Ký ức phố phường qua tranh dán giấy

.

Trên chất liệu giấy báo, với một phong cách khá phóng túng và mới lạ, nhà văn, nhà báo, họa sĩ Trần Trung Sáng chuẩn bị để giới thiệu đến công chúng 40 tác phẩm mỹ thuật chủ đề Ký ức phố phường, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2019).

Tác phẩm Mèo và trăng xanh.
Tác phẩm Mèo và trăng xanh.

40 tác phẩm trong triển lãm Ký ức phố phường lần này được tác giả tỉ mẩn chuẩn bị trong thời gian dài, là nơi người thưởng thức quay về những miền ký ức, bằng nghệ thuật. Ký ức ấy có khi là một góc phố nhỏ thân quen, có khi là những hình ảnh giản đơn nhất, mộc mạc nhất hiện diện ở đâu đó của phố phường như: Mèo và trăng xanh, Ngày mới, Em bé bán báo, Pháo hoa, Ký ức Ga chợ Hàn, Ký ức chợ Cồn, Bài thơ về nàng Maja...

Chọn kỹ thuật tranh dán giấy và chất liệu tổng hợp, Trần Trung Sáng đã tận dụng thế mạnh của thể loại này để tuôn chảy mạch nguồn cảm xúc trong tranh. Những dòng chữ mực in trên báo kết hợp với sự tinh xảo trong xé dán và phối màu, quyện hòa cùng tình cảm đằm sâu với quê hương đã tạo nên tác phẩm chân thực, đời thường nhưng cũng đầy tính nghệ thuật của Trần Trung Sáng.

Theo tác giả, nghệ thuật tranh dán (collage) đã xuất hiện từ xa xưa trong các nền nghệ thuật ở phương Đông cũng như phương Tây, góp phần đáng kể tạo nên vẻ đẹp tân kỳ của tranh hiện đại với sự sáng tạo của các danh họa phương Tây hồi đầu thế kỷ 20. Tranh collage tiếp cận với vẻ đẹp bình dị, sử dụng những vật liệu đơn sơ gắn liền với sinh hoạt hằng ngày nên mang đậm hơi thở cuộc sống.

Và không phải đến bây giờ, Trần Trung Sáng mới sử dụng chất liệu báo giấy để làm tranh. 20 năm trước, cuộc Triển lãm lần thứ nhất, tác giả cũng chọn đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6). Lần đó, chủ đề tác giả chọn là “Nhân vật và sự kiện”, thuần ý nghĩa báo chí và sử dụng chất liệu giấy báo cũ để tạo ấn tượng.

“Tình cờ, tranh giấy báo trở thành cái duyên với tôi. Suốt mấy chục năm qua, cứ mỗi lần nhắc đến tranh tôi, mọi người đều nhớ ngay đến tranh giấy báo. Lần này, với chủ đề Ký ức phố phường, tôi có khai thác đề tài đa dạng hơn, chú ý nhiều hơn về kỹ thuật và các kỹ xảo phụ trợ, song ý nghĩa của nó vẫn để khẳng định: Một người làm báo vẽ tranh thì phải có chút gì đó gần gũi với đời sống báo chí”, họa sĩ Trần Trung Sáng chia sẻ.

Nhận xét về các tác phẩm này, nhà nghiên cứu nghệ thuật Trần Phương Kỳ cho rằng, Đà Nẵng gắn bó với nghệ thuật của Sáng từ thời trẻ và có lẽ, cho đến cuối cuộc chơi. Giữa cái suy tàn và phát triển của phố phường, anh chọn một giọng điệu nhẹ nhàng, thể hiện trong một thủ pháp nghệ thuật vừa gợi, vừa tả để diễn đạt những biến động trong tâm thức về chốn yêu thương. Những đường phố, những mái nhà... thực ảo, những chiếc cầu mộng du trên dòng sông ký ức...

Song, với Trần Trung Sáng, Ký ức phố phường chỉ đơn giản là những sẻ chia của một người họa sĩ về cái đẹp; đồng thời là trách nhiệm của một người sáng tác văn học, nghệ thuật cần đánh thức những ký ức bị lãng quên, cũng như gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc đánh mất những di sản vô cùng quý giá trong cơn lốc đô thị hóa...

Trần Trung Sáng sinh ra ở Hội An (Quảng Nam), hiện làm báo, viết văn và vẽ tranh tại Đà Nẵng. Riêng việc vẽ tranh, tác giả chủ yếu là tự học và tự nhận mình may mắn được sống gần, học hỏi mỹ thuật từ các họa sĩ Hồ Đắc Ngọc, Hoàng Đặng... Tranh của Trần Trung Sáng đã có mặt trong một số bộ sưu tập trong và ngoài nước.

Triển lãm Ký ức phố phường diễn ra vào chiều 19-6 tại trụ sở cơ quan Thông tấn xã Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (81 Quang Trung, Đà Nẵng).

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.