Giải mã 'bí ẩn' ở Ngũ Hành Sơn

Bài cuối: Đề xuất Di sản tư liệu thế giới

.

Ma nhai (văn tự khắc lên vách núi đá) Ngũ Hành Sơn là tư liệu quý, lưu giữ nhiều thông tin liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Ngũ Hành Sơn; góp phần cùng những di vật khác đưa danh thắng này trở thành Di sản tư liệu thế giới trong tương lai.

Ngũ Hành Sơn mỗi ngày thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Tuy nhiên, giá trị văn hóa của khu danh thắng này vẫn chưa được du khách biết hết nên cần thiết có những bản giới thiệu kèm theo mỗi di vật, hiện vật.
Ngũ Hành Sơn mỗi ngày thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Tuy nhiên, giá trị văn hóa của khu danh thắng này vẫn chưa được du khách biết hết nên cần thiết có những bản giới thiệu kèm theo mỗi di vật, hiện vật.

Giá trị vượt trội trên bản đồ phân bố ma nhai Việt Nam

Theo Đại đức Thích Không Nhiên, Trưởng nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Liễu Quán (Huế), phần lớn văn bản ma nhai ở Việt Nam được biết đến đều thuộc văn khắc Hán Nôm (một số bằng chữ Quốc ngữ, hoặc tiếng Pháp), có niên đại khắc bản kéo dài từ đời Trần, Lê, Nguyễn cho đến tận hôm nay. Các văn bản ma nhai này có đủ thể loại, từ bi ký, khắc kinh, tán, kệ tụng, thơ văn, câu đối, đề từ, đề danh… tập trung chủ yếu tại quần thể đá vôi với các hệ hang động đa dạng, sơn thủy hữu tình, nhiều nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Tại Bắc Bộ, các địa chỉ lưu dấu văn bản ma nhai nổi tiếng thường được nhắc đến, gồm: Ngọa Miêu Sơn (ở ngã ba sông Kinh Thầy, Đá Bạch, Đá Vách thuộc xã Yên Đức, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) hiện còn lưu dấu 5 văn bản ma nhai Hán Nôm rất quý; Dục Thúy Sơn (Ninh Bình) với 40 bài thơ khắc trên vách núi; núi Sài Sơn (Hà Tây cũ), động Hương Tích (chùa Hương), động Kính Chủ (Hải Dương)…

Tại Bắc Trung Bộ, ngoài động văn bản ma nhai khắc bằng văn tự Chămpa tại động Phong Nha (Quảng Bình) về Phật giáo, hai địa danh còn lưu giữ văn bản ma nhai nổi tiếng là Nghệ An và Thanh Hóa. Riêng từ Nam Trung Bộ trở vào, ngoài hệ ma nhai hiện diện tại quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, nhóm nghiên cứu chưa có thông tin xác nhận đối với các địa phương khác.

Tại Ngũ Hành Sơn, nhóm nghiên cứu đã sưu tầm được hệ thống hơn 90 văn bản ma nhai, các văn bia ma nhai này chủ yếu trên vách 5 hang động trong ngọn Thủy Sơn, gồm: Huyền Không, Tàng Chơn, Vân Thông, Linh Nham, Âm Phủ. Trong đó, động Huyền Không chiếm đến 60 văn bản, động Tàng Chơn có 20 văn bản, động Vân Thông 2, động Linh Nham 3, động Âm Phủ 3 và vị trí khác có 3 văn bản.

Đại đức Thích Không Nhiên cho biết, qua khảo sát, có thể khẳng định Ngũ Hành Sơn hiện có số lượng bia ma nhai lớn nhất nước (khoảng trên 90 văn bản), nếu so với các địa chỉ lưu dấu bia ma nhai nổi tiếng tại các vùng thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nội dung trên các ma nhai cũng phong phú nhất, bao gồm cả bia ký, thơ văn, hát nói, câu đối, đề vịnh, đề từ; có cả chữ Hán, chữ Nôm và Quốc ngữ; quy tập nhiều thế hệ tác giả là các vị cao tăng, vua chúa, đại thần, quan lại, văn nhân có tên tuổi của nhiều thế hệ. Đặc biệt, bia ma nhai Nam Bảo Đài hinh bi được xem là bia ma nhai có kích thước lớn nhất, được chạm khắc tinh xảo nhất so với tất cả bia ma nhai hiện được biết tại các địa chỉ lưu dấu ma nhai trong cả nước.

Từ nội dung ma nhai, có thể khẳng định khoảng nửa sau thế kỷ XV trở đi, Ngũ Hành Sơn đã từng bước định hình là một trong những trung tâm Phật giáo lớn tại Đàng Trong, không chỉ thu hút các vị thiền sư trong nước mà kể cả các vị thiền sư nước ngoài đến đây hành đạo, như: Thạch Liêm Đại Sán, Hưng Liên Quả Hoằng, Đương Cơ Chân Dĩnh... 

Đồng thời, nửa đầu thế kỷ XVII trở đi, Ngũ Hành Sơn đã trở thành một trung tâm hành hương Phật giáo quốc tế, không chỉ thu hút tín đồ trong nước mà kể cả các thương nhân người Nhật, người Hoa đến đây chiêm bái, phụng cúng tiền bạc để kiến thiết cảnh Phật... Danh tánh của các thương nhân ngoại kiều này hiện còn lưu dấu trên bia ma nhai Phổ Đà Sơn linh trung Phật.

“Ma nhai Ngũ Hành Sơn là tư liệu quý, lưu giữ nhiều thông tin liên quan đến lịch sử hình thành, phát triển của một vùng đất - nơi đánh dấu sự “cộng cư” hài hòa, sinh động giữa người Việt di cư và người Chăm tiền trú; phản ánh đời sống tinh thần và các sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống qua các thời kỳ, giúp thấu rõ những tâm tư, tình cảm và những hoài vọng mà các thế hệ tiền nhân nhắn gửi cho hậu thế”, Đại đức Thích Không Nhiên nói.

Bảo tồn như thế nào?

Theo nhóm nghiên cứu, đa phần các văn bản ma nhai tại Ngũ Hành Sơn không còn nguyên vẹn, một số lớn bị phong hóa theo thời gian nên mờ hết chữ, một số bị bôi lấp bởi sơn và xi-măng. Cụ thể, tại động Linh Nham hiện có 3 văn bản - ngoài bức đại tự Linh Nham động do vua Minh Mạng ngự đề (1837) còn khá sắc nét, thì 2 văn bản đề thơ thời Bảo Đại cũng chịu chung số phận bị xi-măng bồi lấp. Hiện có 8 bia ký Phật giáo thời các chúa Nguyễn còn được lưu giữ trên các vách động Huyền Không, Tàng Chơn và Vân Thông.

Tuy nhiên, trong số 8 bia ma nhai này có đến 5 bia bị đục hết nội dung dù hình thức với những họa tiết hoa văn tinh xảo xung quanh diềm và trán bia vẫn còn nguyên vẹn; chỉ có 3 văn bản còn nguyên vẹn là: Minh - Phước Quảng Sa-môn Thích Chế Để chi bài, khắc tháng 3 năm Nhâm Tuất (1622) tại động Huyền Không; Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc, khắc tháng 10 năm Tân Mùi (1631) tại động Vân Không; Phổ Đà Sơn Linh trung Phật, khắc năm Canh Thìn (1640) tại động Huyền Không. Riêng các văn bản ma nhai tại động Vân Thông và Âm Phủ còn mới và nguyên vẹn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cần có biện pháp kịp thời nhằm cứu vãn và bảo tồn nguồn tư liệu quý này; đồng thời phải nhanh chóng giới thiệu cho người dân bản địa và du khách biết rõ giá trị di sản này thông qua sách báo và hướng dẫn viên du lịch.

“Những phát hiện về ma nhai góp phần đánh giá một cách có hệ thống và khoa học về hệ thống di sản văn hóa tư liệu tại danh thắng đặc biệt Ngũ Hành Sơn; phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Để phát huy giá trị, trước hết phải hợp tác nghiên cứu giữa các vùng miền, lãnh thổ trong và ngoài nước, cần có kinh phí và hành lang pháp lý chặt chẽ để bảo tồn và phát huy giá trị di tích”, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố nói.

Trong khi đó, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết thêm, ngoài hệ thống ma nhai, Ngũ Hành Sơn hiện còn lưu giữ khá nhiều hoành phi - liễn đối, chuông, tượng, pháp khí liên quan đến văn hóa Phật giáo, đặc biệt vai trò của vua Minh Mạng trong phát triển văn hóa Phật giáo tại Ngũ Hành Sơn. Ngoài ra, những đợt khai quật khảo cổ học đã phát hiện nhiều di vật gắn với văn hóa Chăm.

“Chúng tôi đang xây dựng hồ sơ để trình Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam xem xét đưa vào “Danh mục ký ức quốc gia” và đệ trình UNESCO công nhận di sản văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn là Di sản tư liệu thế giới trong tương lai. Nếu được công nhận là Di sản tư liệu thế giới sẽ là điều kiện tốt giúp bảo vệ hệ thống di sản vô cùng quý giá này”, ông Thiện nói.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.