Văn hóa - Giải trí

Phát huy giá trị di tích, lễ hội

09:26, 20/06/2016 (GMT+7)

Quận Liên Chiểu là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời với nhiều di tích và lễ hội được bảo tồn, duy trì đến ngày nay, trở thành những di sản văn hóa đặc sắc giữa các khu đô thị và khu công nghiệp hiện đại. Trong những năm qua, quận đã chú trọng phát huy các giá trị di tích và lễ hội trong xây dựng nếp sống văn minh, hướng về nguồn cội, hướng thiện, để đời sống nhân dân ngày càng tốt đẹp, an bình.

Một nghi thức trong lễ vía Bà thuộc lễ hội Miếu bà Hàm Trung.  					Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một nghi thức trong lễ vía Bà thuộc lễ hội Miếu bà Hàm Trung. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Về tham dự lễ hội Miếu bà Hàm Trung (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) vào ngày 18-5 (12-4 âm lịch), không ai khỏi ngỡ ngàng với cảnh quan xung quanh miếu đẹp như tranh với hồ nước phía trước, những tán cây cao tỏa rộng che mát cả khuôn viên, tường miếu, mái ngói rêu phong... Đặc biệt, nơi đây thu hút sự hiếu kỳ của khách thập phương bởi miếu được dựng bằng vật liệu kiên cố vào năm Tự Đức thứ 15 (1862), thờ 2 vị thần nữ là Hồ Ly Cửu Vĩ tiên nương thần vị tiền (cáo 9 đuôi tu luyện thành tiên nữ) và Phấn Nhĩ Quỷ Vương tiên nương thần vị tiền (chim xù lông tu luyện thành vương trấn giữ cõi quỷ) và được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp thành phố vào năm 2007.

Theo lời kể của dân trong làng, xưa, những người đầu tiên đến khai khẩn vùng đất này gặp lắm hiểm nguy, hằng ngày phải chống chọi với thú dữ, bệnh tật hoành hành khiến nhiều người chết chóc, ốm đau. Dân làng khấn nguyện thần linh phù hộ và vào một đêm nọ, dân làng thấy một con cáo 9 đuôi từ trong hang chui ra và một con chim lông xù từ trên núi bay về, biến thành 2 người phụ nữ xinh đẹp giúp dân trừ khử thú dữ và chữa bệnh. Kể từ đó, trong làng được bình yên, dân làng lập miếu thờ, lấy tên làng đặt tên miếu... Ông Nguyễn Bá Dốc, Trưởng ban tổ chức lễ hội Miếu bà Hàm Trung cho biết, so với mọi năm, lễ hội năm nay được dân làng phát huy cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, đầu tư tổ chức chu đáo, quy mô hơn.

Lễ vía bà và phần hội là dịp để các tầng lớp nhân dân tỏ lòng tôn kính đến chư vị thần linh; nguyện cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Cạnh đó, ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất của làng, nhất là trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, qua đó giáo dục truyền thống, văn hóa, chung sức bảo vệ cảnh quan môi trường, phòng chống tội phạm, chí thú làm ăn, động viên con cháu học tập tốt, gia đình hòa thuận...

Theo Phòng Văn hóa-Thông tin quận Liên Chiểu, hiện trên địa bàn quận có 9 di tích được công nhận là di tích văn hóa, lịch sử cấp thành phố là đình Trung Nghĩa, đình làng Hòa Mỹ, đình Xuân Dương, đình Đà Sơn, miếu Hàm Trung, lăng Ông Kim Liên, đình làng Thanh Vinh, đình Đa Phước, đình Hòa Phú và 6 di tích được xếp vào danh mục kiểm kê là miếu Tam vị, mộ Phan Công Thiên, đình làng Xuân Thiều, bia chiến thắng kho xăng Liên Chiểu, bia chiến thắng Đồn Nhất, chuông chùa Đà Sơn.

Công tác bảo tồn, bảo tàng rất được quan tâm, đã xây dựng kế hoạch đi kiểm kê di tích lịch sử trên địa bàn quận nhằm phát hiện sớm các hư hỏng, xuống cấp và cảnh quan môi trường của hệ thống di tích và thông qua Đề án trùng tu di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận giai đoạn 2016-2020. Từ đó có sự tham mưu cấp trên xem xét trùng tu, tôn tạo, vận động nhân dân thường xuyên vệ sinh sạch sẽ điểm di tích trên địa bàn.

Trong những năm qua, quận cũng đã khuyến khích nhân dân địa phương phục dựng và nâng cấp quy mô tổ chức lại lễ hội truyền thống tại các đình làng, miếu, chùa làng, nên những giá trị đích thực của những di tích này được phát huy, thường xuyên được người dân chăm sóc, bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương.

Phần hội được chủ động tổ chức những hoạt động mang ý nghĩa tích cực, tiến bộ như: tổ chức các trò chơi nhằm thắt chặt đoàn kết; tuyên dương, khen thưởng và động viên học sinh học giỏi, tặng học bổng cho học sinh nghèo; tuyên truyền thái độ ứng xử chuẩn mực, văn hóa đến với các tầng lớp nhân dân; đăng ký và cam kết thực hiện tốt các nội dung của quy ước nếp sống mới ở khu dân cư và các tiêu chuẩn xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa..., góp phần nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh của người dân ở các khu vực dân cư, địa phương.

                 HOÀNG HIỆP

.