Văn hóa - Giải trí

Không gian văn hóa nghệ thuật dân gian đầy hứa hẹn

08:58, 11/05/2019 (GMT+7)

Bắt đầu từ tháng 5-2019, tại khu vực phía nam bờ đông cầu Rồng, “Không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian” do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố tổ chức sẽ phục vụ người dân và du khách các tối trong tuần. Đây hứa hẹn là địa điểm trình diễn nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc của các nghệ sĩ, nghệ nhân thành phố.

Câu lạc bộ Âm nhạc dân tộc với nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng sẽ mang đến cho khán giả những tiết mục đặc sắc.
Câu lạc bộ Âm nhạc dân tộc với nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng sẽ mang đến cho khán giả những tiết mục đặc sắc.

Theo kế hoạch, hằng đêm tại “Không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian”, câu lạc bộ (CLB) Âm nhạc dân tộc, CLB Dân ca, CLB Sáo trúc, CLB Bài chòi Sông Hàn sẽ lần lượt trình diễn những làn điệu dân ca 3 miền Bắc-Trung-Nam, hòa tấu nhạc cụ dân tộc như: sáo, đàn bầu, tiêu, trống..., hô hát bài chòi. Bên cạnh đó, trong không gian này còn có các hoạt động viết thư pháp, bán hàng lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách.

Ngoài mục đích góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch phục vụ người dân và du khách, “Không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian” là nơi để các nghệ sĩ, nghệ nhân truyền tải giá trị âm nhạc truyền thống, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian. NSƯT Hải Yến, Phó Chủ nhiệm CLB Dân ca chia sẻ, từ khi chia tách tỉnh vào năm 1997, chị về công tác tại Đoàn ca kịch Quảng Nam (thuộc tỉnh Quảng Nam) nhưng vẫn tham gia hoạt động nghệ thuật tại thành phố Đà Nẵng cùng một số nghệ sĩ từng chung Đoàn ca kịch Quảng Nam-Đà Nẵng trước đây.

Theo NSƯT Hải Yến, những điệu dân ca xứ Quảng như xuân nữ, xàng xê hay hò ba lý tang tình... đã sống một đời với ruộng đồng, cây cỏ và làm nên con người Quảng Nam-Đà Nẵng ân tình. “Người dân rất thích dân ca xứ Quảng, nhưng để có thể thưởng thức thì phải đợi đến những dịp lễ hội, đình làng. Vì thế, khi được hát phục vụ bà con tại không gian văn hóa cộng đồng này, tôi vô cùng phấn khởi”, NSƯT Hải Yến chia sẻ.

Chung tâm trạng, NSƯT Trịnh Mạnh Hùng cho biết, hơn 40 năm gắn bó với cây sáo, chơi được hơn 10 loại sáo dân tộc; tiếng sáo của ông đã vang lên tại nhiều liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, nhiều chương trình biểu diễn lớn trong và ngoài nước. Và nay, tiếng sáo ấy đã có thể phục vụ người dân và du khách tại khu vực phía nam bờ đông cầu Rồng định kỳ mỗi tuần. Theo NSƯT Trịnh Mạnh Hùng, CLB Âm nhạc dân tộc hình thành dựa trên nền tảng của Ban nhạc Tre Xanh thành lập từ năm 1993.

Hiện CLB Âm nhạc dân tộc với nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân có thể chơi cùng lúc hai loại nhạc cụ dân tộc và một số thành viên trẻ đặc biệt yêu thích loại hình này. “Từ năm 1993 đến nay, chúng tôi biểu diễn nhiều nơi nhưng trình diễn tại không gian công cộng thế này thì khá mới mẻ. Tôi cho rằng dù có hơi muộn nhưng mang âm nhạc dân tộc giới thiệu đến đông đảo người dân và du khách là cách bảo tồn và phát huy hiệu quả. Ngoài biểu diễn, các nghệ sĩ thuộc CLB Âm nhạc dân tộc sẽ hướng dẫn, truyền nghề cho các bạn trẻ, sinh viên, học sinh có niềm đam mê nhạc cụ âm nhạc dân tộc tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố”, NSƯT Trịnh Mạnh Hùng nói thêm.

“Không gian văn hóa nghệ thuật dân gian” còn là cơ hội để các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật dân gian tham gia, học hỏi kinh nghiệm. Dương Công Nhẫn, Chủ nhiệm CLB Sáo trúc cho biết, ra đời được 6 năm, CLB gồm hơn 40 thành viên, độ tuổi khá trẻ, chủ yếu là học sinh, sinh viên có sở thích với nhạc cụ sáo trúc. Biểu diễn ở không gian văn hóa nghệ thuật dân gian, CLB chủ yếu chọn những tác phẩm sôi động, kết hợp với đàn, bộ gõ... tạo nên phong cách trẻ trung. Đây là sân chơi ý nghĩa cho CLB vừa trải nghiệm thực tế vừa học hỏi nhiều từ các nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng.

Ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh thành phố cho biết, khu vực phía nam bờ đông cầu Rồng lâu nay được bố trí cho trình diễn nghệ thuật hô hát bài chòi của CLB Bài chòi Sông Hàn. Nhưng CLB này chỉ biểu diễn vào thứ bảy và chủ nhật, thời gian còn lại trong tuần không có hoạt động nào tại đây. Vì thế, Trung tâm mới có kế hoạch tạo điều kiện cho các CLB khác trực thuộc Trung tâm biểu diễn, vừa tạo ra sản phẩm văn hóa - du lịch phục vụ người dân và du khách, vừa đẩy mạnh hoạt động của các CLB. “Các chương trình cũng được biểu diễn phục vụ cho khách đoàn theo yêu cầu, ngoài ra tại không gian này có bán hàng lưu niệm phục vụ du khách. Nguồn kinh phí thu được sẽ hỗ trợ thêm cho các CLB tham gia biểu diễn”, ông Bảy nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

.