"Tai nghe trống chiến trống chầu"...

.

Đã lâu lắm rồi, các nghệ sĩ tuồng mới vui và hạnh phúc như thế trong vòng tay của khán giả. Đã lâu lắm rồi, người dân Quảng Nam - Đà Nẵng mới sống lại không khí rộn ràng khi nghe tiếng trống, tiếng chầu...

Vở “Mái tóc người vợ hiền” do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn được khán giả yêu mến trong thời gian qua. Ảnh: NGỌC HÀ
Vở “Mái tóc người vợ hiền” do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn được khán giả yêu mến trong thời gian qua.

 1. Chập choạng tối 26 tháng Giêng, khác với mọi ngày, người dân các làng biển như Tân Thái, Thọ An (thuộc phường Mân Thái và phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) gấp rút chuẩn bị bữa ăn tối sớm hơn thường lệ để cho kịp ra xem hát tuồng biểu diễn ngoài lăng Ông trên đường Hoàng Sa nhân dịp Lễ hội cầu ngư của làng. Vội vã đi về khu vực dành cho khán giả, bà Trần Thị Bảy (77 tuổi, làng Thọ An) kiếm cho mình một chỗ ngồi gần sân khấu. Bà trải tấm xốp ban tổ chức để sẵn thay vì ngồi trên hàng ghế bởi theo bà như thế mới thoải mái và có “không khí” xem hát bội như ngày xưa hơn.

Tiếng trống chầu vang lên giòn giã, người dân đổ về ngày một đông. Bên cạnh sân khấu, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh che tạm mấy tấm bạt để làm “hậu trường”, là nơi các nghệ sỹ, diễn viên nhà hát hóa trang, chờ biểu diễn. Trong khi người lớn ổn định chỗ ngồi thì trẻ con cứ chạy nhảy vây quanh sân khấu và lấp ló nơi cánh gà để xem đào, kép hóa trang.

Hồi trống khai chầu hát bội, tiếng kèn tiếng nhị rộ lên, đám trẻ con lại tò tò chạy về trước sân khấu, ngồi cạnh người cầm chầu rồi ngay ngắn xem hát. Khác với người lớn, thường lũ trẻ chỉ chú ý đến các vai hề và cười giòn tan; nhưng cũng vì ham vui, lũ trẻ ngồi đến cuối đêm diễn.

Ông Phạm Văn Liễn (78 tuổi, người dân làng Tân Thái), trong ban tổ chức lễ của làng, mấy ngày hội cứ đi ra, đi vào, lòng phấn khởi lắm. Ông bảo, lâu lắm rồi mới cảm nhận được không khí hội hè của làng quê. Năm nay, nghi thức xây chầu hát bội cũng như không khí hát bội gần như khôi phục nguyên vẹn của ngày xưa. Để điểm xuyết cho đêm hát, có một dàn trống chầu ngay cạnh sân khấu. Những vị được dân làng đề cử cầm trống chầu phải am hiểu trống chầu, biết các  tuồng tích. Họ như “ban giám khảo” của đêm diễn, biết khen thưởng đúng tài năng của đào kép đang diễn xuất, kèm theo trống chầu đó là thẻ thưởng tiền. Cùng với những thẻ được ném lên sân khấu là tiếng vỗ tay rần rần của khán giả bên dưới. “Người dân làng tôi đúng là sống lại một thời: Nghe tiếng trống chầu đâm đầu mà chạy/Nghe tiếng trống chiến chết điếng trong ruột...” , ông Liễn nói.

Hai thế hệ khán giả của tuồng tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà.
Hai thế hệ khán giả của tuồng tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà.

2. Có thể nói, tuồng vẫn sống được, sống tốt trong dân gian. Tuy nhiên, đối tượng yêu tuồng bây giờ đã lớn tuổi; họ chỉ chờ vào những dịp “xuân kỳ, thu tế”, khi đó làng mở hội đình làng, mở hội cầu ngư thì làng mới bỏ kinh phí mời các đoàn tuồng về biểu diễn. Cụ bà Huỳnh Thị Sửu dẫu đã ngoài 90 nhưng ba đêm đoàn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh về diễn, không bỏ sót hôm nào. Cũng có cụ đang ốm đau, nghe tiếng trống chầu bảo con cháu chở đi xem cho bằng được. “Mê tuồng lắm, nhưng không thể qua Đà Nẵng xem được (qua nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - PV) vì xa quá, con cháu bận rộn không ai chở. Chỉ có dịp như thế này mới thỏa niềm yêu thích”, bà Sửu nói.

Không chỉ người yêu tuồng tại các làng quê Quảng Nam, Đà Nẵng; những nghệ sĩ tuồng cũng không giấu được sự xúc động. Bà Nguyễn Thị Thu Trang, con gái nghệ sĩ tuồng Diệu Thông, Trưởng đoàn tuồng Sông Thu chia sẻ: “Từ tháng Giêng đến nay, chúng tôi đi diễn được 10 đêm ở khắp các làng quê Quảng Nam. Đến đâu bà con cũng đón chào nồng nhiệt. Những đoàn tuồng nhà nước còn có nhiều dịp để diễn, chứ đoàn tuồng tư nhân như chúng tôi chỉ diễn khi hội hè, đình đám. Dẫu vậy, được đứng trên sân khấu biểu diễn là chúng tôi vui lắm rồi”, bà Trang tâm sự.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chia sẻ, ông khá bất ngờ khi người dân còn yêu tuồng đến vậy. “Điều những người nghệ sĩ, diễn viên chúng tôi cảm động là bên dưới sân khấu, không chỉ thế hệ người lớn tuổi mà cả trẻ con cũng xúm xít xem tuồng. Đó chính là đối tượng khán giả mà chúng tôi cần tiếp cận để duy trì nghệ thuật tuồng trong tương lai. Đó cũng là niềm an ủi, động viên chúng tôi trong hành trình lưu giữ nghệ thuật truyền thống”, ông Tuấn trải lòng.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.