Đổi mới chất lượng giáo dục đại học

.

Thời gian qua, các trường đại học thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo theo định hướng đại học nghiên cứu - đổi mới sáng tạo gắn với sứ mệnh phục vụ cộng đồng.

Giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hành tại Phòng Thí nghiệm Tự động hóa, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. (Ảnh chụp tháng 6-2020) Ảnh: NGỌC PHÚ
Giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hành tại Phòng Thí nghiệm Tự động hóa, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng. (Ảnh chụp tháng 6-2020). Ảnh: NGỌC PHÚ

Đổi mới phương pháp đào tạo

Theo các nhà khoa học, với tốc độ phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, dự báo đến năm 2030, thậm chí có thể sớm hơn, sẽ có khoảng 30% lao động được thay thế bằng robot. Vì vậy, các trường đại học hiện nay đang đứng trước bài toán làm thế nào để thích nghi, bắt kịp “chuyển động 4.0”.

Để theo kịp xu thế, các trường đại học thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng đã không ngừng đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo. Cụ thể, Trường Đại học Bách khoa sớm triển khai phương pháp “Học theo dự án”. Theo đó, chương trình học được thiết kế giảm thời lượng học lý thuyết, tăng kỹ năng thực hành cho sinh viên thông qua các dự án thực tế do giảng viên và sinh viên xây dựng. Sự thay đổi mang tính cách mạng về phương pháp đào tạo này sẽ giúp sinh viên khi ra trường có kiến thức, kỹ năng, khả năng thích ứng với các yêu cầu thay đổi ngày càng nhanh và hiện đại của quy trình làm việc ở các nhà máy, các công ty, tập đoàn. Ngoài ra, Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Bách khoa còn áp dụng phương thức “Đào tạo đặc thù” các ngành du lịch, công nghệ thông tin, kết hợp ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Nhật tăng cường, trong đó, hơn 50% thời lượng sinh viên sẽ thực tập, thực hành tại doanh nghiệp…

Trong khi đó, thời gian qua, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) chú trọng phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên, giảng viên. Để thực hiện tốt phong trào này, PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, lãnh đạo nhà trường đã chọn những giảng viên có đam mê hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, giàu tâm huyết làm nòng cốt cho phong trào. Các giáo viên trẻ tìm kiếm những tài liệu về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để nghiên cứu, học hỏi và truyền dạy cho sinh viên. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật đã thành lập CLB Sáng tạo và Khởi nghiệp để tất cả mọi người cùng tham gia phát triển ý tưởng. Sự đầu tư nghiêm túc và tinh thần lao động hăng say đã giúp sinh viên đạt được những thành quả nhất định. Nổi bật, tại cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ “Seeding your idea - Ươm mầm ý tưởng” do Tập đoàn công nghệ VinTech City phối hợp các trường đại học trên toàn quốc tổ chức năm 2019, nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật gồm: Lê Đặng Thái Phong và Nguyễn Trọng Nhiên đã đoạt giải Nhất với dự án “Gậy thông minh hỗ trợ người già ”…

Để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian qua, Đại học Đà Nẵng triển khai hợp tác các doanh nghiệp, trường học lớn trong và ngoài nước để trao đổi, nghiên cứu. Trong ảnh: Trường Đại học Bách khoa ký kết hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: N.P
Để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian qua, Đại học Đà Nẵng triển khai hợp tác các doanh nghiệp, trường học lớn trong và ngoài nước để trao đổi, nghiên cứu. TRONG ẢNH: Trường Đại học Bách khoa ký kết hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: N.P

Hợp tác trao đổi, nghiên cứu sáng tạo vì cộng đồng

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, Đại học Đà Nẵng đang có nhiều dấu ấn trong “chuyển động 4.0” khi hợp tác 2 đại học quốc gia (Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cùng nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao, phục vụ phát triển vùng và đất nước. Đặc biệt, trường cũng đã ký kết hợp tác nghiên cứu đổi mới sáng tạo theo hướng chuyên sâu ở tất cả các lĩnh vực mũi nhọn giữa Đại học Đà Nẵng và Viện Khoa học Công nghệ quốc gia Nhật Bản với các trường đại học uy tín trên thế giới như: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc; các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng đã liên tục tổ chức các chuỗi hội thảo hợp tác nhà trường - doanh nghiệp. Qua đó, các trường nắm bắt được nhu cầu doanh nghiệp, có thêm nhiều ý tưởng, đề tài và nguồn lực nghiên cứu khoa học sát với thực tiễn.

Doanh nghiệp tăng thêm “chất xám” từ đội ngũ có trình độ, hỗ trợ đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quảng bá thương hiệu và chủ động được nguồn nhân lực. Điển hình như Trường Đại học Bách khoa vừa bổ sung cơ sở vật chất cho đào tạo, nghiên cứu khoa học bằng việc đưa vào sử dụng các phòng thí nghiệm công nghệ cao do Tập đoàn SMC Nhật Bản và Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine (Tập đoàn UAC, Hoa Kỳ) hợp tác tài trợ; tăng cường trang thiết bị thí nghiệm, thực hành do Tập đoàn Bosch, Đức và Viettel IDC tài trợ. Mới đây, Trường Đại học Bách khoa đã ký kết với Tập đoàn Fujikin (Nhật Bản) đào tạo, tuyển dụng sinh viên; hỗ trợ xây dựng “Phòng thí nghiệm tiên tiến” tại trường để các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia hai bên nghiên cứu chung.

Không chỉ nghiên cứu hàn lâm, việc đổi mới sáng tạo bắt nguồn từ tâm huyết, trách nhiệm xã hội của mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên các trường đại học trên địa bàn thành phố đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích cho cộng đồng, được ghi nhận, đánh giá cao. Điển hình như “Máy đo thân nhiệt từ xa” do GS,TSKH Bùi Văn Ga (nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) chủ trì, đã chuyển giao cho hơn 20 cơ quan, doanh nghiệp; “Robot diệt khuẩn bằng tia UV” (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật chủ trì) đã bàn giao, đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Đà Nẵng; “Máy rửa tay” (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Khoa Y Dược hợp tác sáng chế) đã được trao tặng kịp thời đến các chợ, cơ quan, trường học, bệnh viện tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận...

Đặc biệt, sản phẩm “Robot phục vụ bệnh nhân trong các khu cách ly do Khoa Cơ khí (Trường Đại học Bách khoa) sáng chế, phục vụ tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng giúp đội ngũ y bác sĩ tiết kiệm được thời gian, công sức, đồng thời giảm thiểu việc tiếp xúc, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh nhân và nhân viên y tế. Sản phẩm này đã vượt qua gần 2.000 sáng kiến, dự án của 79 quốc gia để được Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) công bố tài trợ vào cuối tháng 5-2020 với tổng quỹ hơn 14 tỷ đồng.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng, với nỗ lực lớn, quyết tâm cao, Đại học Đà Nẵng hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững để thực sự xứng tầm một trong ba trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu quốc gia, có uy tín trong khu vực và thế giới.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.