.

Phim tài liệu Đà Nẵng: Như trái đã chín!

.

Những tháng cuối năm, điện ảnh Đà Nẵng có thêm tin vui khi bộ phim tài liệu (PTL) Chiếc chiếu của bà Bứa của đạo diễn Dương Mộng Thu đoạt giải cao nhất của hạng mục phim tài liệu châu Á tại Liên hoan phim quốc tế Yamagata 2013 (Nhật Bản). NSƯT Huỳnh Hùng - Chủ tịch Hội Điện ảnh Đà Nẵng - cho rằng đây được xem như giai đoạn chín muồi của PTL nói riêng và điện ảnh Đà Nẵng nói chung.

Đạo diễn Dương Mộng Thu tại Liên hoan phim quốc tế Yamagata 2013 (Nhật Bản). (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đạo diễn Dương Mộng Thu tại Liên hoan phim quốc tế Yamagata 2013 (Nhật Bản). (Ảnh do nhân vật cung cấp)

* Nói tới PTL, trước đây khán giả vẫn nghĩ đó chỉ là những câu chuyện khô khan nhưng có thể nói nay cái nhìn này đã thay đổi. Ông nhận định như thế nào về PTL Đà Nẵng hiện nay?

- Trước hết phải nói những người làm PTL Đà Nẵng có rất nhiều lợi thế so với các địa phương khác. Đà Nẵng nói riêng cũng như miền Trung nói chung có chiều dài văn hóa, lịch sử lâu đời, nhiều danh nhân văn hóa nổi tiếng. Đây lại là một thành phố trẻ, năng động, xã hội đang có nhiều biến chuyển - hiện thực màu mỡ để các nhà làm phim tha hồ sáng tạo. Hơn nữa, có thể hình dung Đà Nẵng như một “phim trường khổng lồ” khi trong lòng thành phố có cả sông - núi - biển, một tạo hình quá tốt để cho đạo diễn tung hoành sáng tạo.

Riêng về con người, điện ảnh Đà Nẵng đang có một đội ngũ làm phim nhiệt tình, tâm huyết với nghề. Họ vừa làm, vừa học, vừa sáng tạo. Vì vậy, năm nào Đà Nẵng cũng mang về nhiều giải cao trong các kỳ liên hoan truyền hình toàn quốc, khu vực. Trong 5 năm (2008-2013), riêng lĩnh vực PTL Đà Nẵng có 18 huy chương vàng và huy chương bạc. Đội ngũ những người làm PTL ở Đà Nẵng luôn được đồng nghiệp ở các nơi đánh giá cao và công nhận Đà Nẵng có thế mạnh về PTL. Với những thành công vừa qua, có thể nói PTL nói riêng và điện ảnh Đà Nẵng nói chung như trái đã chín.

* PTL với đặc trưng là thể hiện người thật, việc thật mang tính nghệ thuật, tính tư tưởng. Đề tài của PTL trùng lặp là điều không tránh khỏi. Ông nghĩ sao về điều này?

- PTL là phim của cá nhân tác giả, in đậm phong cách của từng nhà làm phim trong việc tiếp cận, khai thác đề tài, quay phim, dựng phim… Do vậy, làm PTL không ngại “đụng hàng”, không ngại trùng đề tài. Ví dụ, về nhân vật ông Mười Khôi, một anh hùng của đất Quảng Nam-Đà Nẵng, Hãng phim Trung ương làm một bộ phim, Đà Nẵng cũng làm một bộ phim. Nhưng hai phim là hai cách nhìn khác nhau, hai giá trị khác nhau.

* Nếu chúng ta cứ áp dụng phương thức thể hiện truyền thống sẽ khó thu hút được khán giả. Theo ông, nên làm gì để đổi mới PTL hiện nay?

- Không chỉ đến thời điểm này mà từ rất lâu đội ngũ những người làm PTL Đà Nẵng đã không ngừng làm mới cách tiếp cận vấn đề và cả cách thể hiện nội dung của PTL. Về nội dung, các tác giả ngày càng đi sâu vào hiện thực cuộc sống của thành phố và không ngừng đa dạng hóa hình thức thể hiện. Chúng ta vẫn vận dụng và phát triển cách làm phim truyền thống: hình ảnh, âm thanh, lời bình... Gần đây, cách làm phim không lời bình đang được đông đảo đạo diễn quan tâm và áp dụng. Với cách làm phim này, tính chân thực, khách quan của sự việc hiện lên rõ nhất và khán giả luôn cảm thấy thuyết phục với thể loại này. Bộ phim Chiếc chiếu của bà Bứa cũng được làm theo cách này và kết quả thì như chúng ta đã thấy.

* Hiện nay, khán giả chỉ mới tiếp cận PTL thông qua kênh thông tin chính là truyền hình. Người có nhu cầu cũng khó có điều kiện vì hạn chế về thời gian và số lượng phim. Nên chăng cần đưa PTL lên mạng Internet?

- Theo tôi, vấn đề đưa hay không đưa PTL lên Internet là điều không quan trọng. Với một tác phẩm hay, có giá trị thì người xem hẳn nhiên sẽ tìm mọi cách để có thể xem bộ phim đó. Đã có rất nhiều tác phẩm được khán giả sau khi xem trên truyền hình, họ đã tự động đăng tải lên mạng để chia sẻ với nhiều người và cũng là để có cơ hội xem lại lần hai, lần ba. Như các bộ phim Nhớ đảo, Người cháu gái cụ Phan, Con mắt còn có đuôi của tôi đã được các khán giả đưa lên mạng thông qua các nguồn thông tin riêng mà ngay cả bản  thân tôi cũng không thể nào biết. Hiện nay, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (DRT) và VTV Đà Nẵng đều đã có trang web trực tuyến, thường xuyên đăng tải các PTL nhằm đáp ứng nhu cầu khán giả.

* Nếu được lựa chọn, một bộ phận lớn khán giả sẽ nhanh chóng chuyển kênh khi trước mặt là một bộ PTL. Theo ông, công nghệ nghe - nhìn tác động như thế nào đến sự sống còn của PTL?

- Quả thực công nghệ nghe - nhìn hiện nay phát triển quá nhanh. Người xem có nhiều cơ hội, nhiều kênh để tiếp nhận sản phẩm nghe nhìn. Nếu như trước đây, đài truyền hình chiếu phim gì thì người xem chỉ có thể xem phim đó. Thời đại này, riêng truyền hình thôi đã có hơn 70 kênh. Do đó, sự cạnh tranh trên lĩnh vực nghe nhìn diễn ra rất quyết liệt. Để níu chân khán giả lại với bộ phim, theo tôi một câu chuyện hay vẫn là chưa đủ mà cần phải có một quá trình sáng tạo không ngừng từ lúc manh nha hình thành đề tài tới lúc đóng máy “đứa con tinh thần” của mình.

* Để nâng cao chất lượng PTL, một trong những vấn đề rất quan trọng là kinh phí. Mối quan hệ giữa kinh phí - chất lượng là tỷ lệ thuận hay tỷ lệ nghịch, thưa ông?

- Tùy từng địa phương, cơ quan, tổ chức mà có những mức hỗ trợ kinh phí khác nhau cho một tác phẩm PTL. Hãng phim tài liệu và khoa học Trung ương đầu tư từ 400-500 triệu đồng cho một bộ phim 30 phút. Với VTV Đà Nẵng, mức hỗ trợ từ 30-40 triệu đồng; DRT từ 10-15 triệu đồng. Tất nhiên kinh phí không phải là yếu tố quyết định nhưng cũng đóng vai trò rất quan trọng. Cũng đã có không ít phim dù cùng đề tài được đầu tư với hai mức kinh phí chênh lệch nhau rất lớn, nhưng phim với mức kinh phí thấp hơn lại được đánh giá và có giải thưởng cao.

* Xin cảm ơn ông!

BÌNH AN thực hiện
 

;
.
.
.
.
.