.

Tro tàn và than đỏ

.

Sự du nhập của văn hóa ngoại lai đã làm thay đổi ít nhiều quan niệm sống trong xã hội. Nguồn mạch văn hóa làng quê xưa tưởng chừng đã cạn, thế nhưng, mọi việc bỗng dưng trở lại. Cứ như lớp than hồng ẩn giấu dưới lớp tro tàn thời gian, các tập tục quay về, đó là hội làng, hội họ, sinh hoạt chi phái tộc, tìm về tổ tông…

Niềm tự hào không của riêng ai

Dưới tán cây cổ thụ, các em đã tìm được sự che chở của ông bà, tổ tiên có công khai phá, mở mang làng xóm.

Sau 11 năm chăm lo, khuyến khích con cháu học tập, đến năm 2008, toàn gia tộc họ, Phan Văn, làng Hòa Mỹ, phường Hòa Minh đã có 1 bác sĩ, 1 cử nhân dược, 6 cử nhân các ngành, 13 kỹ sư, 25 giáo viên, 10 sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Kể sơ qua một số thành tích của tộc, cụ tộc trưởng Phan Thanh Vân không giấu nỗi tự hào: “Với những người già như chúng tôi, nhìn con cháu ngoan và biết hướng về nguồn cội là niềm hạnh phúc lớn nhất. Già rồi, còn mong gì…”.

Một cán bộ phường Hòa Minh cho biết, hằng năm có gần 20 sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) về phường đăng ký thực tập với những đề tài gắn liền với văn hóa làng như tìm hiểu lịch sử tộc họ, hương ước, các nét đặc thù văn hóa còn bảo lưu tương đối rõ nét ở địa phương. Mới đây, em Huỳnh Thị Sâm, sinh viên khoa Lịch sử đăng ký đề tài về đặc trưng lịch sử tôn giáo tại đây. Có thể nói, Hòa Minh được xem là cái nôi của nền văn hóa tộc họ tại Đà Nẵng, tồn tại khá vững chắc với 4 đình làng với các sinh hoạt tâm linh, văn hóa đều được xây dựng thành lễ hội, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Ai cũng nhận thấy được tầm quan trọng của lễ hội đình làng diễn ra hằng năm đã mang lại cuộc sống tinh thần phong phú, dần hé mở cho lớp con cháu những hiểu biết về quá khứ, quê hương và dòng họ. Lớp con cháu làng Khuê Trung vẫn tự hào làng mình là nơi che chở, bảo vệ hơn 1.000 nghĩa sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến chống sự xâm lược của thực dân Pháp (1858-1860). Nhiều con ngoan, trò giỏi đã được chọn dâng hoa cho người đã khuất. Chắc hẳn, các em sẽ thừa hưởng trọn vẹn nét văn hóa làng nơi mình đã sinh ra.

Một cách về cội

Ở các lễ hội, những thanh niên ưu tú được chọn làm Học trò lễ cùng tham gia cúng vái.

Huỳnh Minh Toàn, người làng Trung Nghĩa, phường Hòa Minh với giải nhất toàn quốc môn Vật lý năm học 2007-2008 (Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế năm 2008) tâm sự: “Được sinh ra và lớn lên trên một vùng quê giàu truyền thống, tôi và một số bạn cùng trang lứa được người lớn phân công làm học trò lễ khi cúng bái và tham gia các trò chơi như đi xe đạp chậm, nhảy bao bố, điền kinh, cầu lông… Đây là dịp để tôi và các bạn tìm hiểu văn hóa làng, nguồn cội của ông bà, tổ tiên cũng như biết rõ hơn về gia tộc của mình”.

Ông Trần Văn Hoa, đại diện Hội đồng Gia tộc làng Trung Nghĩa cho rằng, những việc làm nói trên đã kéo con cháu, những người được sinh ra trong thế hệ hôm nay gần hơn với quá khứ. Tuy nhiên, trong nội san kỷ niệm 10 năm đình làng Trung Nghĩa (ngày 10-3 ÂL) có đoạn bày tỏ sự trăn trở của lớp người đi trước khi nhìn thấy văn hóa làng ngày càng mai một dần: “Chưa thật sự tạo ra sức mạnh toàn diện trong tầng lớp nhân dân tham gia lễ hội, đặc biệt là giới trẻ. Người lớn trong làng cần động viên con cháu tham gia nhiều hơn nhằm phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn…”.

Đâu chỉ văn hóa làng, lớp trẻ ngày nay còn xa lạ với cả những làn điệu dân ca. Từ sau những năm 90 của thế kỷ trước, dân ca xứ Quảng dần dần bị lãng quên trước nhiều loại hình văn nghệ khác, các chương trình ca nhạc ngày càng vắng bóng dân ca. Những nghệ sĩ có tâm huyết đều cho rằng, chúng ta không thể trách giới trẻ vì trong một thời gian dài, mọi người đã không đưa dân ca đến gần với họ. Khoảng cách tìm về dân ca ngày một rộng hơn khi giới trẻ hiện nay có quá nhiều điều kiện để tiếp xúc với dòng tân nhạc, với những vũ điệu quay cuồng trên sân khấu…

Tuyên dương con ngoan trò giỏi là công việc thường xuyên hiện nay của làng Trung Nghĩa tại các lễ hội.

“Em hát dân ca” là một trong những hình thức mà huyện Hòa Vang đầu tư, nuôi dưỡng các làn điệu quê hương cho học sinh phổ thông trong 10 năm trở lại đây. Đội thông tin lưu động của huyện mỗi năm tổ chức khoảng 50 đêm biểu diễn tiểu phẩm, hát dân ca cho bà con. Trường THCS Nguyễn Phú Hường (Hòa Tiến) được sự hỗ trợ của các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Nguyễn Hữu Dĩnh, đã tổ chức chương trình dạy ngoại khóa về dân ca, tuồng để xây dựng một đội tuồng dự thi cấp thành phố và Trung ương... Ông Nguyễn Thúc Dũng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang đúc kết: “Với người trẻ, ta cần có một chiến lược lâu dài và ổn định. Bởi họ quá trẻ để có một hiểu biết nhất định về một nền văn hóa. Thái độ của người trẻ phát triển theo từng giai đoạn giáo dục nên phải uốn nắn và gần gũi các em…”.

 

Có nhiều cách để lý giải cho cuộc hồi sinh của sinh hoạt họ tộc: nỗi lo rường mối đạo đức lung lay, quan hệ gia đình lỏng lẻo hơn xưa, một số thanh niên thờ ơ với nghĩa vụ, trách nhiệm làm con, cháu; trong xã hội, vai trò những đoàn thể như thanh niên, nông dân, phụ nữ… không còn như trước.

 
Có nhiều con đường để thế hệ trẻ hôm nay tìm về nguồn cội. Vấn đề là liệu người lớn có mở ra và mở như thế nào những cơ hội cho các em không? Để lớp trẻ hiểu được nền văn hóa phi vật thể chỉ còn trong sách vở thì ngoài ý thức của chính họ, còn là sự cộng hưởng của những người có trách nhiệm, tâm huyết của người lớn. Không thể trách cứ người trẻ khi bản thân họ không có điều kiện để tiếp cận với kiến thức được xem là văn hóa truyền thống.

Cùng nhau khơi dậy ngọn than hồng của nét văn hóa riêng Quảng Nam - Đà Nẵng là công việc cấp thiết và hết sức có ý nghĩa trong đời sống hiện nay, trước khi để cái mới, cái ngoại lai không chọn lọc che khuất, làm lu mờ và đưa chúng đến nguy cơ tàn lụi.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.