.
Cửa sổ tri thức

Bút danh Nam Cao

.

* Tôi nghe nói khi lấy bút danh Nam Cao là nhà văn có ý ghép hai địa danh quê mình như Nguyễn Khắc Hiếu lấy bút danh Tản Đà (núi Tản, sông Đà). Xin cho biết cụ thể chuyện này như thế nào? Ngoài Nam Cao ra, nhà văn còn có bút danh nào khác? (Nguyễn Hữu Cung, Hội An, Quảng Nam).

Tem kỷ niệm 50 năm ngày mất nhà văn Nam Cao (1951-2001)
- Theo bài viết “Nhà văn Nam Cao chọn bút danh” của Trần Văn Đỗ (Trường cấp 2 Nhân Hậu, Lý Nhân, Hà Nam) thì Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri, người xã Đại Hoàng, tổng Cao Đà, phủ Lý Nhân, huyện Nam Sang, tỉnh Hà Nam. Theo ông Trần Hữu Đạt, thì anh trai mình lấy bút danh Nam Cao là do nhà văn ghép chữ đầu tên huyện (Nam) với chữ đầu tên tổng (Cao) để nhớ ơn mảnh đất nơi ông đã sinh thành. “Nam Cao” còn có ý nghĩa là nước Nam cao cả, cao sang…

Ngoài bút danh Nam Cao, nhà văn còn có một số bút danh khác như Thúy Rư, Nhiêu Khê, Xuân Du…Theo nhà văn Tô Hoài, Nam Cao ký bút danh Nhiêu Khê là có ý đùa. Còn bút danh Xuân Du mà nhà văn ký dưới các bài thơ của mình là do ông lấy 2 chữ đầu của một bài thơ nổi tiếng mà ông và Tô Hoài hồi ấy thường ngâm ngợi: “Xuân du phương thảo địa/ Hạ thưởng lục hà trì/ Thu ẩm hoàng hoa tửu/ Đông ngâm bạch tuyết thi”. Tạm dịch: Xuân chơi miền cỏ thơm/ Hạ tắm hồ sen ngát/ Thu uống rượu hoàng hoa/ Đông ngâm thơ tuyết trắng.

Còn bút danh Thúy Rư thì do nhà văn lấy các chữ trong tên thật của mình (Hữu Tri) ghép lại mà thành (như trường hợp Khánh Giư = Khái Hưng), ở đây chữ i đã được thay bằng chữ y.

Hồi hoạt động ở Việt Bắc, Nam Cao lấy tên là Ma Văn Hữu, nhà văn Tô Hoài lấy tên là Nông Văn Tư. Khi đi công tác, Nam Cao thường đem giấy tờ mang tên Ma Văn Hữu, nghề nghiệp: Dạy bổ túc văn hóa. Trong chuyến đi cuối cùng vào khu IV, ra khu III với Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao cũng mang theo giấy tờ ghi tên đó.

Hồi tham gia báo Cứu quốc ở Việt Bắc, báo tỉnh Hà Nam, báo Quân khu III… Nam Cao làm ca dao còn lấy bút danh Suối Trong. Trong tất cả các bút danh mà nhà văn đã dùng, Nam Cao là bút danh để lại trong lòng người đọc và nhân dân nhiều kỷ niệm và nhiều ý nghĩa sâu sắc nhất.

* Tôi vào thăm người quen ở TP. Hồ Chí Minh, thấy có một tên đường rất lạ là “Lũy Bán Bích”. Không biết đây là nhân danh hay địa danh? (Trần Văn Hoàng, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Hệ thống lũy Bán Bích theo bản vẽ của Trần Văn Học năm 1815.

- Lũy Bán Bích là tên một thành lũy do Nguyễn Cửu Đàm xây năm 1772, nằm trong vành đai bảo vệ cho vùng Bến Nghé, Sài Gòn. Từ điển Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh (Thạch Phương – Lê Trung Hoa chủ biên, NXB Trẻ, 2008, tr. 72) giải thích: “Sau khi đánh thắng quân Xiêm (8-1772), Nguyễn Cửu Đàm rút quân về Sài Gòn, cho xây lũy Bán Bích dài gần 9km, nối hai đầu rạch Bến Nghé và rạch Thị Nghè, xuống đến cầu Bông (quận 1), tạo một vòng cung bao quanh thành phố như một hòn đảo có diện tích 50km2”.

Lũy Bán Bích được đặt cho tên con đường nối từ đường Âu Cơ đến cầu Tân Hóa, thuộc quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Đường này vốn là hương lộ 14, có từ thời Pháp thuộc, năm 1999 đổi thành tên trên.

Xin nói thêm, việc lấy địa danh đặt tên đường rất phổ biến ở TP. Hồ Chí Minh như Bàu Tre, Bàn Cờ, Bến Cỏ, Tam Đa...

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.