"Nhà sách" trong trường học

.

Những năm trở lại đây, ngành GD-ĐT thành phố triển khai xây dựng thư viện tiên tiến tại trường học, nhằm phục vụ nhu cầu đọc sách cho học sinh và giáo viên. Trong hàng trăm thư viện trường học, Thư viện Trường tiểu học Phù Đổng, quận Hải Châu được ví như một “nhà sách”, bởi có đầy đủ tiện nghi, chủng loại sách...

Giờ ra chơi, nhiều học sinh đến thư viện để đọc sách nhằm bổ sung kiến thức, trau dồi kỹ năng đọc.
Giờ ra chơi, nhiều học sinh đến thư viện để đọc sách nhằm bổ sung kiến thức, trau dồi kỹ năng đọc.

Giờ ra chơi, rất nhiều học sinh tập trung đến thư viện của trường để đọc sách. Theo ghi nhận, học sinh lựa chọn những cuốn sách lịch sử, truyện cổ tích, sách tiếng Anh thiếu nhi... để đọc. Nguyễn Thảo Linh Chi (lớp 4/4) bộc bạch: “Sách của thư viện trường rất phong phú nên chúng em có rất nhiều lựa chọn. Mỗi ngày, em tranh thủ đến thư viện một lần để tìm sách đọc. Đọc sách giúp em có nhiều kiến thức, vốn sống hơn”, Chi nói.

Cô Trương Thị Nhã Trúc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, thư viện Trường tiểu học Phù Đổng được xây dựng theo chủ trương xây dựng thư viện đạt chuẩn, thư viện tiên tiến ở các trường học nhằm tạo thói quen đọc sách cho học sinh. Thư viện có diện tích 210m2, với 4 phòng (phòng đọc học sinh, phòng đọc giáo viên, kho khách, kho thiết bị). Thư viện đã được ngành GD-ĐT thành phố công nhận đạt chuẩn năm học 2004-2005, được công nhận thư viện tiên tiến năm học 2013-2014. Năm học 2018-2019, trường bổ sung vốn tài liệu, xây dựng cơ sở vật chất, xây dựng thư viện thân thiện theo mô hình thư viện Room to read (phòng để đọc). Năm học 2019-2020, trường tiếp tục bổ sung vốn tài liệu, mua sắm máy tính mới, xây dựng dữ liệu cho học sinh đọc sách qua mạng nội bộ và đọc sách điện tử qua mạng. Theo cô Trúc, Trường tiểu học Phù Đổng đặt mục tiêu xây dựng thư viện tiên tiến xuất sắc trong năm học này.

Theo thống kê của cô giáo phụ trách thư viện Nguyễn Thị Dân, hiện nay, vốn tài liệu của thư viện lên đến 20.222 bản sách; trong đó sách giáo khoa: 2.984 bản, sách giáo viên: 2.052 bản, sách tham khảo: 9.189 bản, sách thiếu nhi: 5.997 bản. Cũng theo cô giáo phụ trách thư viện, những năm trước, thư viện chỉ là kho sách, ban đầu đặt ở tầng 3. Tuy nhiên, nhằm đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh, Ban Giám hiệu trường đầu tư, xây dựng lại thư viện và đặt ở Trung tâm của trường (tầng 1). Thư viện được mở rộng về diện tích, thiết kế sáng tạo, đẹp mắt, tạo ra một không gian, môi trường đọc sách thân thiện. Thư viện còn được bố trí các góc hoạt động khác nhau như: “Góc trò chơi”, “Góc tra cứu”, “Góc viết vẽ”… để rèn luyện kỹ năng tra cứu tài liệu, khuyến khích học sinh đọc nhiều loại sách khác nhau và phát huy tính sáng tạo, giúp các em tự tìm tài liệu cho việc học tập và nâng cao kiến thức.

Cô Nguyễn Thị Công Chính, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, thư viện không chỉ là nơi phục vụ nhu cầu tìm thông tin của các em học sinh với nguồn tài liệu phong phú, mà còn là nơi giải trí lành mạnh cho các em sau những giờ học căng thẳng. Thói quen đọc sách của học sinh dần được hình thành và phát triển một cách tự nhiên, đầy hứng thú. Đó là thành công của hoạt động thư viện, trường học nói chung.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.