Hai nhà nghiên cứu khoa học trẻ

.

Đạt nhiều thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và công tác xã hội, PGS.TS Lê Phước Cường (SN 1985) và TS. Đặng Hữu Mẫn (1984) (Đại học Đà Nẵng) là hai tấm gương ưu tú, truyền cảm hứng cho những người trẻ khác cùng nỗ lực đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố.

PGS. Lê Phước Cường, Giám đốc Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng).
PGS. Lê Phước Cường, Giám đốc Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng).

Cuối tháng 11-2019, TS. Lê Phước Cường, Giám đốc Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) ở tuổi 34 chính thức được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận là Phó Giáo sư (PGS) và cũng là PGS trẻ nhất Đại học Đà Nẵng với bề dày thành tích ấn tượng.

Từ năm 2008 đến nay, PGS. Lê Phước Cường đã có 68 công trình nghiên cứu khoa học bao gồm: 3 quyển sách và những đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, cấp Nhà nước, những bài báo, báo cáo khoa học đăng tải trên các tạp chí uy tín thế giới, một số công trình của anh được Chính phủ Liên bang Nga cấp bằng sáng chế và anh cũng vinh dự được trao tặng giải thưởng Hóa học Lobachevski của Liên bang Nga với đề tài Công nghệ tối ưu hóa kỹ thuật chất lỏng siêu tới hạn.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ngành hóa học môi trường loại xuất sắc vào năm 26 tuổi tại Đại học Nghiên cứu quốc gia Kazan (Liên bang Nga), năm 2012, TS Cường nhận rất nhiều lời mời từ các nước trên thế giới với đãi ngộ cao nhưng anh đều từ chối, trở về nước với tâm nguyện cống hiến cho quê hương, đất nước mình, anh chọn khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa là nơi sẽ gắn bó cùng mình.

Các nghiên cứu của TS Cường chuyên về sức khỏe và môi trường, rất nhiều đề tài của anh được đánh giá cao vì có tính ứng dụng thực tế và mang lại lợi ích cho cộng đồng, đơn cử như nghiên cứu khả năng tái sử dụng bông vụn thải để trồng nấm ăn và sản xuất phân hữu cơ.

Theo TS Cường, thay vì Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ phải xử lý 500kg bông thải ra mỗi ngày thì số bông thải này có thể mang lại lợi ích kinh tế rất lớn, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường. “Khi đặt số bông này ở những nơi ẩm ướt sẽ mọc lên những cụm nấm, phân tích chất lượng nấm bào ngư trắng thành phẩm đạt chuẩn đầu ra, mặt khác, lượng bã từ giá thể trồng phát sinh rất nhiều và có thể được tận dụng để ủ thành phân bón vi sinh”, PGS.TS Lê Phước Cường cho biết.

Bên cạnh đó, công trình nghiên cứu quá trình tích lũy độc chất môi trường trong cộng đồng dân cư tại các khu công nghiệp và chế xuất trên địa bàn thành phố của TS Cường cũng được Sở Y tế thành phố đánh giá cao.

Hiện anh đang phối hợp cùng các bệnh viện và trung tâm y tế của thành phố để đưa ra các giải pháp nâng cao sức khỏe, góp phần bảo vệ môi trường cho người dân ở gần các khu công nghiệp và chế xuất… cùng rất nhiều công trình xử lý độc chất trong môi trường đã được áp dụng vào thực tế.

Bên cạnh công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học, TS Cường còn từng là một Bí thư Đoàn truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học và ý tưởng khởi nghiệp cho nhiều thế hệ sinh viên, thành lập nhiều sân chơi tri thức cho các bạn trẻ, có thể kể đến như:

CLB Khởi nghiệp Bách khoa, Nhóm Nghiên cứu Bách khoa trẻ… Những nỗ lực của TS Cường vì thế hệ trẻ đã được công nhận bằng Huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2016, Giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2017…

Được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Học liệu và Truyền thông của Trường Đại học Bách khoa vào năm 2018, trên cương vị mới, PGS, TS Lê Phước Cường mong muốn xây dựng nhiều mô hình thiết thực đẩy mạnh văn hóa đọc trong sinh viên.

“Dù biết sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng tôi muốn cùng sinh viên của mình khẳng định sức mạnh tri thức của thanh niên Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Về phía bản thân, tôi sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ hiện hành với các hướng nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, tiếp tục mạnh dạn đề xuất các ý tưởng mới và thiết thực với đời sống người dân”, PGS.TS Lê Phước Cường chia sẻ.

TS. Đặng Hữu Mẫn, Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). Mong muốn đóng góp vào sự phát triển của thị trường tài chính thành phố
TS. Đặng Hữu Mẫn, Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). Mong muốn đóng góp vào sự phát triển của thị trường tài chính thành phố

36 tuổi với 36 công trình nghiên cứu, bao gồm 28 bài báo, báo cáo khoa học, 5 đề tài nghiên cứu và 3 cuốn sách, nỗ lực của TS. Đặng Hữu Mẫn đã được thành phố công nhận với 2 bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho tác giả có bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI (Viện Thông tin Khoa học, Hoa Kỳ) năm 2017 và 2018, giải thưởng công trình khoa học tiêu biểu của ĐH Đà Nẵng năm 2018. Từ năm 2016 đến nay, TS. Đặng Hữu Mẫn đã công bố 7 bài báo trên các tạp chí quốc tế ISI.

“Khác với nghiên cứu khoa học kỹ thuật sẽ thấy được kết quả nghiên cứu bằng thực tế, nghiên cứu kinh tế học từ kết luận cuối cùng sẽ rút ra hàm ý để những nhà chuyên môn, nhà hoạch định chính sách của quốc gia, thành phố có sự điều chỉnh sao cho phù hợp. Có thể thấy, thị trường tài chính thành phố có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng chưa được quan tâm đúng mức, tôi mong muốn những công trình nghiên cứu của mình sẽ đóng góp vào sự phát triển của nền tài chính Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng”, TS. Đặng Hữu Mẫn cho biết.

Các nghiên cứu của TS. Đặng Hữu Mẫn chuyên về tài chính công ty, sáp nhập và mua bán và thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, TS Mẫn còn thường xuyên phối hợp nghiên cứu với Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội thành phố để tổ chức các hội thảo, hội nghị tư vấn, quản trị cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Hiện TS Mẫn đang phối hợp nghiên cứu với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Xúc tiến đầu tư nước ngoài (Bộ Công thương) về những rủi ro chính sách ảnh hưởng thế nào tới thị trường tài chính và doanh nghiệp… qua đó, đóng góp vào việc điều chỉnh những chính sách kinh tế.

Trong công tác giảng dạy, là Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), TS. Đặng Hữu Mẫn thường xuyên làm việc với các trường, cơ sở giáo dục nước ngoài để mời nhiều chuyên gia nổi tiếng của khu vực và thế giới đến Trường Đại học Kinh tế để giảng dạy cho sinh viên. Năm 2016, sau thời gian học nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành tài chính tại Đại học La Trobe, Úc, khi trở về giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế, TS Mẫn đã chủ động mời GS. Darren Henry, Trưởng Khoa Tài chính Đại học La Trobe để hỗ trợ giảng dạy và tư vấn nghiên cứu khoa học.

Ngoài những chi phí của nhà trường bỏ ra, TS. Đặng Hữu Mẫn cũng đã mời khá nhiều giảng viên nước ngoài cùng cộng tác và giảng dạy từ nguồn tài chính của bản thân với mong muốn truyền được cảm hứng học tập cao nhất cho sinh viên và cũng là cơ hội cho các giảng viên được trao đổi hiệu quả hơn, về phía nhà trường, việc tăng cường giao lưu, học hỏi giúp phát triển các chương trình hợp tác nghiên cứu. “Vừa làm công tác giảng dạy vừa nghiên cứu khoa học nên có nhiều khó khăn về mặt thời gian, tuy nhiên, tôi luôn mong muốn được truyền lửa đam mê nghiên cứu, sáng tạo cho các sinh viên, những người có đủ điều kiện hội nhập quốc tế và khẳng định mình”, TS. Đặng Hữu Mẫn chia sẻ.

MAI QUẾ
 

;
;
.
.
.
.
.