Giáo dục

Mô hình tâm lý học đường của học sinh trường chuyên

08:24, 10/01/2023 (GMT+7)

Vietnam PsychEdu Camp (VPEC) là mô hình hội trại tâm lý học đường đầu tiên trên địa bàn thành phố, được dẫn dắt bởi nhóm thanh, thiếu niên nhiệt huyết mà nòng cốt là trưởng nhóm Nguyễn Thị Xuân Na, học sinh lớp 12D1 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và các học sinh lớp 11, 12 của trường. Việc hình thành mô hình với mong muốn học sinh trên địa bàn thành phố quan tâm và hiểu thêm về tâm lý học đường.

Trại sinh tham gia hội trại có những giờ vui chơi, giải trí và học hỏi thêm nhiều kiến thức. Ảnh: NGỌC HÀ
Trại sinh tham gia hội trại có những giờ vui chơi, giải trí và học hỏi thêm nhiều kiến thức. Ảnh: NGỌC HÀ

Hoạt động từ tháng 6-2022, nhóm đã tổ chức hội trại tâm lý học đường với tên gọi VPEC’22: MINDGAZE. VPEC’22: MINDGAZE được xây dựng dựa trên concept Mindgaze (nhìn vào thâm tâm) - nghĩa là nhìn vào thâm tâm, tìm cách thấu hiểu những áp lực mà bất cứ bạn học sinh nào cũng có nguy cơ gặp phải, từ đấy góp phần hỗ trợ các bạn vượt qua những cảm xúc tiêu cực trong cuộc sống học đường.

Dưới hình thức một chuỗi các ngày trại, mỗi ngày trại thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí gỡ rối những vấn đề lứa tuổi học trò luôn phải đối mặt như: áp lực đồng trang lứa, áp lực định hướng, áp lực mặc cảm ngoại hình, áp lực điểm số, áp lực tiêu chuẩn xã hội...

Ở mỗi chủ đề, các thành viên của VPEC đã chuẩn bị nội dung, trò chơi làm sao thật vui, gần gũi, dễ hiểu nhất. Ví dụ, với chủ đề áp lực định hướng, tổ chức các trò chơi viết tiếp ước mơ, đào sâu và giải mã, gỡ rối và định hình, bàn cờ cuộc sống… đã tạo điều kiện cho các trại sinh vừa vui chơi, vừa có thể định hướng bản thân một cách hiệu quả. Chủ đề áp lực tiêu chuẩn xã hội được bàn luận và “đào sâu” với các trò chơi bingo, ngón tay ma thuật, trò chơi số…

Theo Nguyễn Thị Xuân Na, hầu hết thành viên của nhóm đã tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật thường niên của trường và thành phố về đề tài phobia (các chứng sợ hãi), tham gia các CLB hướng đến việc giáo dục về tâm lý học đường và dự định theo đuổi ngành tâm lý học trong tương lai.

Từ điểm chung đó, nhóm đã quyết định tìm hiểu thêm nhiều tư liệu về tâm lý học đường, trao đổi với nhau hàng giờ và quyết định sẽ tiên phong trong lĩnh vực tổ chức hội trại về tâm lý học đường, thực hiện sứ mệnh cung cấp cho các bạn học sinh trong độ tuổi thiếu niên những kiến thức khoa học nhất về sức khỏe tâm lý học đường - một chủ đề đang rất cần được quan tâm trong thời điểm hiện nay. “Độ tuổi dậy thì là giai đoạn cơ thể có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý và cá nhân mỗi thanh, thiếu niên sẽ dễ bị ảnh hưởng tâm lý bởi những chuyển biến về cảm xúc.

Hơn nữa, các hiện trạng như bạo lực học đường, phát tán thông tin sai lệch trên mạng xã hội... cũng đáng quan ngại. Tuy nhiên, theo quan sát và thực tiễn đời sống học đường, chúng em nhận ra đang thiếu hụt sự quan tâm đối với các vấn đề này; dẫn đến việc thanh, thiếu niên và nhất là các bạn học sinh từ độ tuổi 12-16 vẫn chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về tâm lý tuổi dậy thì. Do đó, chúng em mong muốn được truyền tải kiến thức về việc nhận dạng cảm xúc và vượt qua áp lực học đường một cách bài bản, khoa học”, Xuân Na chia sẻ.

Trải qua một mùa trại tương đối thành công với đông đảo trại sinh cấp 2 và cấp 3 trên địa bàn thành phố tham dự cũng chính là động lực để những thành viên VPEC tiếp tục lan tỏa, chia sẻ kiến thức tâm lý học đường.

Theo Xuân Na: “Những câu chuyện thực tế mà các bạn chia sẻ tại hội trại cũng như mở lòng về vấn đề của bản thân ở mục ẩn danh đã khiến chúng em không khỏi xúc động xen lẫn trăn trở. Chúng ta chỉ nhìn ra bề nổi những gánh nặng tinh thần mỗi học sinh phải chịu đựng hiện nay; còn vô số thực trạng đáng báo động vẫn hiện hữu mà không dễ gì phát hiện. Đó là những hiện tượng không chỉ gián tiếp mà còn trực tiếp gây nên áp lực tinh thần cho học sinh như bắt nạt (qua mạng và ngoài đời), đổ lỗi nạn nhân (victim-blaming) và những hội chứng rối loạn về tâm lý, mặc cảm. Đây là những đề tài chúng em quan tâm trong thời gian tới và mong muốn công chúng cũng như chính quyền địa phương cùng vào cuộc nhằm gióng lên hồi chuông báo động giới trẻ, cộng đồng có cái nhìn sâu sắc và đa chiều hơn về những hiện tượng này. Bởi, chính chúng em - những thành viên nòng cốt của VPEC, cũng chính là những người đã trải qua những suy nghĩ và hiện thực đó”, Xuân Na bày tỏ.

NGỌC HÀ

.