Giáo dục

TIẾN TỚI ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ V, GIAI ĐOẠN 2020-2025

Người hiệu trưởng không ngừng sáng tạo

08:44, 21/09/2020 (GMT+7)

Tự học, luôn chia sẻ và lắng nghe chân thành, truyền lửa trong mọi hoạt động, cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh, quận Hải Châu đã tạo ra những sáng kiến có sức lan tỏa, tác động tích cực đến công tác dạy và học của trường và ngành giáo dục thành phố.

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm không ngừng nỗ lực để tạo nên môi trường giáo dục thân thiện, với những trò chơi phù hợp với từng lứa tuổi, qua đó, nuôi dưỡng lòng nhân ái, giúp trẻ em hứng thú, tự tin và tự lập hơn. Ảnh: N.P
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm không ngừng nỗ lực để tạo nên môi trường giáo dục thân thiện, với những trò chơi phù hợp với từng lứa tuổi, qua đó, nuôi dưỡng lòng nhân ái, giúp trẻ em hứng thú, tự tin và tự lập hơn. Ảnh: N.P

Khi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh từ tháng 11-2011 đến nay, cô Thư Trâm luôn tìm tòi nghiên cứu và mạnh dạn thay đổi các hình thức giảng dạy truyền thống, thụ động bằng phương pháp đang được thực hiện thành công ở các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến.

Theo đó, cô Thư Trâm quan niệm, giáo dục trẻ mầm non không dừng lại ở việc cho trẻ ăn và ngủ. Vì vậy, những năm qua, cô Thư Trâm và đội ngũ giáo viên trong trường luôn nỗ lực để tạo nên môi trường giáo dục thân thiện, với những trò chơi phù hợp với từng lứa tuổi, qua đó, nuôi dưỡng lòng nhân ái trong trẻ, giúp trẻ hứng thú, tự tin và tự lập hơn. Cô Thư Trâm đã triển khai sáng kiến “Một số đồ chơi phục vụ trẻ khuyết tật học hòa nhập trong trường mầm non” đoạt giải nhất cấp thành phố và giải khuyến khích cấp quốc gia về Sáng kiến kỹ thuật năm 2016.

Theo Thông tư 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30-12-2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của chương trình giáo dục mầm non, trẻ khuyết tật được hòa nhập tại trường mầm non, tuy nhiên, đồ dùng, đồ chơi giúp trẻ phát triển, giảm các tật cho trẻ khuyết tật (tăng động, giảm tập trung, khiếm thính, khiếm thị, chậm vận động, chậm phát triển ngôn ngữ) gần như không bán trên thị trường, nếu có thì giá rất đắt đỏ.

Từ khó khăn đó, cô Thư Trâm nghĩ đến việc tận dụng vật dụng bằng tre để tạo ra các đồ chơi, vừa an toàn cho trẻ, vừa thân thiện với môi trường và có hiệu quả kinh tế cao. “Có những trẻ khuyết tật, khi vào lớp chỉ ngồi một chỗ, không giao tiếp với bạn bè, nhưng qua thời gian, sự nhẫn nại của các cô giáo cùng sự hấp dẫn của đồ chơi tự chế đã khuyến khích trẻ tham gia vận động, sáng tạo, dần dần tự đi, tự chơi và hòa đồng hơn với tập thể. Đến nay, những đồ chơi tự chế này vẫn được sử dụng vào các hoạt động dạy tiếp cận, giúp trẻ khuyết tật hòa nhập tại trường rất hiệu quả. Sự tiến bộ, dù rất nhỏ của trẻ khuyết tật là nguồn động viên, cũng là niềm hạnh phúc trong im lặng của mỗi giáo viên Trường mầm non Bình Minh. Chúng tôi tin rằng, mỗi bước phát triển nhỏ đó là nền tảng giúp các con dễ dàng hòa nhập cộng đồng trong tương lai không xa”, cô Thư Trâm tâm sự.

Để hạn chế ô nhiễm môi trường, cô Thư Trâm còn triển khai tận dụng rác thải điện tử và một số nguyên liệu phế thải phục vụ hoạt động giáo dục trong trường mầm non. Theo đó, cô kêu gọi giáo viên, phụ huynh và trẻ tận dụng rác thải điện tử gia dụng trong gia đình để làm đồ chơi phát triển trí tuệ, phát triển vận động, ngôn ngữ cho trẻ. Quá trình sáng tạo đồ chơi cũng góp phần gắn kết, xây dựng tinh thần trách nhiệm của phụ huynh đối với nhà trường trong giáo dục trẻ. Sáng kiến này đã đoạt giải nhất sáng kiến kỹ thuật cấp thành phố năm 2019 và đang được gửi tham dự giải cấp quốc gia. Trước thực trạng bạo hành tại các nhóm trẻ, các trường mầm non, cô Thư Trâm triển khai thực hiện “Bữa ăn hạnh phúc” cho trẻ.

Theo đó, trẻ được vận động nhiều trước mỗi bữa ăn; thông qua trò chơi, trẻ được khuyến khích tự ăn, ăn thô hoàn toàn và ăn theo nhu cầu của trẻ. Phương pháp này đã giúp trẻ ăn trong niềm vui, giúp các con hấp thụ bữa ăn tốt và yêu thích đến trường. Phụ huynh có thể yên tâm về bữa ăn của con mình ở trường, vì giáo viên không bị áp lực trong giờ cho trẻ ăn cũng như cân nặng của trẻ…

Để có được kết quả như hôm nay, cô Thư Trâm đã đọc rất nhiều về những tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cô ghi nhớ và cố gắng áp dụng những điều học được ở Bác trong quá trình làm việc. Luôn nêu gương người đứng đầu, cô Thư Trâm tự hoàn thiện bản thân bằng cách tự học, tự nghiên cứu, chia sẻ và lắng nghe chân thành, truyền lửa trong mọi hoạt động với các cô giáo lẫn các em nhỏ.

Nỗ lực, sáng tạo không ngừng, 5 năm qua, cô Thư Trâm luôn là chiến sĩ thi đua cơ sở, 2 năm là chiến sĩ thi đua cấp thành phố, được các cấp tặng Bằng khen. Đặc biệt, Trường mầm non Bình Minh luôn đi đầu trong phong trào dạy và học. Năm 2019, trường được Bộ GD&ĐT tạo chọn làm đơn vị thí điểm cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán 63 tỉnh, thành về giao lưu học tập; hơn 20 đơn vị, trường học trong cả nước về tham quan các mô hình dạy học lấy trẻ làm trung tâm…

Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm là 1 trong 100 tấm gương cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu giai đoạn 2015-2020 sẽ được thành phố tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V dự kiến tổ chức vào ngày 28-9-2020.

NGỌC PHÚ

.