Thay đổi cuộc sống từ mô hình "Gia đình học tập"

.

Sau 5 năm (2016-2020) thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập, các mô hình “Dòng họ học tập”, “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” của quận Ngũ Hành Sơn đều đạt kết quả cao so với mục tiêu đề ra. Nổi bật nhất là mô hình “Gia đình học tập” đã tạo nên sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng khi toàn quận có đến 68.000 hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình học tập”, đạt 86,6% so với tổng số hộ đăng ký.

Quận Ngũ Hành Sơn khen thưởng các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài. Ảnh: N.QUANG
Quận Ngũ Hành Sơn khen thưởng các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài. Ảnh: N.QUANG

Ông Phạm Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học quận Ngũ Hành Sơn chia sẻ, mô hình “Gia đình học tập” đã tạo môi trường học tập cho người dân rõ ràng hơn. Bên cạnh việc động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho con em trong gia đình nỗ lực học tập tốt, các gia đình còn chú ý hơn đến việc học tập của người lớn so với trước kia. Với phương châm “Học tập suốt đời”, “Cần gì học nấy”, đã giúp cho nhiều người dân ở mọi độ tuổi khác nhau nỗ lực học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng, từ đó thu nhập được cải thiện đáng kể.

Gia đình chị Lê Thị Xuân Thủy (ở tổ 20, phường Hòa Hải) có hai con đều là học sinh giỏi trong nhiều năm liền. Kinh tế gia đình chị ổn định và tăng lên so với trước đây đều nhờ vào việc nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức của cả gia đình. Chị Thủy kể: “Từ những năm 2016 trở về trước, chồng tôi là 1 thợ xây dựng nhưng tay nghề còn yếu nên chỉ dám nhận làm những công việc đơn giản, ai thuê gì làm nấy. Nhưng bằng việc nỗ lực không ngừng học hỏi từ các đồng nghiệp, như: cách cầm bay, vét mảng hồ… Sau giờ làm, chồng tôi thường dành thời gian xem thêm các video dạy nghề trên Internet nên từng bước tay nghề được nâng cao. Đến năm 2018, anh được tuyển vào làm nhân viên bảo trì tại Trường Đại học Mỹ - Thái Bình Dương với mức lương 8 triệu đồng/tháng nên đã giúp kinh tế gia đình tôi ngày càng ổn định hơn. Bản thân tôi là một giáo viên mầm non cũng luôn tìm tòi nhiều phương pháp dạy mới, nắm bắt tâm lý của trẻ để có thể hoàn thành công việc tốt hơn”.

Em Tống Thị Thanh Tuyền (SN 2000) ở phường Hòa Quý là một trong những sinh viên tiêu biểu học giỏi. Nhưng mấy ai biết rằng, hoàn cảnh gia đình Tuyền rất khó khăn khi mẹ là phụ nữ đơn thân, khuyết tật chân, đi lại khó khăn. Bằng nỗ lực không ngừng học hỏi và ý chí vươn lên, Tuyền đã vượt qua 13 thí sinh, giành giải nhất và đại diện sinh viên Đà Nẵng tham dự Chung kết toàn quốc hội thi Thủ lĩnh sinh viên lần thứ 3, do Trung ương Hội sinh viên Việt Nam tổ chức. Tuyền chia sẻ, mô hình “Gia đình học tập” đã tác động không nhỏ đến suy nghĩ trong em, giúp em luôn nỗ lực học tập, tích lũy những kiến thức các môn học cho đến các kiến thức xã hội. Các thành viên trong gia đình em cũng thường chia sẻ những kinh nghiệm, vốn sống, nếu có vấn đề gì chưa biết, cả nhà sẽ cùng nhau tìm hiểu.

Theo ông Huỳnh Bá Quý, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, việc triển khai mô hình “Gia đình học tập” trên địa bàn phường trong thời gian qua được lồng ghép với các hoạt động tại các tổ dân phố. Trong 5 năm qua, tại phường Hòa Quý đã có 13.824 lượt gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập” trên tổng 16.504 lượt gia đình đăng ký (đạt 82%). Tuy Hòa Quý là một địa phương thuần nông, còn nhiều khó khăn nhưng từ khi thực hiện mô hình đã tiếp sức cho Hòa Quý chuyển mình trên lĩnh vực giáo dục, không chỉ trẻ em đang tuổi đến trường học tập mà mỗi người lớn tuổi cũng luôn tìm tòi, học hỏi nâng cao kiến thức.

Ông Phạm Hiền cho biết, sau 5 năm thực hiện  Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập cho thấy, mô hình “Gia đình học tập” phù hợp với nhu cầu học tập của người dân. Nếu như trước đây nhận thức về công tác khuyến học đơn thuần chỉ là việc khuyến khích, hỗ trợ việc học thì nay các tiêu chí đã được nâng tầm để tiến tới xây dựng một xã hội học tập ở hầu hết các cấp.

NGUYỄN QUANG

;
;
.
.
.
.
.