.
Lưu Trùng Dương

Nhà thơ của nhân dân, của cách mạng, của quân đội nhân dân

.

Nhà thơ Lưu Trùng Dương là một trong những người tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1957. Ông viết văn, làm thơ, kịch bản sân khấu, kịch bản phim... Đến nay, Lưu Trùng Dương đã xuất bản hơn 40 tác phẩm. Người đọc biết đến một Lưu Trùng Dương đa tài, nhưng ông tâm đắc nhất là thơ, đặc biệt thơ về “anh Bộ đội Cụ Hồ”.

 

Như một người lính lặng lẽ dũng cảm chiến đấu, hy sinh, lặng lẽ sống và sáng tác, Lưu Trùng Dương cho chúng ta cảm giác luôn lẫn vào nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi thuộc thế hệ thuộc nằm lòng bài thơ Đáng sống bao nhiêu một ngày vì cách mạng của Lưu Trùng Dương từ hồi học lớp 7, cũng ngỡ ông là một nhà thơ… xa lắm rồi. Nhà thơ Lưu Trùng Dương ít xuất hiện.

Cuối năm 2008, làm cộng tác viên với Ban Từ thiện - Xã hội Báo Sài Gòn Giải Phóng, chúng tôi có dịp về những vùng biên giới hải đảo. Năm nào nhà báo Ngọc Yến cũng liên hệ để anh em đến với các chiến sĩ biên phòng ở Kiên Giang, An Giang, Tây Nguyên, kể cả các đồn biên phòng ở Lũng Cú (Hà Giang)… Trong lễ tổng kết phát giải cuộc vận động sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Đào Văn Sử cho biết, anh là học trò của nhạc sĩ Tô Hải. Chúng tôi mơ ước bản hợp xướng lớn của nhạc sĩ Tô Hải Tiếng hát biên thùy về bộ đội biên phòng được dựng lại. Cũng trong dịp này, HTV1 hằng tuần phát chương trình “Ký sự biên phòng” rất thú vị.

Chúng tôi nhẩm những câu thơ viết về bộ đội, trong đó bộ đội biên phòng được đưa lên hàng đầu của Lưu Trùng Dương. Rồi bất ngờ chúng tôi nhận được điện thoại của nhà thơ Lưu Trùng Dương hỏi về Trần Vịnh, đạo diễn say mê làm phim về anh Bộ đội Cụ Hồ. Mừng quá, chúng tôi đến gặp ông khi ông vào thăm các con ở Tân Bình. Càng quý hơn khi chúng tôi biết Lưu Trùng Dương là em ruột của nhà văn Lưu Quang Thuận, chú ruột của Lưu Quang Vũ.

Họ Lưu có nhiều người hoạt động thành công về văn nghệ. Ngoài Bắc có nhạc sĩ Lưu Bách Thụ, miền Trung có Lưu Trọng Lư, trong Nam có Lưu Hữu Phước… Một ông già gần 80 xuân điềm đạm, quý khách, tiếp đón chúng tôi thật ân tình. Ông nói có mấy cuốn sách mới xuất bản muốn đến tận nhà tặng bạn bè. Chúng tôi nói, phận con cháu, chúng tôi đến xin, ông rất cảm động. Chuyện trò và đọc Lưu Trùng Dương, chúng tôi càng nhận biết những điều bổ ích về cuộc sống, lẽ sống, sự nghiệp và thành công của không chỉ Lưu Trùng Dương mà còn là một dòng thơ trữ tình cách mạng.

Ba anh em họ Lưu gặp nhau tại Thủ đô Hà Nội năm 1954 sau 9 năm kháng chiến: Lưu Quang Thuận và vợ (đứng), Lưu Quang Thành và Lưu Trùng Dương (đội mũ bộ đội).  Ảnh tư liệu gia đình cung cấp.
Ba anh em họ Lưu gặp nhau tại Thủ đô Hà Nội năm 1954 sau 9 năm kháng chiến: Lưu Quang Thuận và vợ (đứng), Lưu Quang Thành và Lưu Trùng Dương (đội mũ bộ đội). Ảnh tư liệu gia đình cung cấp. (Báo Dân Việt)

… “Những chiến sĩ biên phòng/ Đứng chon von dưới trời cao biên giới/ Chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”… “Những chiến sĩ biển khơi/ Hải đảo mồ côi đêm ngày sóng bủa”… “Những chiến sĩ trên công trường gỗ, đá/ Nắng lửa, mưa bùn, cháy trán, phồng tay”… “Những chiến sĩ nông trường tình nguyện xa quê”… “Những chiến sĩ ngăn sóng cuồng bão dữ”… Cũng như những nhà thơ cách mạng trưởng thành trong chiến tranh, chủ nghĩa anh hùng, lạc quan cách mạng là kim chỉ nam xuyên suốt câu thơ, tứ thơ và bài thơ. Ở đây chỉ có cái TA bao trùm lên các tác phẩm.

Có người cho rằng, thơ là “tiếng nói từ một trái tim đến với nhiều trái tim”, là “hình tượng cảm xúc cá nhân”… cái gọi là thơ, ắt phải thể hiện cái TÔI. Từ đó, họ cho rằng, thơ ca cách mạng thiếu chất thơ. Nhưng Trần Hưng Đạo với Hịch tướng sĩ, Lý Thường Kiệt với Nam quốc sơn hà, Nguyễn Trãi với Bình Ngô đại cáo, hay Nguyễn Du với Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh, Nguyễn Đình Chiểu với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, và Hồ Chí Minh với Nhật ký trong tù… thấy cái TA, và cũng thấy cái chí khí, cái tâm hồn con người, cái TÔI vẫn thật rõ ràng, chân thật và khí phách.

Lưu Trùng Dương là nhà thơ của nhân dân, của cách mạng, của quân đội nhân dân, ông lẫn vào hàng ngũ lớn để hát ca cuộc sống, con người làm nên chiến thắng. Nhấn mạnh điều này để khẳng định rằng, văn học thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược có lý do sản sinh và tồn tại, văn nghệ sĩ thời đó vĩ đại ở chỗ, họ biết lẫn vào đội ngũ, lẫn vào quần chúng, lẫn vào cách mạng… để sáng tạo nền văn hóa cách mạng sống mãi. Đó là truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.

- Thưa nhà thơ Lưu Trùng Dương, có người gọi thơ của ông là thơ tuyên truyền.

- Văn học là nghệ thuật tuyên tuyền. Tác phẩm mà không đến với công chúng thì phải xem lại mục đích và chức năng của nó.

Tưởng không có gì phải bàn cãi!

Lưu Trùng Dương đã xuất bản trên 40 tác phẩm. Không phải tác phẩm nào của ông cũng được nhắc đến nhiều, nhưng Tập thơ của người lính (1949), Những người đáng yêu nhất (1960), Tình nguyện (1963), Nỗi nhớ màu xanh (1975), Thơ tặng anh Bộ đội Cụ Hồ (1990, 1994, 2003), Bài ca người Đà Nẵng (2000)… với những bài thơ được tuyển đưa vào sách giáo khoa như: Đáng sống bao nhiêu một ngày vì cách mạng (lớp 7/10), Chào mừng kế hoạch 3 năm (lớp 9/10), Giữa quê hương Bác (Đại học Vinh), Ngày về (Trường Lê Khiết, Quảng Ngãi thời chống Pháp), Thương nhất anh nuôi (các trường trung học Nam Trung Bộ, thời chống Pháp)… và hàng loạt bài thơ được dịch ra tiếng nước ngoài…

Nhà thơ Lưu Trùng Dương và vợ là họa sĩ Trần Thị Mỹ Nhung có 3 người con đều có tên gần giống bút danh của ông: Lưu Hướng Dương - kiến trúc sư, Lưu Bạch Dương - nhà báo và Lưu Thùy Dương. Khi ông kể về cái bút danh Lưu Trùng Dương, chúng tôi thấy ông rơm rớm nước mắt. Ông dùng Lưu - họ cha ghép với Dương - họ mẹ và Trùng là hòa hợp với nhau. Điều đó cho thấy ông yêu quý, trân trọng, có trách nhiệm với bút danh của mình như thế nào.

“Lưu Trùng Dương là nhà thơ quân đội. Thở hơi thở của chiến sĩ, vui cái vui chiến sĩ, thông cảm được ước mơ của chiến sĩ”, nhà văn Xuân Thiều đã viết vậy. Đối với chúng tôi, ông là người thầy, người bạn lớn, nhà thơ nhân dân… “Hỡi những người đồng chí đáng yêu/ Thơ viết mãi không đủ lời ca ngợi/ Công việc hàng ngày của mỗi chúng ta…”.

VŨ ÂN THY

;
.
.
.
.
.