết nối, trao truyền giữa những thế hệ. Nghệ nhân Hoàng Kim Hà, tham gia dạy bài chòi, tâm sự, nhìn các cháu ngân nga câu hát bài chòi, những người nghệ sĩ thuộc thế hệ đi trước như chị cảm thấy ấm lòng. Đây sẽ là thế hệ kế cận nuôi dưỡng niềm đam mê với bài chòi, để hình thức diễn xướng dân gian này sống mãi với thời gian. “Tôi mong muốn có nhiều lớp học như thế này, giúp các em tiếp cận, học hỏi, hiểu sâu sắc thêm loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương”, nghệ nhân Hoàng Kim Hà nói.

Theo ông Nguyễn Lâm, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn, từ mùa hè 2019, quận Ngũ Hành Sơn triển khai các lớp học hô hát bài chòi miễn phí cho học sinh THCS trên địa bàn quận trong thời gian 2 tháng (từ tháng 6 đến tháng 8) với sự tham gia của hơn 150 học sinh có đam mê với nghệ thuật bài chòi.

Tuy nhiên, để bảo đảm hiệu quả và tránh nguy cơ nhầm lẫn về loại hình, nhạt phai bản sắc, chất cổ dân gian của di sản bài chòi mà UNESCO đã công nhận, việc đưa bài chòi vào trường học cần được tổ chức một cách toàn diện, nhất là có sự định hướng, hỗ trợ về chuyên môn để theo đó các trường, địa phương có cơ sở tổ chức, thực hiện.

Trong khi đó, ông Lại Tiến Hương, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Thanh Khê cũng cho biết, năm học vừa qua, quận tổ chức bồi dưỡng dạy hô, hát bài chòi cho giáo viên 20 trường mầm non và tiểu học trên địa bàn (chủ yếu là đội ngũ phụ trách việc tổ chức và truyền dạy bài chòi đến học sinh như giáo viên âm nhạc), lồng ghép giới thiệu hô hát bài chòi trong các tiết học ngoại khóa… Sắp tới, quận tiếp tục trang bị, tập huấn một cách thường xuyên, bài bản cho giáo viên, học sinh bậc THCS, khơi dậy phong trào hô hát bài chòi trong trường học.

Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc tổ chức được những lớp học hô hát bài chòi trong trường học rất đáng quý, nên được duy trì và nhân rộng. Sắp tới, Sở Văn hóa - Thể thao sẽ phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức liên hoan hát dân ca bài chòi cho đối tượng học sinh để tạo nên không khí thi đua, khích lệ các trường đẩy mạnh phong trào bài chòi trong trường học.

Bên cạnh đó, trong năm 2019 này, thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị bài chòi, Sở Văn hóa - Thể thao đặt hàng sáng tác lời mới câu hát, câu thai bài chòi; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các câu lạc bộ bài chòi, tổ chức lớp truyền dạy nghệ thuật hô hát bài chòi.

“Việc tổ chức nhiều lớp tập huấn, truyền dạy kỹ năng hô hát bài chòi cũng như lồng ghép hội chơi bài chòi vào những sự kiện văn hóa, du lịch lớn của thành phố, như Lễ hội Quán Thế Âm, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, chương trình “Điểm hẹn mùa hè”, lễ hội đình làng, lễ hội cầu ngư… đã từng bước đưa bài chòi đến với công chúng, khơi dậy niềm yêu thích, say mê học và hát bài chòi”, bà Hội An cho biết.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.