Chuẩn bị nhân lực đón đầu thị trường công nghệ tài chính

.

Thực hiện Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một số trường đại học thành viên Đại học Đà Nẵng đã từng bước triển khai đào tạo ngành công nghệ tài chính (fintech), hướng đến cung cấp lao động cho thị trường khi thành phố xây dựng thí điểm khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực.

Sinh viên trải nghiệm học tập tại Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo - VKU Fintech Hub, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn. Ảnh: NGỌC HÀ
Sinh viên trải nghiệm học tập tại Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo - VKU Fintech Hub, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn. Ảnh: NGỌC HÀ

Đón đầu thị trường công nghệ tài chính

Theo TS. Trần Thế Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển fintech. Tỷ lệ sử dụng internet của người dân cao (80% dân số), sử dụng điện thoại thông minh cũng tương tự (84%, dự báo sẽ tiệm cận 100% trong thời gian ngắn). Thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh. Bên cạnh đó, phương thức thanh toán không tiền mặt đang được khuyến khích. Nhiều người dân Việt Nam hiện sử dụng các loại ví điện tử. Mã QR trở thành phương thức thanh toán thay thế cho sử dụng tiền mặt, đặc biệt sau Covid-19, thanh toán không tiền mặt phát triển nhanh chóng.

Số lượng công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech đang dần tăng, làm nên nền tảng ban đầu cho hệ sinh thái của fintech Việt Nam, cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng cho người dân, doanh nghiệp: Ngân hàng số (neobank), cho vay số, thanh toán số (chiếm tỷ trọng cao nhất của ví điện tử Momo, VNPay, ViettelPay, ZaloPay, ShopeePay, SePay,...), hay đầu tư quản lý tài sản số, công nghệ bảo hiểm số (2-3%). Theo xu thế, fintech tại Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển. “Ngành fintech ở Việt Nam thời gian qua liên tục tăng trưởng giá trị giao dịch của toàn thị trường fintech trong 3 năm 2021-2023 đạt 27,2 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt khoảng 31,6 tỷ USD vào năm 2024. Tổng đầu tư vào thị trường fintech Việt Nam năm 2022 là 138 triệu USD, dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024”, TS. Trần Thế Sơn cho biết.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Lê Văn Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, nhìn nhận đây là lĩnh vực tuy còn mới ở Việt Nam so với một số nước trong khu vực như Singapore, Malaysia…, nhưng có nhu cầu nhân lực lớn, vừa cần kiến thức tài chính - ngân hàng, vừa cần năng lực ứng dụng công nghệ 4.0. Đón đầu xu thế thị trường, Trường Đại học Kinh tế sớm mở ngành công nghệ tài chính (fintech) từ năm 2022. Chương trình đào tạo cử nhân công nghệ tài chính cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về lĩnh vực công nghệ tài chính, nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức trong bối cảnh kỷ nguyên số.

Thông qua chương trình đào tạo, sinh viên am hiểu về công nghệ mới trong lĩnh vực tài chính, có năng lực sáng tạo và các kỹ năng để có thể tạo ra sự đổi mới trong các hoạt động tài chính trong bối cảnh phát triển nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Các khóa tuyển sinh đầu tiên ngành fintech của trường đều tuyển đủ chỉ tiêu với chất lượng đầu vào khá cao. Số lượng hồ sơ xét tuyển cao cho thấy điểm hội tụ cung - cầu trong xu thế phát triển kinh tế số”, PGS.TS. Lê Văn Huy chia sẻ.

Sau Trường Đại học Kinh tế, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn dự kiến mở ngành công nghệ tài chính vào năm 2025. Trước khi chính thức mở ngành công nghệ tài chính, nhà trường đã và đang đào tạo chuyên ngành và các ngành có liên quan hữu cơ như thương mại điện tử, quản trị tài chính số, marketing số. Các ngành này đều có liên quan đến công nghệ tài chính, rõ nhất là xử lý các giao dịch tài chính.

Đầu tư cơ sở hạ tầng, nhân lực

Ngày 30-9, Chính phủ có Nghị quyết số 169/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, chương trình hành động nêu nhiệm vụ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghiệp công nghệ cao khác; chuyển đổi Khu công nghiệp Đà Nẵng thành Khu phố tài chính quốc tế An Đồn... Để chuẩn bị cho đào tạo ngành công nghệ tài chính và các ngành công nghệ cao khác, các trường đại học thành viên đẩy mạnh phối hợp có hiệu quả giữa cơ sở giáo dục đại học, tổ chức, doanh nghiệp.

Tháng 8-2024, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) khánh thành và bàn giao Không gian sáng tạo số (DUE-MB Digital Hub) cho Trường Đại học Kinh tế theo chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác của hai bên trước đó. DUE-MB Digital Hub được thiết kế mô phỏng một ngân hàng số, được trang bị các màn hình hiện đại và các tablet được cài đặt những phần mềm và nền tảng giáo dục Bee Class do MB phát triển, phục vụ cho trải nghiệm số, tập trung vào chuyển giao tri thức ngân hàng số (Digital Banking) và fintech theo mô hình thực nghiệm.

Cũng trong tháng 9, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn khai trương “Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo - VKU Fintech Hub”. Đây là dự án thuộc nhóm hạng mục lớn, gắn liền với Trung tâm đổi mới sáng tạo thuộc dự án ODA của Chính phủ Hàn Quốc (quy mô 1.500m2) đang được triển khai tại VKU (do Tập đoàn Hanwha Life Hàn Quốc và Quỹ Chilfund Korea tài trợ).

“Việt Nam chúng ta có lực lượng lao động dồi dào, nhưng nguồn nhân lực đáp ứng được các yêu cầu cao của ngành fintech vẫn còn khá hạn chế. Một trong những lý do chính là sự thiếu hụt các chương trình đào tạo liên ngành, tại các cơ sở giáo dục đại học. Do đó, cần đào tạo ra những chuyên gia fintech có khả năng phát triển các dịch vụ sáng tạo mang tầm quốc tế, dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đặc biệt là nhân lực liên ngành - những người vừa có kiến thức chuyên sâu về công nghệ thông tin, vừa hiểu biết về tài chính - ngân hàng và đồng thời sử dụng ngoại ngữ thành thạo”, PGS.TS. Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn, chia sẻ.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.