.
CỬA SỔ TRI THỨC

Tứ hổ

.

Phan Châu Trinh, một trong “Quảng Nam tứ hổ”
* Vì sao người xưa thường ghép 4 người với nhau thành “tứ hổ”? Ngoài Quảng Nam ra, còn nơi nào khác có “tứ hổ”? (Nguyễn Ngọc Quang, Liên Chiểu, Đà Nẵng).

- Tứ hổ là 4 con hổ, chữ dùng người xưa chỉ “bộ tứ” những người học hành uyên bác, trí tuệ tài hoa, có sức mạnh phi thường trong trận bút, trường văn.

Theo Vũ Ngọc Khánh trong “Kho tàng Giai thoại Việt Nam” (NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2001) thì ngoài “Quảng Nam tứ hổ” (Phạm Liệu, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh và Trần Quý Cáp), còn một số nơi có “tứ hổ” như sau:

Trường An tứ hổ: Nhóm 4 người xuất hiện ở Thăng Long (Hà Nội) vào cuối thế kỷ XVII, gồm: Vũ Diễm (quê huyện Thiên Lộc, nay là Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh); Nguyễn Bá Lân (Cổ Đô, Sơn Tây); Nhữ Đình Hiền (Hoàng Trạch, Hải Dương); Nguyễn Kim Thái (Kim Lũ, Hà Đông). Trừ Vũ Diễm đỗ Hoàng giáp, 3 người còn lại đều đỗ Tiến sĩ. Ở Thăng Long lúc này xuất hiện thành ngữ “Bút Cẩm Chỉ, sĩ Thiên Lộc”, nghĩa là loại bút tốt nhất chỉ có ở hàng ngõ Cẩm Chỉ, còn người học trò giỏi nhất quê ở Thiên Lộc (tức Hoàng giáp Vũ Diễm).

Phan Bội Châu, một trong “Nam Đàn tứ hổ”.
Nam Đàn tứ hổ: Trong một lần hát ví, một cô gái ghẹo một câu: “Nam Đàn tứ hổ là ai?/ Nói cho em biết để mai em chào”. Chàng trai Phan Văn San (tên gọi lúc trẻ của cụ Phan Bội Châu) ứng tác đáp ngay: “Nam Đàn tứ hổ là đây/ San, Long, Lương, Quý, một bầy bốn anh”. Bốn anh này là: Phan Văn San (làng Đan Nhiệm, có tài mẫn tiệp ); Nguyễn Đình Song (Xuân Hồ, học hành thâm thúy); Trần Văn Lương (Kim Liên, trí nhớ tuyệt vời); Vương Thúc Quý (Kim Liên, sắc sảo thông minh). Tất cả đều hoạt động trong phong trào Duy Tân, nổi bật là Phan Bội Châu.

Nghệ An tứ hổ: Không chỉ trong văn chương, những người ngang tàng, giỏi võ cũng được liệt vào hàng tứ hổ. Tại tổng Đặng Xá, Nghi Lộc, Nghệ An hồi thế kỷ XIX có thành ngữ: “Đặng Xá tứ hổ: Thái Bảo Yên Cương”. 4 người này là Hoàng Phan Thái, Nguyễn Hữu Chính (tức Bảo), Nguyễn Văn Yên và Nguyễn Văn Cương.

Khi phong trào Cần Vương và Duy Tân nổ ra ở Nghệ Tĩnh, dân chúng trầm trồ về 4 dũng sĩ thoắt ẩn thoắt hiện trên dãy Hồng Lĩnh làm cho quân Pháp và Nam triều mất ăn mất ngủ. Đó là các ông Ngô Quảng, Đội Quyên, Đỗ Đức Trang và Lê Tất Hiệt; cả bốn đã đi vào thành ngữ: “Hồng Sơn tứ hổ: Quảng, Quyên, Trang, Hiệt”.

Mống đóng Cu Đê

* Ca dao “dự báo thời tiết” xứ Quảng có câu: “Mống đóng Cu Đê, về dọn gác/ Mống đóng Phường Gốc, về trốc phên/ Mống đóng Hòn Đền, bình yên vô sự”. Xin cho biết các địa danh này ở đâu? (Nguyễn Văn Nam, Hải Châu, Đà Nẵng).

Bến Trường Định bên sông Cu Đê. (Ảnh: V.T.L)

- Cu Đê (hay còn gọi Trường Định) là một dòng sông ở phía Tây Bắc thành phố Đà Nẵng, có các chi lưu chính là sông Bắc và sông Nam bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn. Hai chi lưu chính hợp lưu thành sông Cu Đê tại xã Hòa Bắc, chảy theo hướng Tây - Đông, qua các xã Hòa Bắc, Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và các phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), rồi đổ ra biển Đông tại cửa biển Nam Ô.

Theo Nguyễn Văn Bổn (Văn nghệ dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng, tập 1, Sở VHTT QNĐN, 1985, tr. 100) thì Phường Gốc thuộc huyện Đại Lộc và Hòn Đền là một ngọn núi cao ở xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.

Theo kinh nghiệm dân gian, móng đóng Cu Đê thì hay có lụt, đóng Phường Gốc có gió to, đóng Hòn Đền thì mọi sự bình yên. Theo bản của tác giả Nguyễn Văn Bổn trong sách đã dẫn, đoạn cuối của bài ca dao chép là “bình yên vô sai”.

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.