Phấn khởi với phương án thi tốt nghiệp mới

.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố phương án mới đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhiều học sinh, giáo viên bày tỏ sự đồng tình, nhất là giảm áp lực học hành cho thí sinh.

Học sinh Trường THPT Trần Phú trong một giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ
Học sinh Trường THPT Trần Phú trong một giờ học. Ảnh: NGỌC HÀ

Giảm áp lực thi cử cho học sinh

Theo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025, thí sinh thi hai môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và hai môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và Pháp luật, Tin học, Công nghệ. Nhiều học sinh cho rằng, việc chỉ phải thi 2 môn bắt buộc (thay vì 3 như hiện tại) và 2 môn thi tự chọn riêng lẻ thay cho bài thi tổ hợp sẽ giảm áp lực thi cử. Em Phạm Ngọc Thanh Hiền, học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Phú cho biết, việc đổi mới này giúp học sinh chọn những môn mà bản thân học tốt để tập trung ôn tập, giúp em dễ định hướng về ngành nghề mong muốn. “Em dự kiến thi khối C hoặc D nên ngoài hai môn thi bắt buộc, chỉ cần chọn học thêm môn Ngoại ngữ, Lịch sử và Địa Lý là có thể dự tuyển vào các trường đại học phù hợp”, Thanh Hiền nói.

Trong khi đó, dù còn khá lâu mới đến kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng Phan Nguyễn Bảo Trân, học sinh lớp 10, Trường THPT Sơn Trà đã tìm hiểu về phương án của Bộ GD&ĐT để có định hướng về ngành học trong tương lai. Bảo Trân bày tỏ: “Vì chỉ có 4 môn nên chúng em có thêm thời gian đầu tư kỹ càng, hướng đến kết quả thi tốt nhất. Đối với các môn khác, em sẽ không bỏ bê mà bố trí thời gian hợp lý học tập, đủ đạt yêu cầu”.

Nhiều giáo viên đồng tình với phương án thi tốt nghiệp THPT mới. Thầy Trương Khắc Vũ, giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THPT Sơn Trà, cho rằng việc ban hành vào thời điểm này khá thích hợp để các học sinh tiếp cận phương án và có hình thức học tập phù hợp hơn. Theo thầy Vũ, ưu điểm dễ thấy nhất của phương án này là giảm áp lực học tập, thi cử cho học sinh, các em chỉ học 4 môn so với 6 môn như phương án cũ. Điều này cũng đồng nghĩa với giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội trong tổ chức thi cử khi số buổi thi cũng giảm so với hiện nay.

Nói về phương án thi tốt nghiệp này, cô Hồ Thị Thảo Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho biết, sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi mới từ năm 2025, phụ huynh, học sinh và giáo viên nhà trường rất vui. Theo cô Nguyên, việc gọn được môn học sẽ giúp các em đỡ căng thẳng. Môn Toán và Ngữ văn là môn bắt buộc là đúng và hợp lý; chọn hai môn tự chọn rất thuận tiện bởi các em sẽ lựa chọn trên cơ sở điểm mạnh với các môn còn lại và phù hợp với các tổ hợp xét tuyển của các trường đại học. Môn Ngoại ngữ lâu nay xem ra không đồng đều giữa các thí sinh, phụ thuộc điều kiện, vùng miền; nhưng dù không là môn chính thức thi vẫn xuyên suốt trong quá trình học tập nên không đáng lo ngại, học ngoại ngữ là quá trình dài, các em sẽ phải bổ sung, tự trang bị để chuẩn bị cho tương lai sau này.

Các trường chuẩn bị phương án thi mới

Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú chia sẻ, bất kỳ sự thay đổi nào cũng đều đặt ra nhiều thử thách cho các bộ phận liên quan, trong đó đòi hỏi sự cố gắng cao nhất ở đội ngũ giáo viên và học sinh. “Về phía giáo viên sẽ  nỗ lực hết mình để có phương pháp giảng dạy, định hướng cho học sinh tốt nhất. Chúng tôi mong muốn Bộ GD&ĐT sớm có bộ đề minh họa, phương án thi cụ thể để giáo viên, học sinh, phụ huynh yên tâm” thầy Hòa nói.

Cô Hồ Thị Thảo Nguyên cho biết thêm, sang năm, học sinh từ lớp 11 sẽ lên 12 và là những học sinh đầu tiên tiếp cận phương án thi mới này. Do đó, nhà trường dự kiến cho học sinh ôn tập ngay từ đầu với hai môn Toán, Ngữ văn; những môn còn lại sẽ định hướng cho học sinh ngay học kỳ II năm học này. Tương tự, thầy Bùi Minh Quảng, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà cho hay, thời gian tới, nhà trường sẽ chỉ đạo bộ phận chuyên môn xây dựng kế hoạch chương trình giáo dục phổ thông 2018 và định hướng các môn lựa chọn để học sinh ôn tập, nắm vững kiến thức. Trong quá trình học, nhà trường sẽ theo dõi học sinh và có hướng chuyển đổi môn học đối với những em có những lựa chọn không phù hợp.

Một số nhà quản lý giáo dục cũng lưu ý, với phương án thi tốt nghiệp THPT mới, học sinh cần chú ý đến việc xét tuyển đại học. Do số lượng môn ít thì khả năng tổ hợp đa dạng cho phù hợp các khối, ngành thi sẽ hạn chế; khi đó học sinh sẽ phải nỗ lực để có được lựa chọn tối ưu nhất. Theo thầy Nguyễn Bá Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên, bên cạnh xây dựng phương án dạy và học, sau khi các trường đại học công bố phương án xét tuyển hay Bộ GD&ĐT xây dựng các tổ hợp môn xét tuyển, nhà trường sẽ có cơ sở định hướng thêm cho học sinh.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
.
.
.