Giúp học sinh yêu thích môn Lịch sử

.

Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức sách vở, các trường tiểu học tại Đà Nẵng đã tổ chức những buổi dã ngoại, ngày hội giao lưu và các cuộc thi tìm hiểu lịch sử... nhằm truyền cảm hứng, vun đắp niềm yêu thích bộ môn Lịch sử trong mỗi học sinh.

Học sinh Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ trong buổi tham quan Bảo tàng Đà Nẵng.
Học sinh Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ trong buổi tham quan Bảo tàng Đà Nẵng.

Giờ chào cờ đầu tuần của học sinh Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ (quận Thanh Khê) bao giờ cũng sôi nổi. Học sinh hào hứng trông chờ đến ngày thứ hai để được tham gia các tiết mục văn nghệ, đọc thơ, tuyên truyền theo chủ điểm từng tháng.

Qua những lần tìm tòi, nghiên cứu, trường mang đến những tiết mục tốt nhất, giúp học sinh tiếp cận với những kiến thức lịch sử, xã hội một cách tự nhiên.

Cô Nguyễn Thị Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ cho biết, xác định tầm quan trọng của việc giáo dục lịch sử cho học sinh, bên cạnh việc dạy học trên lớp, nhà trường tổ chức các hoạt động, ngày hội giao lưu và cho học sinh tham quan bảo tàng để các em có cơ hội tìm hiểu truyền thống cách mạng.

Gần đây nhất, trường tổ chức ngày hội “Em yêu lịch sử Việt Nam” để học sinh có dịp giới thiệu sách về các nhân vật lịch sử và thi rung chuông vàng chủ đề “Nhà sử học tương lai”, “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”. Khi hóa thân thành các nhân vật lịch sử, dựng lại các hoạt cảnh lịch sử, các em cũng dễ dàng hiểu sâu hơn những kiến thức lịch sử vốn không dễ thuộc.

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga, Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Huỳnh Ngọc Huệ cho hay, thay vào việc để các em học thuộc lòng về những chiến công của các anh hùng lịch sử, việc đặt tên các chi đội gắn với tên những anh hùng sẽ giúp học sinh dễ nhớ, tạo điều kiện để các em tìm hiểu, nghiên cứu về anh hùng chi đội mình mang tên cũng như anh hùng của các chi đội khác.

Tại quận Hải Châu, việc lồng ghép các buổi học ngoại khóa vào chương trình học cũng được triển khai hiệu quả. Các liên đội trên địa bàn quận còn tham gia tích cực các cuộc thi, ngày hội giao lưu do Phòng GD-ĐT tổ chức; qua đó học sinh tìm hiểu về lịch sử Đà Nẵng, Hoàng Sa, Trường Sa, văn hóa biển và các làng nghề truyền thống...

Bên cạnh đó, tại những buổi tham quan, học sinh được giới thiệu chi tiết về các khu di tích lịch sử, văn hóa; tận mắt chứng kiến các hiện vật và tư liệu trưng bày ở bảo tàng, tiếp xúc với nhân chứng lịch sử để hiểu thêm về lịch sử Đà Nẵng cũng như truyền thống yêu nước và cách mạng của địa phương.

Bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu cho biết, giáo dục các giá trị truyền thống lịch sử Việt Nam, truyền thống anh hùng cách mạng và xây đắp lòng yêu quê hương, đất nước đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh.

Vì vậy, bên cạnh những bài giảng trên lớp, ngành còn tạo điều kiện để các em có cơ hội tự nghiên cứu, tiếp xúc, chứng kiến, được nghe những câu chuyện về người thật, việc thật. Từ đó, rèn luyện cho học sinh cách ứng xử, kỹ năng sống.

Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT, những hoạt động này nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, đạo đức lối sống, kỹ năng ứng xử cho học sinh, là dịp để các em tham gia giao lưu, học hỏi, thể hiện năng khiếu.

Qua đó, hình thành cho học sinh ý thức trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội; phát huy tinh thần đoàn kết, xây đắp lòng yêu quê hương, Tổ quốc. Quan trọng nhất là truyền cảm hứng, vun đắp tình yêu lịch sử cho học sinh, để các em nuôi dưỡng niềm đam mê bộ môn Lịch sử ở các cấp học tiếp theo.

Bài và ảnh: THU THẢO

;
.
.
.
.
.
.