Văn hóa - Giải trí

Hướng đi cho múa rối nước Đà Nẵng?

15:02, 11/05/2019 (GMT+7)

Cuối năm 2015, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh bắt đầu khởi động chương trình múa rối nước phục vụ người dân, đặc biệt là thiếu nhi Đà Nẵng. Tuy nhiên, đến nay, do không có vị trí biểu diễn cố định, múa rối nước chỉ được nhà hát tổ chức vào những dịp lễ hội hay mùa hè theo yêu cầu của các trường học. Đây là điều đáng tiếc bởi múa rối nước là loại hình rất được ưa chuộng và trở thành sản phẩm phục vụ du lịch của nhiều địa phương.

Múa rối nước do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tại đình làng Hải Châu.
Múa rối nước do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tại đình làng Hải Châu.

Tại Lễ hội đình làng Hải Châu năm 2019, chỉ trong 4 ngày, múa rối nước do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn đã thu hút 4.000 học sinh trên toàn quận đến xem. Trò diễn dân gian phổ biến của loại hình múa rối nước, như: Tễu giáo trò, Trâu sáo, Cấy cày, Câu ếch, Cáo bắt vịt, Cụ bơi và úp nơm, Đua thuyền, Lê Lợi, Tứ Linh... khiến học sinh “mắt chữ O, mồm chữ A” thích thú, thậm chí nhiều em nhà gần cứ giục ba mẹ dẫn đi xem nhiều lần sau đó.

Trong lúc chờ suất diễn kế tiếp, nghệ sĩ Kim Oanh (thành viên đội múa rối nước) vừa quệt mồ hôi, vừa cười chia sẻ: “Mệt nhưng rất vui khi các cháu thích thú như thế. Mới đó đã 4 năm rồi, kể từ ngày mình làm quen với kỹ thuật điều khiển những con rối có trọng lượng khá nặng”.

Thật ra, biểu diễn múa rối nước ở Đà Nẵng đã có từ nhiều năm trước. Vào năm 2000, khi xây dựng Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, sân khấu được xây dựng vừa biểu diễn nghệ thuật, vừa biểu diễn rối nước. Nhưng đến năm 2008, lượng nước chứa cho biểu diễn rối nước làm hỏng toàn bộ trang thiết bị nhà hát nên thành phố đã chỉ đạo dừng hoạt động này. Đến năm 2015, Cục Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đầu tư cho nhà hát khôi phục lại múa rối nước ngoài trời, qua việc đào tạo nghệ sĩ và hỗ trợ con rối; chương trình nghiệm thu và bàn giao vào ngày 22-12-2015.

Từ đó đến nay, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã biểu diễn phục vụ người dân, đặc biệt là thiếu nhi Đà Nẵng tại Công viên 29-3, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật (khi ấy còn là Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật); đình làng Hải Châu. Mỗi suất diễn đều thu hút khá đông học sinh các trường trên địa bàn thành phố đến xem.

Lúc đó, NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng khá kỳ vọng múa rối nước sẽ trở thành sản phẩm phục vụ du lịch. Bởi tại nhiều địa phương, múa rối nước đã mang lại nguồn thu không nhỏ, như: Nhà hát Múa rối Thăng Long (Hà Nội), Nhà hát thành phố Hội An (Quảng Nam)... Tuy nhiên, do không có vị trí biểu diễn cố định, múa rối nước chỉ được nhà hát tổ chức vào những dịp lễ hội hay mùa hè theo yêu cầu của các trường học. “Chúng tôi từng có ý định sẽ đặt cố định tại Công viên 29-3 nhưng thiết bị đặt ngoài trời, một phần không ai trông coi, phần vì thời tiết nên rất nhanh xuống cấp, hư hỏng”, ông Tuấn cho hay.

Tại buổi làm việc mới đây giữa Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Bí thư Quận ủy Hải Châu Nguyễn Thanh Quang đã đề xuất Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh xem xét phối hợp với Hải Châu để đầu tư điểm biểu diễn múa rối nước cố định tại đình làng Hải Châu (thuộc phường Hải Châu 1).

Về điều này, NSƯT Trần Ngọc Tuấn cho biết, đình làng Hải Châu là không gian đẹp, cổ kính, lại có hồ nước... khá phù hợp với biểu diễn múa rối nước. Nhà hát ủng hộ việc đầu tư điểm biểu diễn múa rối nước cố định tại đây. Thời gian ban đầu, nhà hát có thể biểu diễn nhưng về lâu dài nhà hát sẽ hỗ trợ địa phương đào tạo nguồn nhân lực biểu diễn rối nước thay thế cho đội ngũ diễn viên của nhà hát.

“Múa rối nước là nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc, nếu chúng ta đầu tư, khai thác tốt thì không chỉ thu hút người dân thành phố mà còn trở thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách”, NSƯT Trần Ngọc Tuấn nói.

Bài và ảnh: HÀ THU

.